Ngoại giao gấu trúc trở lại: Trung Quốc sắp gửi cặp gấu sang Mỹ

Vào cuối năm nay, một cặp gấu trúc sẽ được Trung Quốc gửi tới Vườn thú Quốc gia Washington (Mỹ), đánh dấu sự cải thiện của mối quan hệ giữa hai nước. Thông tin trên được Sở thú Quốc gia Smithsonian công bố vào hôm 29/5

Chú gấu trúc đực được đặt tên là Bao Li, có nghĩa là "báu vật" và "hăng hái", trong khi con cái tên là Qing Bao, có nghĩa là "báu vật xanh". Cả hai đều được sinh ra tại Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Gấu trúc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc.

Ông bà của Bao Li là Tian Tian và Mei Xiang, những chú gấu trúc từng sống tại Vườn thú Washington từ năm 2000 đến năm ngoái. Mẹ của nó là Bao Bao, sinh ra tại sở thú vào năm 2013.

 Con gấu trúc cái Quing Bao (trái) và con gấu trúc đực Bao Li. Ảnh: Viện sinh học bảo tồn và vườn thú quốc gia Smithsonian

Con gấu trúc cái Quing Bao (trái) và con gấu trúc đực Bao Li. Ảnh: Viện sinh học bảo tồn và vườn thú quốc gia Smithsonian

Sau khi đến Washington, hai chú gấu trúc sẽ trải qua thời gian kiểm dịch 30 ngày và mất vài tuần để làm quen với môi trường sống mới. Việc ra mắt công chúng vẫn chưa được xác định.

Trung Quốc từ lâu đã sử dụng gấu trúc như một biểu tượng của thiện chí và tình hữu nghị quốc tế. Năm 1972, Bắc Kinh đã gửi cặp gấu trúc đầu tiên tới Washington sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Richard Nixon và lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông, khởi đầu cho một nửa thế kỷ hợp tác bảo tồn.

Brandie Smith, Giám đốc Sở thú Quốc gia Mỹ, chia sẻ sự phấn khởi về việc tiếp tục hợp tác nghiên cứu và bảo tồn với các nhà khoa học Trung Quốc, nhấn mạnh tác động to lớn của mối quan hệ này. "Thông qua mối quan hệ đối tác này, chúng tôi đã phát triển quần thể gấu trúc, nâng cao hiểu biết chung về cách chăm sóc loài gấu quý hiếm này".

Hợp tác nghiên cứu sẽ tiếp tục được đẩy mạnh với việc ký kết thỏa thuận mới giữa Sở thú Quốc gia Washington và Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã Trung Quốc. Theo thỏa thuận mới được ký kết, các nhà khoa học Mỹ và Trung Quốc sẽ hợp tác nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đến môi trường sống của gấu trúc, đồng thời phát triển các kỹ thuật mới để bảo vệ và phục hồi quần thể gấu trúc hoang dã và các loài động vật hoang dã khác như vọ mũi hếch, trĩ vàng và gấu trúc đỏ.

Thu Giang (theo SCMP)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ngoai-giao-gau-truc-tro-lai-trung-quoc-sap-gui-cap-gau-sang-my-post297429.html