Ngộ độc thuốc tê sau khi gây tê tại phòng khám tư nhân

Bệnh viện Đa khoa thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) vừa cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân nam, 42 tuổi, bị ngộ độc thuốc tê bằng mô hình cấp cứu nội viện.

Bệnh nhân được đưa vào bệnh viện trong tình trạng lơ mơ, đờ đẫn, run giật chân tay, mạch 110l/p, HA 75/40 mmHg.

Khai thác nhanh bệnh sử được biết: Trước vào viện, bệnh nhân được gây tê tại chỗ bằng Medincain 2% tại phòng khám tư nhân. Sau khoảng 1h, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng choáng, run chân tay, lơ mơ, chậm chạp, đại tiểu tiện không tự chủ.

Các bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân. (Ảnh: BVCC)

Các bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân. (Ảnh: BVCC)

Các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn và nhận định: đây là một ca ngộ độc thuốc tê. Bệnh nhân được xử trí ngay theo phác đồ ngộ độc thuốc tê: ngay lập tức tiêm tĩnh mạch 70ml lipid 20%, tiếp tục truyền duy trì liều 0,25ml/kg/h, kiểm soát hô hấp, tuần hoàn.

Sau cấp cứu 1 giờ, bệnh nhân gọi hỏi đáp ứng song còn chậm, 2 giờ sau bệnh nhân tỉnh, gọi hỏi đáp ứng tốt. Sau đó, bệnh nhân tỉnh táo dần, đi lại được. 12h sau, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn không để lại di chứng.

Theo bác sĩ Đặng Diên, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, ngộ độc thuốc tê là một tai biến hiếm gặp trong y khoa, tỷ lệ 1/1.000 (theo báo cáo của Hiệp hội Gây mê và Giảm đau Hoa Kỳ năm 2018). Tuy nhiên rất dễ nhầm lẫn sang sốc phản vệ do thuốc tê, nếu xử trí không đúng sẽ làm bệnh nặng hơn. Nếu phát hiện muộn, xử trí sai, nguy cơ tử vong cao. Những đơn vị có sử dụng thuốc tê nên chuẩn bị sẵn hộp dụng cụ giải độc thuốc tê theo khuyến cáo của hội gây tê vùng và giảm đau Hoa Kỳ (ARSA).

Đối với người bệnh khi đến khám, nếu có chỉ định thực hiện thủ thuật gây tê, gây mê nên thông báo với bác sĩ về tiền sử bệnh và những dị ứng với các trường hợp sử dụng thuốc để có hướng điều trị phù hợp.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/ngo-doc-thuoc-te-sau-khi-gay-te-tai-phong-kham-tu-nhan-d168467.html