Ngoại giao thể thao: 'Xóa mờ' đường biên giới, tăng cường 'quyền lực mềm' của quốc gia

Ngoại giao thể thao tạo ra sức ảnh hưởng lớn lên quan hệ quốc tế, nhưng chúng ta cần những chính sách cụ thể và phương thức ngoại giao khéo léo để tận dụng hết tiềm năng của công cụ này.

Thể thao trở thành công cụ mạnh mẽ trong lĩnh vực ngoại giao với khả năng gắn kết mọi người vượt biên giới. (Nguồn: ORF)

Thể thao trở thành công cụ mạnh mẽ trong lĩnh vực ngoại giao với khả năng gắn kết mọi người vượt biên giới. (Nguồn: ORF)

Gần đây, ngoại giao thể thao thu hút mối quan tâm lớn trong các diễn đàn quốc tế. Theo đó, có hai sự kiện nổi bật nhấn mạnh tầm quan trọng và tiềm năng của thể thao trong định hình tương lai ngoại giao.

Tại Hội nghị toàn cầu Milken diễn ra vào tháng 5 tại Mỹ, Đại sứ Mỹ tại Ấn Độ Eric Garcetti, Đại sứ Australia tại Mỹ và cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd, Thứ trưởng Ngoại giao công chúng Mỹ Elizabeth Allen và Đại sứ Panama tại Mỹ Ramón Martínez de la Guardia đã phân tích vai trò của thể thao và y tế trong thúc đẩy hợp tác giữa các nước.

Sự kiện thứ hai là việc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Saudi Arabia Aramco trở thành nhà tài trợ toàn cầu của FIFA, với bản hợp đồng kéo dài đến năm 2027, do đó Aramco sẽ có quyền tài trợ cho những sự kiện FIFA sắp tới, trong đó có FIFA World Cup 2026 và FIFA World Cup Nữ 2027. Ngoài ra, Saudi Arabia còn sở hữu câu lạc bộ ngoại hạng Anh New Castle United và có nhiều lợi thế để đăng cai FIFA World Cup năm 2034 và 2035.

Hai trường hợp này là những minh chứng cho thấy tầm quan trọng của ngoại giao thể thao hiện nay, góp phần xóa mờ khoảng cách biên giới và gắn kết các quốc gia. Bên cạnh đó, hiện thể thao được xem là một trong những cách để đạt được sức ảnh hưởng vì đây là một dạng “quyền lực mềm”.

Theo lời Giáo sư về Truyền thông quốc tế Daya Suchsu, “Thể thao luôn là một dạng quyền lực mềm nhằm quảng bá thương hiệu hoặc bản sắc dân tộc, các nước sử dụng chính công cụ này để quảng bá sản phẩm và văn hóa của họ”.

Xuyên suốt lịch sử, thể thao thu hút sự chú ý lớn từ các nước. Năm 1930, Uruguay đăng cai FIFA World Cup lần đầu tiên và giành cúp vô địch. Năm 1934, Italy cũng đăng cai giải đấu này và giành chức vô địch.

Ngoài ra, Thế vận hội Olympic là cơ hội để các nước chứng minh cho thế giới thấy tiềm năng của mình. Trung Quốc là một trong những nước thành công trên khía cạnh này với Thế vận hội Olympic 2008.

Ấn Độ đang lên kế hoạch đấu thầu đăng cai Thế vận hội Olympic 2036 và là nước có những bước tiến vượt bậc trong bộ môn cricket. Ban Kiểm soát cricket (BCCI) Ấn Độ đang bảo trợ cho đội cricket Afghanistan, Nepal và tiến hành “ngoại giao cricket” với Maldives. Các công ty sữa ở Ấn Độ như Amul và Nandini tài trợ cho các đội cricket ở Nam Phi, Mỹ, Sri Lanka và Scotland. Còn các huấn luyện viên cờ vua Ấn Độ đang huấn luyện cho những tuyển thủ nước ngoài ở Romania và Na Uy.

Nhà ngoại giao Mỹ Richard Solomon (phải) chơi bóng bàn cùng Zhuang Zedong - nhà vô địch thế giới bấy giờ của Trung Quốc, nhân dịp đội tuyển Bắc Kinh du đấu tại Mỹ năm 1972. (Nguồn: Family Photo)

Nhà ngoại giao Mỹ Richard Solomon (phải) chơi bóng bàn cùng Zhuang Zedong - nhà vô địch thế giới bấy giờ của Trung Quốc, nhân dịp đội tuyển Bắc Kinh du đấu tại Mỹ năm 1972. (Nguồn: Family Photo)

Vậy ngoại giao thể thao có thể thúc đẩy lợi ích chính sách cụ thể không?

Với trường hợp “ngoại giao bóng bàn” của Trung Quốc thì có. Năm 1971, Bắc Kinh mời các vận động viên bóng bàn từ Mỹ đến du đấu, sự kiện này sau đó mở đường cho chuyến thăm của Tổng thống Mỹ bấy giờ là Richard Nixon đến Trung Quốc. Tư liệu phía Mỹ cũng cho thấy rằng, “ngoại giao bóng bàn” phần nào đặt nền móng cho việc thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa hai nước.

Còn tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Australia đề ra chiến lược “Ngoại giao thể thao 2030” nhằm nâng cao tiềm năng thể thao trong nước và nêu bật tầm ảnh hưởng của Canberra.

Ngoại giao thể thao là công cụ quan trọng trong quan hệ quốc tế, mở ra cơ hội cho các quốc gia chứng minh tiềm năng, thúc đẩy chính sách ngoại giao và tăng cường hợp tác giữa các bên. Như vậy, thể thao đang trở thành công cụ mạnh mẽ trong lĩnh vực ngoại giao với khả năng gắn kết mọi người vượt trên đường biên giới.

(theo ORF)

Minh Khuê

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ngoai-giao-the-thao-xoa-mo-duo-ng-bien-gioi-tang-cuo-ng-quye-n-luc-me-m-cu-a-quoc-gia-273461.html