Bài 1: Từ Irkutsk đến Hà Nội: Gieo mầm hữu nghị từ những mầm non
Những ngày này, tại Hà Nội, đoàn 50 học sinh đến từ tỉnh Irkutsk, Liên bang Nga đang có chuyến thăm và giao lưu đáng nhớ với các bạn Việt Nam trong khuôn khổ Dự án 'Ngoại giao học đường'. Hoạt động do Hội hữu nghị Nga-Việt Nam tỉnh Irkutsk 'Baikal' phối hợp tổ chức 'Tuổi trẻ không biên giới' triển khai thực hiện dưới sự hỗ trợ của Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội, góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ hữu nghị truyền thống Nga-Việt Nam bằng những kết nối sinh động từ thế hệ trẻ.

Các em học sinh tỉnh Irkutsk tham quan Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trước đó, trong các ngày từ 24-30/3, Hội hữu nghị “Baikal” cũng tổ chức một đoàn 30 học sinh sang thăm và giao lưu tại Hà Nội theo Dự án “Ngoại giao học đường”.
Dấu mốc lịch sử, động lực kết nối thế hệ trẻ hai nước
Chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân về những hoạt động sôi nổi trong khuôn khổ dự án, Chủ tịch Hội hữu nghị Nga-Việt Nam tỉnh Irkutsk “Baikal” Andrey Akhmadulin cho biết, hoạt động mang ý nghĩa đặc biệt khi diễn ra trong năm 2025 - cột mốc tròn 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Liên bang Nga và Việt Nam. Đồng thời, hai nước cũng cùng kỷ niệm nhiều sự kiện trọng đại như 80 năm Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm Ngày Quốc khánh và 50 năm Ngày Thống nhất đất nước.
“Chính những dấu mốc lịch sử ấy đã thôi thúc chúng tôi khôi phục các hoạt động giao lưu giữa học sinh hai nước sau thời gian gián đoạn. Mục tiêu chính của dự án là thúc đẩy hợp tác quốc tế và giao lưu học sinh giữa hai nước; khơi dậy mối quan tâm đến lịch sử, văn hóa, truyền thống, tạo nền tảng cho mối quan hệ hợp tác trong tương lai”, ông Andrey Akhmadulin nhấn mạnh.
Trong quá trình chuẩn bị cho chuyến đi, Ban tổ chức đã có nhiều buổi giới thiệu về đất nước Việt Nam, giúp các em học sinh có cái nhìn gần gũi hơn với lịch sử và truyền thống nơi đây. Đặc biệt, các em học sinh được nghe và tìm hiểu về chuyến thăm Irkutsk của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 9-10/7/1955 và đóng góp của ông Bazyr Vampilov trong việc hỗ trợ xây dựng Bảo tàng Cách mạng tại Hà Nội. Ông là chuyên gia Liên Xô từng học tại Trường đại học Lao động Cộng sản Phương Đông vào những năm 1930, nơi ông có cơ hội gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Các em học sinh tỉnh Irkutsk thăm Tượng đài Lê-nin.
Cùng với sự phát triển của cộng đồng người Việt tại Irkutsk, thế hệ trẻ nơi đây ngày càng quan tâm đến việc học tiếng Việt. Trong đoàn học sinh sang Việt Nam lần này có một số em có thể giao tiếp bằng tiếng Việt. Dù con số còn khiêm tốn, song ông Andrey Akhmadulin tự tin rằng, sau chuyến đi sẽ có thêm các bạn trẻ hứng thú với ngôn ngữ này, bởi Irkutsk từng là một trong những trung tâm lớn đào tạo chuyên gia Việt Nam trong nhiều lĩnh vực và mối liên kết ấy vẫn còn nguyên giá trị cho đến hôm nay.
Ấm lòng từ những cuộc gặp gỡ
Trong một tuần ở Việt Nam, đoàn học sinh Irkutsk đã có nhiều hoạt động tham quan, tìm hiểu văn hóa, lịch sử Việt Nam. Đoàn đã đến thăm Quảng trường Ba Đình lịch sử, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các em học sinh được tham quan, tìm hiểu di sản Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, thăm làng gốm Bát Tràng và tự tay nặn những chiếc đĩa xinh xắn. Trong khuôn khổ chương trình, các em cũng được đến thăm quần thể danh thắng Tràng An (tỉnh Ninh Bình) - di sản hỗn hợp đầu tiên và duy nhất của khu vực Đông Nam Á được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.

Các em học sinh tỉnh Irkutsk tham quan Văn Miếu-Quốc Tử Giám.
Bên cạnh các hoạt động tham quan, tìm hiểu lịch sử-văn hóa Việt Nam, điểm nhấn của chuyến đi là những buổi gặp gỡ, giao lưu với học sinh Hà Nội. Trước đó, đoàn 30 học sinh đã đến thăm và giao lưu tại Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam và Trường THPT chuyên Ngoại ngữ, thuộc Trường Đại học Ngoại ngữ-Đại học Quốc gia Hà Nội. Chuyến đi lần này, đoàn 50 học sinh Irkutsk sẽ giao lưu tại Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, thành phố Hà Nội.
“Chúng tôi vô cùng xúc động trước sự tiếp đón nồng hậu, chu đáo của phía bạn. Người dân Việt Nam rất thân thiện, cởi mở. Dù có rào cản ngôn ngữ, mọi người vẫn kết nối với nhau qua những nụ cười, ánh mắt, cử chỉ chân thành. Nhiều người khi nghe thấy tiếng Nga, họ liền bắt chuyện, ôn lại vài từ tiếng Nga, tặng quà nhỏ hay kem cho các em học sinh. Học sinh Việt Nam cũng rất vui vẻ chụp hình và giao lưu với các bạn trẻ của chúng tôi. Một số em còn kết bạn, trao đổi số điện thoại và mạng xã hội để giữ liên lạc”, vị trưởng đoàn hồ hởi kể lại.
Chuyến thăm của đoàn học sinh Irkutsk lần này là minh chứng sinh động cho sức sống của quan hệ Việt-Nga trong thời đại mới - nơi thế hệ trẻ trở thành cầu nối văn hóa, hiểu biết và sẻ chia. Khi những hạt giống hữu nghị được gieo mầm từ tuổi học trò, chắc chắn tương lai quan hệ song phương sẽ tiếp tục nảy nở bằng những nhịp cầu vững vàng hơn, gần gũi hơn và nhiều màu sắc hơn
Chia sẻ về cảm xúc của mình khi lần đầu tiên đặt chân tới Việt Nam, Kira Polukhina, học sinh lớp 7, Trường THPT chuyên Số 3, thành phố Irkutsk, cho biết, điều khiến em ấn tượng nhất chính là con người Việt Nam vô cùng thân thiện, cởi mở và đầy gắn kết. Sự kết nối giữa người với người tại Việt Nam khiến em cảm thấy rất ngưỡng mộ. “Em rất háo hức mong chờ buổi giao lưu với các bạn học sinh sắp tới. Em tin rằng đó sẽ là một cuộc gặp gỡ thú vị, nơi hai bên có thể học hỏi lẫn nhau và hình thành những mối quan hệ bạn bè mới”, Kira chia sẻ.
“Việt Nam là đất nước của những con người tốt bụng, mang trong mình một nền văn hóa phong phú được chắt lọc từ nhiều dân tộc, nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng riêng. Ở đây nóng và ẩm, nhưng điều đó không ngăn cản được mong muốn khám phá và tìm hiểu về đất nước tuyệt vời này”, Kira nói thêm.
Hướng đến hợp tác dài lâu
Chủ tịch Hội hữu nghị Nga-Việt Nam tỉnh Irkutsk “Baikal” Andrey Akhmadulin nhấn mạnh, trẻ em chính là tương lai, và ngày hôm nay, chúng ta đang xây dựng nền móng cho quan hệ giữa hai quốc gia. Mai này các em sẽ trưởng thành, chọn con đường và sự nghiệp riêng, nhưng những tình cảm ấm áp, tình bạn thời thơ ấu cùng sự yêu mến Việt Nam-Nga sẽ còn mãi trong tim các em.

Các em học sinh tỉnh Irkutsk chụp ảnh trên cầu Thê Húc.
“Ngoại giao học đường” chính là khoản đầu tư bền vững cho quan hệ Việt Nam-Nga. Những tình cảm hữu nghị được gieo mầm từ thời niên thiếu sẽ phát triển thành nền tảng vững chắc cho hợp tác trong khoa học, giáo dục, thương mại, văn hóa ở tương lai. “Chúng tôi tin rằng, càng nhiều bạn trẻ hai nước được tiếp xúc trực tiếp, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, mối quan hệ Việt-Nga… thì tình hữu nghị giữa hai dân tộc sẽ càng bền chặt và sống động hơn bao giờ hết”, ông Andrey Akhmadulin nhấn mạnh.
Sau chuyến đi, đoàn Nga kỳ vọng sẽ mở rộng mô hình hợp tác, kết nối với thêm nhiều trường phổ thông và đại học của Việt Nam. Hai bên đang xúc tiến các sáng kiến như: Tổ chức “Tuần lễ Văn hóa Nga” tại Việt Nam; xuất bản tập sách về chuyến thăm Irkutsk của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tạp chí giới thiệu Irkutsk bằng tiếng Việt; tổ chức chiếu phim Việt Nam tại Irkutsk… Đặc biệt, một ý tưởng rất thú vị là xây dựng quan hệ hợp tác giữa các Liên đoàn trượt băng nghệ thuật của hai nước để giao lưu thể thao và huấn luyện tài năng trẻ.
Chuyến thăm của đoàn học sinh Irkutsk lần này là minh chứng sinh động cho sức sống của quan hệ Việt-Nga trong thời đại mới - nơi thế hệ trẻ trở thành cầu nối văn hóa, hiểu biết và sẻ chia. Khi những hạt giống hữu nghị được gieo mầm từ tuổi học trò, chắc chắn tương lai quan hệ song phương sẽ tiếp tục nảy nở bằng những nhịp cầu vững vàng hơn, gần gũi hơn và nhiều màu sắc hơn.