Ngô Minh Thơ - Người lính quả cảm của Làng Cát

Trong những ngày tháng 4 lịch sử, cả nước hân hoan kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi, những người đồng đội thuyền và bến năm xưa, Ban liên lạc Bến tàu Không số Vũng Rô và Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên trang trọng tổ chức buổi gặp mặt giới thiệu tập hồi ký 'Người lính ra đi từ Làng Cát' của trung úy, thương binh 2/4 Ngô Minh Thơ.

Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh, nguyên Thuyền trưởng tàu Không số C41 anh hùng (trái) và thiếu tá Ngô Văn Định - Trưởng ban liên lạc Bến tàu Không số Vũng Rô chúc mừng người đồng đội Ngô Minh Thơ ra mắt tập hồi ký. Ảnh: MINH KÝ

Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh, nguyên Thuyền trưởng tàu Không số C41 anh hùng (trái) và thiếu tá Ngô Văn Định - Trưởng ban liên lạc Bến tàu Không số Vũng Rô chúc mừng người đồng đội Ngô Minh Thơ ra mắt tập hồi ký. Ảnh: MINH KÝ

Cuộc gặp mặt vô cùng ấm áp và xúc động tình đồng chí, đồng đội. Càng xúc động hơn khi đọc những trang hồi ký của một người lính mà thân thể, sức khỏe đã mất đi một nửa ở chiến trường, trong nhà lao của kẻ địch, bởi sự tra tấn dã man; những trang hồi ký được viết nên bởi bàn tay chai sạn, dạn dày sương gió của một CCB trên mặt trận kinh tế…

Và tôi thật sự khâm phục người đồng đội ấy. Tôi may mắn và được Ngô Minh Thơ tin tưởng, trở thành bạn đọc đầu tiên bản thảo tập sách. Cuốn hồi ký gần 300 trang, đầy ắp những câu chuyện chiến đấu hy sinh, tình đồng chí, đồng đội, tình cảm quê nhà, gia đình, chuyện bị tra tấn trong lao tù “địa ngục trần gian” Phú Quốc, và cả những câu chuyện vui buồn trong cuộc sống.

Cuốn hồi ký của Ngô Minh Thơ đã đưa tôi về với một thời hoa lửa, hào hùng với biết bao sự hy sinh mất mát, nhiều đồng đội của chúng tôi đã mãi mãi nằm lại với đất mẹ, với đại dương mênh mông. Nói như cách của Ngô Minh Thơ: “Tập sách như một nén hương lòng tri ân đồng đội, đồng bào đã ngủ yên trong lòng đất mẹ, tri ân “nghĩa Đảng, tình dân”, là một di sản tinh thần dành cho chính mình và con cháu!

Cán bộ Thư viện tỉnh giới thiệu nội dung tập hồi ký trong buổi gặp mặt. Ảnh: MINH KÝ

Cán bộ Thư viện tỉnh giới thiệu nội dung tập hồi ký trong buổi gặp mặt. Ảnh: MINH KÝ

Người lính quả cảm

60 năm trước, tôi là thuyền trưởng của 12 chuyến hải trình sinh tử, đưa con tàu Không số mang ký hiệu C41 anh hùng từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện trực tiếp cho chiến trường miền Nam bằng đường biển, trong đó có ba chuyến cập bến Vũng Rô quê nhà.

Tình đồng đội máu thịt giữa thuyền và bến thủy chung, son sắt, bền chặt từ ấy cho đến bây giờ.

Ngô Minh Thơ - một trong những chiến sĩ trung kiên Đại đội K60 bảo vệ bến Vũng Rô lúc ấy mới 16 tuổi - một chiến sĩ quân giải phóng bình dị từ Làng Cát - Hòa Hiệp ra đi, tự nguyện xả thân vì nghĩa lớn “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Bìa sách Người lính ra đi từ Làng Cát - tác giả trung úy, thương binh Ngô Minh Thơ. Ảnh: TRẦN QUỚI

Bìa sách Người lính ra đi từ Làng Cát - tác giả trung úy, thương binh Ngô Minh Thơ. Ảnh: TRẦN QUỚI

Sau ngày thống nhất đất nước, những người lính năm xưa, những chứng nhân lịch sử tạo nên huyền thoại Vũng Rô - di tích văn hóa lịch sử quốc gia đặc biệt đã tìm đến nhau, nối kết nhau, hình thành Ban liên lạc Bến tàu Không số Vũng Rô như một lời nguyện ước thủy chung. Tôi đã gặp lại đồng đội bình dị 16 tuổi của những năm tháng hào hùng hơn 60 năm trước - trung úy Ngô Minh Thơ, thương binh 2/4.

Người đồng đội yêu quý như người em trai út của thời hoa lửa ấy đã bị thương nặng trong sự kiện bi hùng bảo vệ bến Vũng Rô khi chuyến tàu thứ tư bị lộ tháng 2/1965. Gần 1 năm dưỡng thương trong hoàn cảnh chiến trường khắc nghiệt, thiếu thốn trăm bề, Ngô Minh Thơ trở về đội ngũ, trở thành chiến sĩ Tiểu đoàn Đặc công 30 (Quân khu 5), chiến đấu trên chiến trường ba tỉnh Bình Định - Phú Yên - Khánh Hòa.

Trong một trận đánh cảm tử vào sân bay Đông Tác đầu xuân 1972, Đại đội trưởng Ngô Minh Thơ cùng đơn vị bị địch bủa vây 3 vòng ngặt nghèo, bị phi pháo truy kích tơi bời, một mảnh pháo ghim vào đầu khiến anh mê man bất tỉnh giữa trận địa và sa vào tay giặc.

Địch lưu đày người chiến sĩ giải phóng tận đảo xa, ở phân khu biệt lập C8 khét tiếng của trại tù binh Phú Quốc, trải đủ mùi cực nhục ở “địa ngục trần gian”. Ngô Minh Thơ được xếp vào diện cộng sản “gộc” nên được địch “chăm sóc” bằng đủ mọi hình thức tra tấn dã man nhất ở khu biệt giam C8: nhốt vào chuồng cọp, phơi nắng phơi sương, bỏ đói, bỏ khát, tra tấn bằng các hình thức dã man nhất như đục răng, đục xương bánh chè, rút móng tay móng chân, đi tàu bay, lặn tàu ngầm, đánh bằng gậy sầu đời, gậy sinh tử, châm lửa nướng người, đốt hạ bộ… Còn sự dã man nào hơn, còn sự chịu đựng cùng cực nào bằng…

Sau Hiệp định Paris (27/1/1973), thương binh Ngô Minh Thơ được trao trả đợt đầu tiên ở sông Thạch Hãn (Quảng Trị) và được đưa ra Bắc (Tuyên Quang) dưỡng thương, học tập văn hóa, chính trị. Người lính giải phóng kiên cường ấy vẫn kiên trì bày tỏ nguyện vọng trở về đơn vị cũ trực tiếp cầm súng chiến đấu giải phóng quê hương. Cấp trên đành “chiều lòng” một nguyện vọng tha thiết và chính đáng.

Thương binh Ngô Minh Thơ hớn hở vượt Trường Sơn về lại Tiểu đoàn Đặc công 30, đang đứng chân ở địa bàn Phú Yên quê nhà như nai về suối cũ và sau đó được Tỉnh đội Phú Yên giao nhiệm vụ làm Đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn 96 địa phương, tham gia các trận đánh khốc liệt chặn địch rút chạy trên đường số 7, giải phóng Phú Yên, trong đại thắng mùa xuân lịch sử năm 1975.

Sau ngày đất nước thống nhất, Quân khu 5 giao nhiệm vụ thương binh Ngô Minh Thơ làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 860 làm nhiệm vụ huấn luyện và trực tiếp đưa tân binh làm nghĩa vụ quốc tế chiến đấu ở chiến trường K.

Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi

Trải đời, trải đạn với nhiều vết thương trên người, mảnh đạn còn nằm sâu trong cơ thể, năm 1980 vết thương cũ tái phát, trung úy, thương binh Ngô Minh Thơ được quân đội cho phục viên, giải ngũ về đời thường, về với mẹ già, vợ trẻ, con thơ, xây dựng lại mái nhà xưa. Với nghị lực và phẩm chất người lính, thương binh Ngô Minh Thơ làm nhiều nghề để mưu sinh, trở thành chiến sĩ thời bình phát triển kinh tế với nghề nuôi tôm sú vang danh khắp vùng. Từ hai bàn tay trắng, trên người vẫn còn vết thương chiến tranh hành hạ mỗi khi trái gió trở trời, Ngô Minh Thơ đã không chịu đầu hàng số phận, một người lính Cụ Hồ không thể bó tay chịu trói trước đói nghèo, khó khăn thử thách, anh đã trở thành hình mẫu của một nông dân sản xuất giỏi, làm giàu cho mình và giúp đỡ mọi người.

Ngô Minh Thơ - một trong những chiến sĩ trung kiên Đại đội K60 bảo vệ bến Vũng Rô lúc ấy mới 16 tuổi - một chiến sĩ quân giải phóng bình dị từ Làng Cát - Hòa Hiệp ra đi, tự nguyện xả thân vì nghĩa lớn “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Đồng đội cũ - trung tá Hồ Thanh Bình (Đại đội trưởng K60 bảo vệ bến Vũng Rô) và tôi - thuyền trưởng tàu Không số cập bến Vũng Rô cùng nhiều đồng đội “giao nhiệm vụ” cho thương binh Ngô Minh Thơ ghi chép lại cuộc đời hoạt động đầy gian nan sóng gió của một người lính bình dị như một lẽ giản đơn “mỗi số phận chứa một phần lịch sử”.

Và phẩm chất người lính năm xưa lại ngời sáng với một công việc mà Ngô Minh Thơ lúng túng, cảm thấy vượt sức mình, cặm cụi ghi lại câu chuyện của cuộc đời mình như một nén tâm hương tri ân quê hương, đất nước, đồng đội và để lại di sản tinh thần cho con cháu ở cái tuổi sắp bước vào “bát tuần thượng thọ”.

Ba tháng ròng, người lính thương binh ấy làm việc cật lực trên giường bệnh, trên xe lăn.

Tôi vui mừng và xúc động đọc tập bản thảo tâm huyết, tập ký sự ở dạng hồi ký và có bóng dáng tự truyện mang tên “Người lính ra đi từ Làng Cát”.

Tôi bày tỏ sự thán phục về cuộc đời một người lính bình dị được trui rèn trong chiến trận, bàn chân chai sạn in dấu trên hai miền Nam Bắc và hải đảo xa xôi thời chiến tranh. Rất hạnh phúc khi tập sách này được xuất bản đúng vào dịp kỷ niệm nửa thế kỷ thống nhất đất nước - ngày lịch sử thiêng liêng.

HỒ ĐẮC THẠNH (Anh hùng LLVT nhân dân, nguyên Thuyền trưởng tàu Không số C41 anh hùng)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/phu-yen-dat-nguoi/202505/ngo-minh-tho-nguoi-linh-qua-cam-cua-lang-cat-8f858af/