Ngoại giao kinh tế tạo đà bứt phá cho tăng trưởng năm 2025
Chiều tối 20/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về tổng kết công tác ngoại giao kinh tế năm 2024 và trọng tâm năm 2025 nhằm tạo đà bứt phá cho tăng trưởng.
Cùng dự có đồng chí Bùi Thanh Sơn, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương; Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Hội nghị được truyền trực tuyến đến trụ sở UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện, Tham tán Thương mại, Tham tán đầu tư Việt Nam ở nước ngoài.
Dự hội nghị tại điểm cầu Vĩnh Phúc có đồng chí Phùng Thị Kim Nga, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.
Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao, năm 2024, công tác ngoại giao kinh tế đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp ngày càng thực chất, hiệu quả hơn vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, đóng góp tích cực vào việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về làm mới động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.
Trong gần 60 hoạt động đối ngoại của lãnh đạo chủ chốt trong năm 2024, ngoại giao kinh tế đã trở thành trọng tâm, mang lại các kết quả cụ thể, thực chất. Nổi bật là các chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ tới Ấn Độ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, UAE, Qatar, Ả-rập Xê-út, Hungary, Rumani, Dominicana; thăm, làm việc tại Trung Quốc, Nga...
Hơn 170 thỏa thuận hợp tác đã được ký kết. Quan hệ đối ngoại tiếp tục được mở rộng, nâng tầm, nâng cấp. Qua các hoạt động trao đổi cấp cao và các cấp đã thúc đẩy làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống thông qua đẩy mạnh hợp tác về thương mại, đầu tư, du lịch, lao động với các thị trường lớn, các đối tác đầu tư chủ chốt, quan trọng, nhất là khu vực Đông Bắc Á.
Cùng với đó, đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa đối tác. Bên cạnh việc tiếp tục khai thác hiệu quả các thị trường truyền thống, triển khai quyết liệt việc tạo đột phá ở các thị trường mới, tiềm năng như khu vực Mỹ Latinh, Trung Đông - Châu Phi, Trung Đông Âu, Việt Nam đã thúc đẩy ngoại giao kinh tế với các đối tác quan trọng.
Đồng thời phát huy vai trò chủ động, tham gia tích cực, đóng góp thực chất tại các diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của đất nước, thu hút nguồn lực phục vụ phát triển; đẩy mạnh công tác tham mưu chiến lược và đề xuất chính sách phục vụ điều hành kinh tế - xã hội, bám sát yêu cầu phát triển của đất nước.
Tích cực hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế với tinh thần lấy người dân, địa phương, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ...
Tại hội nghị, các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, lãnh đạo một số bộ, ngành, hiệp hội đánh giá cao kết quả công tác ngoại giao kinh tế thời gian qua; kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy ngoại giao kinh tế thời gian tới đạt hiệu quả hơn nữa.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương và ghi nhận các bộ, ngành, tỉnh, thành phố, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, hiệp hội, doanh nghiệp năm 2024 đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, đạt được những kết quả đối ngoại quan trọng.
Thủ tướng đề nghị năm 2025 tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm gồm: Đẩy mạnh ngoại giao kinh tế trong các hoạt động đối ngoại cấp cao; xây dựng các kế hoạch cụ thể, thành lập cơ chế trao đổi với các đối tác về đẩy mạnh triển khai các cam kết thỏa thuận cấp cao đã đạt được; tạo đột phá trong quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, lao động, phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển.
Đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới, trong đó ngoại giao công nghệ, ngoại giao bán dẫn, ngoại giao kinh tế số là trọng tâm, là đột phá của ngoại giao kinh tế thời đại mới; tiếp tục chú trọng công tác nghiên cứu, tham mưu.
Đối với các tỉnh, thành, cần bám sát quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Ngoại giao trong việc triển khai công tác đối ngoại, đặc biệt là ngoại giao kinh tế trên địa bàn.