Ngoại giao kinh tế là đòn bẩy chiến lược trong thực hiện mục tiêu phát triển năm 2025

Ngày 22/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị với các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2025.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cùng dự có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; lãnh đạo các bộ, ngành; các đồng chí Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; lãnh đạo các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã đánh giá kết quả công tác ngoại giao kinh tế 6 tháng đầu năm 2025, đánh giá những thuận lợi, khó khăn, rút ra các bài học kinh nghiệm để cùng nhau nỗ lực phấn đấu hơn, triển khai hiệu quả hơn và đạt nhiều kết quả tích cực hơn nữa trong 6 tháng cuối năm.

Trong những tháng đầu năm 2025, các đại biểu đánh giá công tác đối ngoại nói chung và ngoại giao kinh tế nói riêng đã được triển khai một cách chủ động, quyết liệt và toàn diện, đóng góp thực chất cho việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng và phát triển của đất nước. Ngoại giao kinh tế tiếp tục được thể chế hóa, hệ thống hóa một cách bài bản; có được sự đồng thuận, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương.

Hội nhập quốc tế được thúc đẩy chủ động, có chiều sâu, phát huy vai trò chủ động, tham gia tích cực, đóng góp thực chất tại các diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực, góp phần thu hút nguồn lực phục vụ phát triển, đồng thời nâng cao uy tín và vị thế của đất nước. Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Diễn đàn Tương lai châu Á (AFF) lần 2, Hội nghị P4G lần thứ 4 (có quy mô lớn nhất, cấp tham dự cao nhất)…

Cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến, phát biểu kết luận, Thủ tướng khẳng định tình hình diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường đòi hỏi phải có ứng phó nhanh, kịp thời, hiệu quả, Thủ tướng yêu cầu các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục nắm chắc tình hình, đánh giá chính xác đối tác – đối tượng, tham mưu, đề xuất giải pháp, không để lãnh đạo Đảng, Nhà nước bị động, bất ngờ về đối ngoại.

Với tinh thần "ngoại giao kinh tế là một trong những trọng tâm của ngoại giao thời đại mới" theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng các cơ quan đại diện, các địa phương, các hiệp hội ngành nghề, các cơ quan liên quan phải phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, triển khai ngay các thỏa thuận cấp cao, tận dụng tối đa các thời cơ, cơ hội.

Qua đó, kết nối nền kinh tế Việt Nam với các nền kinh tế trên thế giới; kết nối doanh nghiệp; kết nối chuỗi cung ứng; thúc đẩy đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do; khai thác các thị trường truyền thống và khai mở những thị trường mới; thu hút các nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu phục vụ quá trình phát triển, hiện đại hóa đất nước.

Về các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp cụ thể trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh đối thoại, tư vấn chính sách về các vấn đề kinh tế phát triển của Việt Nam và chú trọng nghiên cứu dài hạn về những vấn đề chiến lược với tinh thần "nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn".

Thúc đẩy và tổ chức tốt các hoạt động đối ngoại cấp cao từ nay đến cuối năm; các hình thức giao lưu, tiếp xúc đa dạng, linh hoạt ở tất cả các cấp, các ngành, các kênh; tạo môi trường thuận lợi cho tăng cường hợp tác trên tất cả các lĩnh vực.

Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, chú trọng làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng), đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới (chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức).

Tập trung thu hút và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án FDI chất lượng cao, công nghệ cao, quy mô lớn, có tính lan tỏa mạnh mẽ, các dự án hạ tầng giao thông, có giá trị gia tăng cao, các dự án đầu tư lớn, trọng điểm.

Triển khai đồng bộ các giải pháp đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, thúc đẩy xúc tiến thương mại; khai thác hiệu quả 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, thúc đẩy ký các FTA mới với các thị trường tiềm năng như Trung Đông, Châu Phi, Mỹ La-tinh, Trung Á, Ấn Độ, Brazil...

Thủ tướng lưu ý sớm kết thúc đàm phán FTA với MERCOSUR, Brazil; thúc đẩy ký Hiệp định thương mại gạo với 5 nước Indonesia, Philippines, Malaysia, Singapore, Brazil; cố gắng khởi động đàm phán FTA với Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), Bangladesh, thỏa thuận thương mại ưu đãi với Pakistan...; thúc đẩy các dự án đường sắt kết nối với Trung Quốc, Trung Á.

Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trọng điểm (công nghệ, điện tử, ô tô, máy móc, dệt may, da giày...) mở rộng xuất khẩu, đầu tư, kinh doanh có hiệu quả ở nước ngoài, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Để đẩy nhanh triển khai Nghị quyết 222/2025/QH15 về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, Thủ tướng chỉ đạo thúc đẩy ký kết MOU giữa Abu Dhabi (UAE) với Trung tâm tài chính quốc tế TP Hồ Chí Minh; học hỏi kinh nghiệm triển khai Trung tâm tài chính quốc tế Astana (AIFC) của Kazakhstan; triển khai Biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại Đà Nẵng giữa Đà Nẵng và liên danh Terne Holdings và The One Destination, Singapore...

Thủ tướng yêu cầu chủ động, tích cực thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị trong "bộ tứ trụ cột", trong đó Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác với các đối tác lớn, đối tác chiến lược toàn diện có thế mạnh về khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, nhất là với các công nghệ cao, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, internet vạn vật...

Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế trong tình hình mới và các kết luận của Bộ Chính trị về tình hình thế giới, khu vực, Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao chủ trì khẩn trương xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế đặc thù triển khai Nghị quyết 59-NQ/TW.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục phát huy tinh thần "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững", cùng nhau phấn đấu, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8,3-8,5% như đã đề ra, tạo đà, tạo thế, tạo lực để đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới.

Mây Hạ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ngoai-giao-kinh-te-la-don-bay-chien-luoc-trong-thuc-hien-muc-tieu-phat-trien-nam-2025-425561.html