'Ngoại giao cây tre' Việt Nam gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển

Trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến nhanh chóng và phức tạp, năm 2023, các hoạt động đối ngoại diễn ra sôi động, tích cực với nhiều thành tựu, thể hiện qua các chuyến thăm cấp cao giữa lãnh đạo Việt Nam và các nước; sự tham gia đóng góp của Việt Nam vào các cơ chế đa phương trên toàn cầu. Có được kết quả đó là nỗ lực thực hiện đường lối đối ngoại dựa trên 3 trụ cột theo tinh thần nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và trường phái 'ngoại giao cây tre'.

DẤU ẤN NỔI BẬT NÂNG TẦM VỊ THẾ QUỐC GIA

Năm 2023 là một năm đặc biệt sôi động của đối ngoại Việt Nam, với 22 chuyến công tác nước ngoài của lãnh đạo chủ chốt và 28 chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao các nước đến Việt Nam. Có nhiều chuyến thăm mang ý nghĩa quan trọng như chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Thủ tướng Campuchia Hun Manet, Thủ tướng Australia Antony Albanese, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long…

Các chuyến thăm góp phần củng cố tin cậy chính trị giữa Việt Nam với các đối tác, thiết lập khuôn khổ đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới, đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất, góp phần củng cố mạng lưới đối tác và bạn bè quốc tế của Việt Nam. Điều này thể hiện rõ qua việc Việt Nam đã nâng tầm quan hệ với Trung Quốc; nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ, Nhật Bản, cũng như mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ với bạn bè truyền thống và các nước láng giềng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc. Ảnh: TTXVN

Trong khuôn khổ các chuyến thăm, Việt Nam đã ký với các đối tác nhiều văn bản quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Có thể kể đến 36 văn bản được ký kết trong chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình; việc thiết lập khuôn khổ hợp tác đối tác kinh tế số, kinh tế xanh với Singapore; đối tác chiến lược xanh với Đan Mạch; đối tác chiến lược về tài chính xanh với Luxembourg; ký kết hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Israel…

Những thỏa thuận này tháo gỡ nhiều vướng mắc, khó khăn, đồng thời thúc đẩy tiến trình mở cửa thị trường đối với hàng xuất khẩu Việt Nam, thu hút nguồn vốn chất lượng cao từ nước ngoài. Các hoạt động ngoại giao kinh tế đóng góp quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, với kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt trên 680 tỷ USD, thu hút FDI đạt 36,6 tỷ USD, tăng 32,8%, nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đã cam kết đầu tư lâu dài ở Việt Nam…

Bên cạnh tăng cường hợp tác trong các khuôn khổ song phương, Việt Nam còn tham gia rất tích cực vào cơ chế đa phương trên toàn cầu như Liên Hiệp quốc, ASEAN, ASEM, APEC… Tại diễn đàn đa phương lớn nhất thế giới là Liên Hiệp quốc, Việt Nam tiếp tục chứng tỏ là thành viên có trách nhiệm, tham gia hiệu quả vào công việc chung của tổ chức này, với nhiều đóng góp có ý nghĩa khi nêu cao tinh thần ủng hộ hòa bình, phát triển, tôn trọng luật pháp quốc tế, chủ nghĩa đa phương và quan trọng nhất là đề cao việc tuân thủ Hiến chương Liên Hiệp quốc trên tất cả các trụ cột từ hòa bình, an ninh, phát triển cho tới bảo vệ quyền con người.

Đáng chú ý, Việt Nam bắt đầu đảm nhiệm vai trò thành viên Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, đồng thời đảm nhiệm thành công cương vị Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hiệp quốc khóa 77 (từ tháng 9-2022 đến 9-2023). Với sự tín nhiệm của bạn bè quốc tế, Việt Nam trúng cử Ủy ban Di sản thế giới và Ủy ban Luật pháp quốc tế nhiệm kỳ 2023-2027. Các nước cũng tín nhiệm, nhất trí ủng hộ Việt Nam đăng cai hội nghị thượng đỉnh đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu (P4G) năm 2025 và Năm APEC 2027.

Luôn nhấn mạnh thông điệp là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam chủ động đưa ra nhiều ý tưởng sáng tạo, đóng góp tích cực vào nỗ lực chống biến đổi khí hậu, sứ mệnh gìn giữ hòa bình ở châu Phi, công tác cứu hộ, cứu nạn thiên tai, động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ…

Các hoạt động đối ngoại quan trọng là minh chứng rõ nét về Việt Nam phát triển năng động, đổi mới, hội nhập quốc tế và cùng thế giới giải quyết vấn đề toàn cầu. Tất cả thể hiện bản lĩnh Việt Nam và nâng tầm vị thế quốc gia trong bối cảnh địa chính trị thế giới có nhiều biến động khó lường.

ĐỐI NGOẠI DỰA TRÊN BA TRỤ CỘT

Những thành tựu đối ngoại có ý nghĩa lịch sử mà Việt Nam gặt hái được góp phần khẳng định “chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế như ngày nay”. Từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay, Việt Nam mở rộng, làm sâu sắc quan hệ với 193 nước và vùng lãnh thổ, trong đó 3 nước có quan hệ đặc biệt, 6 nước đối tác chiến lược toàn diện, 12 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện. Giờ đây, Việt Nam được bạn bè quốc tế thừa nhận là chủ thể ngày càng có vai trò quan trọng trên “sân chơi” toàn cầu.

Có được kết quả này là nhờ công tác đối ngoại được triển khai tích cực, đồng bộ và hiệu quả dựa trên cả 3 trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Đối ngoại Đảng giữ vai trò nòng cốt trong việc định hướng chiến lược và các chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, góp phần xây dựng nền tảng chính trị và điều kiện thuận lợi cho quan hệ giữa Việt Nam và các nước. Ngoại giao Nhà nước đóng vai trò nòng cốt trong việc thể chế hóa và tổ chức thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng. Còn đối ngoại nhân dân có vai trò nòng cốt trong việc tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước, hỗ trợ tích cực cho đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước vào những thời điểm và lĩnh vực cần thiết. Dù có vai trò và lợi thế khác nhau, song thời gian qua, 3 trụ cột này có quan hệ chặt chẽ và bổ trợ nhau, tạo thành thế “kiềng 3 chân” vững chắc cho đối ngoại Việt Nam, với mục tiêu chung vì lợi ích quốc gia, dân tộc.

Chiến lược mới cho nền ngoại giao Việt Nam mà nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra nhấn mạnh đến sự kế thừa, phát triển và hoàn thiện đường lối đối ngoại thời kỳ đổi mới. Đó là nền ngoại giao được đúc kết trong suốt quá trình hàng ngàn năm xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước của dân tộc Việt Nam, khéo léo, linh hoạt, nhưng rất bản lĩnh, kiên cường. Tinh thần đó được cụ thể hóa bằng trường phái “ngoại giao cây tre”, “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam.

Có thể thấy rằng “ngoại giao cây tre” vững vàng và linh hoạt dựa trên thế “kiềng 3 chân” gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân làm nên bản sắc ngoại giao riêng có của Việt Nam. Đây tiếp tục là kim chỉ nam cho đối ngoại Việt Nam hướng đến mục tiêu xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, góp phần bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước phồn vinh.

Năm 2024, tình hình thế giới và khu vực được dự báo tiếp tục chiều hướng phức tạp, khó lường, đặt ra nhiều thách thức, khiến Việt Nam tiếp tục đối mặt với những “cơn gió ngược”, tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong bối cảnh đó, đối ngoại và ngoại giao được xác định sẽ tiếp tục bám sát đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, các chỉ đạo của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nhất là các chỉ đạo rất quan trọng, cụ thể, xác đáng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; đồng thời phát huy mạnh mẽ bản sắc “ngoại giao cây tre” Việt Nam để ứng phó với những biến động liên tục của khu vực và quốc tế.

Tại hội nghị ngoại giao lần thứ 32 diễn ra tháng 12-2023, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu: “Đối ngoại phải đi trước, mở đường, trở thành động lực cho phát triển đất nước. Những thành quả của đối ngoại Việt Nam sẽ là những dấu ấn quan trọng, tạo cục diện thuận lợi cho đất nước, khẳng định vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời đem lại những nguồn lực, là cơ sở để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong giai đoạn mới, đồng thời đóng góp vào hòa bình, thịnh vượng chung trên toàn cầu”.

THU HÀ

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/thoi-su/ngoai-giao-cay-tre-viet-nam-goc-vung-than-chac-canh-uyen-chuyen-19017.html