Ngỡ ngàng trước nghiên cứu về cộng đồng LGBTI+ tại doanh nghiệp: 'Cứ 10 người thì có 1 người cảm thấy bị kì thị'

Nghiên cứu 'Có phải bởi vì tôi là LGBTI?' và tọa đàm 'Hướng tới hòa nhập và bình đẳng thực chất tại nơi làm việc' đã chỉ ra thực trạng phân biệt đối xử nhân viên LGBTI+ tồn đọng trong môi trường công sở, và những động thái thiết thực của ban lãnh đạo doanh nghiệp.

Nhân viên thuộc cộng đồng LGBTI+ cảm thấy bị phân biệt đối xử tại công sở

Đó là đúc rút từ nghiên cứu "Có phải bởi vì tôi là LGBTI, 2022" của Viện Nghiên cứu Xã hội Kinh tế và Môi trường (iSEE). Trong 55% tổng số người đang đi làm và tham gia khảo sát, 23,5% người thỉnh thoảng nghe, nhìn, đọc được những nhận xét, bình luận tiêu cực về LGBTI+ từ đồng nghiệp. Con số này tương đương cứ 4 người sẽ có ít nhất 1 người gặp phải tình trạng này.

Một số liệu từ nghiên cứu cho biết, cứ 10 người tham gia khảo sát thì 1 người cho biết họ có trải nghiệm bị kỳ thị và phân biệt đối xử nghiêm trọng trong 12 tháng vừa qua (10.1%, tương đương 250 người). Theo Luật sư Đinh Hồng Hạnh, nhóm nhân viên thuộc cộng đồng LGBTI+ còn bị phân biệt thông qua việc trả lương kém hơn, hạn chế thăng tiến, hoặc bị yêu cầu thuyên chuyển bộ phận khác, từ chối trả các phúc lợi lao động.

Ngoài nơi làm việc, trường học và gia đình còn là hai môi trường có tần suất xảy ra kỳ thị, phân biệt đối xử với người LGBTI+ nhiều nhất. Điều này chứng tỏ vẫn còn đó thực trạng phân biệt kỳ thị cộng đồng LGBTI+ trong xã hội dù đã cởi mở hơn. Một ví dụ điển hình là cùng một vị trí trong doanh nghiệp, cộng đồng LGBTI+ được trả lương thấp hơn và bị đối xử không công bằng so với người dị tính.

“Một trong những điều rất thiết thực mà doanh nghiệp có thể làm, đó là mình có thể đi trước xã hội một chút xíu để chủ động tạo ra những chương trình phù hợp với cộng đồng LGBTI+.” - đại diện Tập đoàn P&G Việt Nam - ông Ưng Hoàng Lợi khẳng định trong buổi tọa đàm "Hướng tới hòa nhập và bình đẳng thực chất tại nơi làm việc" vừa qua.

Các “ông lớn” tiên phong trong việc cải thiện chính sách cho nhân viên nhóm LGBTI+

Cũng trong buổi chia sẻ, ông Lợi cho biết, bước đầu để Tập đoàn cải thiện những trở ngại về giao tiếp và đối xử bình đẳng với nhân viên LGBTI+ chính là phối hợp với các tổ chức, mang lại những buổi training về đa dạng giới, giúp mọi người hiểu hơn cách để đối xử với đồng nghiệp thuộc nhóm này. Từ đó, xây dựng một môi trường làm việc đa dạng và cởi mở hơn.

Còn với Tập đoàn P&G, việc chủ trương xây dựng chính sách dành riêng cho phụ huynh, là một chính sách mở thể hiện sự ủng hộ với nhân viên thuộc LGBTI+. Ví dụ, nếu nhân viên nhóm này có em bé, họ vẫn sẽ hưởng 8 tuần nghỉ phép có lương, để sinh hoạt như những người dị tính nghỉ thai sản.

Trong khi đó, Reckitt Việt Nam xây dựng môi trường đa dạng giới bằng cách “chia nhỏ” theo tỉ lệ 70-20-10. 10% là training bài bản. 20% là những chia sẻ trong những nhóm nhỏ hơn. 70% là thảo luận và thắc mắc hàng ngày xoay quanh vấn để xây dựng môi trường ấy. Mọi người sẽ thực hành hàng ngày để có một nền tảng vững chắc.

Ngoài những chính sách trên, doanh nghiệp Việt có thể cân nhắc “mở rộng" việc ủng hộ cộng đồng LGBTI+ thông qua các dự án nhân văn, thể hiện trách nhiệm xã hội. Đơn cử, ban lãnh đạo khuyến khích nhân viên thể hiện thiện chí ủng hộ, góp chữ ký kiến nghị “Hợp thức hóa hôn nhân đồng giới" tại Việt Nam thông qua chiến dịch “Tôi đồng ý".

Đây là chiến dịch vận động ủng hộ hôn nhân cùng giới tại Việt Nam, bắt đầu từ năm 2013. Năm 2023 là cột mốc 10 năm của chiến dịch với mục tiêu 250 ngàn chữ ký ủng hộ hợp lệ và mở rộng quy mô với chuỗi hoạt động hợp tác với doanh nghiệp. Qua đó, kêu gọi công ty, các tổ chức đồng minh và công chúng đồng hành, vận động ký tên ủng hộ.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ngo-ngang-truoc-nghien-cuu-ve-cong-ong-lgbti-tai-doanh-nghiep-cu-10-nguoi-thi-co-1-nguoi-cam-thay-bi-ki-thi-a630405.html