Nghiên cứu, xây dựng Chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc, giai đoạn 2026-2036
Ngày 10/7, với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, trí tuệ, đoàn kết, đồng thuận cao, Hội nghị lần thứ 4 Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam khóa X đã hoàn thành toàn bộ chương trình và thành công tốt đẹp.

Quang cảnh Hội nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ tư khóa X. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc
Phát biểu bế mạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy MTTQ, các đoàn thể Trung ương; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đề nghị cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tập trung cao độ để nghiên cứu, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc, giai đoạn 2026-2036.
Trong đó, khảo sát, nghiên cứu để tham mưu đề xuất cấp có thẩm quyền xây dựng, ban hành hệ thống chính sách đối với các giai cấp, tầng lớp xã hội để củng cố, tăng cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chúng ta, chung tay, góp sức xây dựng đất nước phát triển hùng cường, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đây là văn bản quan trọng, được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo và đã thể hiện trong Nghị quyết số 43-NQ/TW về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Cũng theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, sẽ nghiên cứu để mở rộng nội hàm của cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", nói không với hàng giả, hàng kém chất lượng. Từ đó, tạo dư luận mạnh mẽ trong cộng đồng nhân dân toàn quốc lên án hàng giả, hàng kém chất lượng. Hàng giả, hàng kém chất lượng không chỉ tác động đến xã hội mà ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của nhân dân, vì vậy cần có tiếng nói mạnh mẽ của MTTQ Việt Nam và các tầng lớp nhân dân.
Đối với hoạt động của các tổ chức hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lưu ý các Hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ phải lập kế hoạch tài chính về gửi Cục kế hoạch tài chính (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) để tổng hợp, báo cáo với Bộ Tài chính và làm đầu mối quản lý. Hiện nay chỉ có 6 hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ là có tổ chức ở 34/34 tỉnh, thành phố (Liên minh Hợp tác xã, Hội Khuyến học Việt Nam, Hội Người cao tuổi, Hội Luật gia, Hội Chữ thập đỏ, Hội Cựu thanh niên xung phong). Bộ Chính trị đã giao và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu Đề án để có các chính sách cụ thể theo ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm: tất cả mọi người trên đất nước Việt Nam đều phải tập hợp vào một tổ chức để khơi dậy tinh thần yêu nước, tinh thần khát khao cống hiến, đóng góp xây dựng đất nước, đem lại hạnh phúc cho người dân, không để ai ở lại phía sau.
Tích cực triển khai 10 nhiệm vụ được Bộ chính trị, Ban Bí thư giao

Các đại biểu biểu quyết tại Hội nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ tư khóa X. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Nhiệm vụ 6 tháng cuối năm và năm 2026, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao cho Đảng ủy MTTQ, các đoàn thể Trung ương 10 nhiệm vụ; trong đó, việc đầu tiên, tiên quyết là tổ chức lại các tổ chức Đảng trực thuộc tại các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ phù hợp, đồng bộ với mô hình tổ chức sau khi sắp xếp lại; thời hạn hoàn thành trước 15/7/2025
Cùng đó, Đảng ủy MTTQ, các đoàn thể Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan khẩn trương triển khai chương trình tập huấn cho đoàn viên, thanh niên là sinh viên chuyên ngành liên quan đến công nghệ thông tin của các trường đại học, cao đẳng, thanh niên tình nguyện về dịch vụ công trực tuyến, giải quyết thủ tục hành chính, đưa về hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhân dân các xã, phường, đặc khu, nhất là vùng xa, vùng khó khăn khi vận hành bộ máy trong thời gian đầu thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; thời hạn hoàn thành trước ngày 31/7/2025.
Trong khoảng thời gian ngắn đã có 3.321 đội xung kích tình nguyện xuống tất cả 3.321 xã để hỗ trợ cho bà con thực hiện dịch vụ công và thủ tục hành chính trên mạng; đặc biệt, có 728 đội tình nguyện của 40 trường đại học, cao đẳng Trung ương đang ở các xã biên giới". Việc này do Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh triển khai, nhưng dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy MTTQ, các đoàn thể Trung ương kết quả bước đầu rất đáng ghi nhận - ông Đỗ Văn Chiến cho biết.
Các nhiệm vụ tiếp theo là: Tham mưu, rà soát, điều chỉnh, bổ sung chức năng nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức trực thuộc Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; thời hạn hoàn thành trước ngày 31/7/2025.
Chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương hướng dẫn tổ chức Đại hội của các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng cấp Trung ương, bảo đảm thiết thực, tiết kiệm sau khi tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam; thời hạn hoàn thành trước ngày 31/7/2025.
Lãnh đạo, chỉ đạo việc hướng dẫn các địa phương thực hiện sắp xếp các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ trực thuộc MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, cấp xã; thời hạn hoàn thành trước ngày 30/9/2025.
Lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục tổ chức sắp xếp lại các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ vào hoạt động trực thuộc MTTQ Việt Nam, theo hướng dẫn giảm số lượng hội, tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong, hoạt động thiết thực, hiệu quả; thời hạn hoàn thành trước ngày 30/9/2025.
Lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan báo chí trực thuộc Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đảm bảo quản lý thống nhất, nâng cao hiệu quả hoạt động theo hướng tinh gọn tối đa, giảm số lượng các cơ quan báo chí, tạp chí, chỉ duy trì các đơn vị thực sự cần thiết; thời hạn hoàn thành trước ngày 30/9/2025.
Sau Đại hội XIV của Đảng, lãnh đạo, chỉ đạo việc chuẩn bị Đại hội MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương sau Đại hội Đảng toàn quốc và bầu cử đại biểu Quốc hội.
Lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về quy định thi hành Điều lệ MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, chuyên môn nghiệp vụ, quy trình, hoàn tất thủ tục về công tác tổ chức Mặt trận, Công đoàn, Cựu chiến binh, phụ nữ, thanh niên, thiếu niên nhi đồng… bằng hình thức trực tuyến; đây là công việc thực hiện thường xuyên.
Lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân đồng thuận, thống nhất, có trách nhiệm cao với xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương. Thực hiện đại đoàn kết toàn dân sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, sắp xếp, tổ chức các đơn vị, bộ máy, các cơ quan, đơn vị, hệ thống chính trị gắn với xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp; công việc thực hiện thường xuyên.
Từ 1/7/2025 cả nước ta bước vào hoạt động theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết rất quan trọng với nhiều thông điệp mới khẳng định đoàn kết là chân lý của mọi thời đại. Đoàn kết là chiến lược xuyên suốt của Đảng ta và thiếu đoàn kết, đồng thuận sẽ làm chệch hướng hoặc kìm hãm hiệu quả vận hành bộ máy. Bởi vậy, giữ gìn đoàn kết chính là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu - là điều kiện tiên quyết để mọi công việc cải cách khác diễn ra thuận lợi. Với sự lãnh đạo của Đảng, MTTQ các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên khác của Mặt trận làm nòng cốt để xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, kết nối, đồng hành cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa - ông Đỗ Văn Chiến nêu rõ: "Không một thế lực nào có thể chia rẽ được khối đại đoàn kết của dân tộc. Chắc chắn chúng ta sẽ hiện thực hóa được khát vọng xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất dân chủ và giàu mạnh như di nguyện của Bác Hồ kính yêu. Nhất định kỷ nguyên mới, đất nước sẽ vươn mình hùng cường, nhân dân sẽ có cuộc sống ấm no, hạnh phúc".