Ngoại giao trái bưởi 'nâng bước' quan hệ Mỹ-Thái Lan
Mỹ và Thái Lan đã kỷ niệm mối quan hệ hợp tác gần 2 thế kỷ thông qua loại trái cây đặc sản của xứ sở chùa vàng - trái bưởi.
Ý tưởng về ngoại giao trái bưởi
Năm 2023 đánh dấu lễ kỷ niệm 190 năm quan hệ ngoại giao Mỹ - Thái Lan. Nền tảng của gần hai thế kỷ hợp tác giữa Thái Lan và Mỹ được xây dựng kể từ khi hai nước ký kết Hiệp ước Thân thiện và Thương mại năm 1833.
Với Hiệp ước này, Thái Lan trở thành quốc gia châu Á đầu tiên thiết lập ngoại giao với Mỹ. Kể từ đó, hai quốc gia này đã cùng hợp tác trên nhiều lĩnh vực trong đó có các hoạt động nghiên cứu y tế, y tế công cộng, thúc đẩy quản lý tài nguyên bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học và hợp tác kinh tế.
Hiện Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Thái Lan. Hợp tác thương mại sâu rộng từ hàng tiêu dùng và sản phẩm nông nghiệp cho tới hợp tác trong ngành công nghiệp quốc phòng. Điều này đã thúc đẩy sự hợp tác trong các lĩnh vực khác ngoài kinh tế, bao gồm cả an ninh và công nghệ vũ trụ.
Hai nước cũng đã hỗ trợ nhau trong vấn đề toàn cầu như chống khủng bố. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, quan hệ Mỹ-Thái Lan càng gắn bó hơn trong hoạt động chia sẻ vaccine, duy trì hoạt động thương mại an toàn và linh hoạt.
Để đánh dấu dịp kỷ niệm đặc biệt này, Mỹ và Thái Lan đã thúc đẩy ngoại giao trái bưởi. Ý tưởng về ngoại giao trái bưởi được nảy sinh vào năm 2022 khi quả bưởi của Thái Lan, hay còn được gọi là “vua của họ cam quýt”, hoàn thành những quy định cần thiết và trở thành loại trái cây thứ 8 được phê duyệt nhập khẩu vào Mỹ.
Đó là kết quả của hơn 15 năm hợp tác giữa các nhà khoa học nông nghiệp của hai nước, đồng thời cũng là ví dụ điển hình cho lợi ích chung của mối quan hệ đồng minh - đối tác giữa Mỹ và Thái Lan.
Tám loại trái cây được phê duyệt trong chương trình kiểm dịch trước giữa Thái Lan và Mỹ bao gồm xoài, nhãn, vải thiều, măng cụt, chôm chôm, dứa, thanh long và mới đây là bưởi. Tuy nhiên, khi quá trình phê duyệt kết thúc vào đầu năm 2022, vấn đề xuất khẩu trái cây từ Thái Lan tới Mỹ đã gặp phải nhiều trắc trở trong giai đoạn hậu đại dịch Covid-19.
Những áp lực và gián đoạn trong chuỗi cung ứng, lạm phát khiến chi phí vận chuyển trái cây tươi lên cao ngất ngưởng. Giai đoạn đó, không loại trái cây tươi nào được vận chuyển từ Thái Lan tới Mỹ.
Từ đây, Cục kiểm dịch động thực vật (APHIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ đã lên ý tưởng và tập trung nỗ lực vào trái bưởi, loại trái cây đặc sản của Thái Lan, để giúp chúng vượt qua những khó khăn "đặt chân" tới đất Mỹ như một món quà kỷ niệm 190 năm quan hệ giữa hai nước.
Đưa trái bưởi cập bến nước Mỹ
Thái Lan là quốc gia xuất khẩu bưởi hàng đầu, khách hàng chủ yếu là các nước trong khu vực và Trung Quốc. Do đó, mục tiêu của APHIS là biến Mỹ trở thành thị trường tiếp theo cho loại trái cây tuyệt vời này.
Để một loại trái cây đến được Mỹ, cần rất nhiều công đoạn và thời gian, bắt đầu từ việc tiếp cận thị trường, xây dựng danh sách dịch hại, phân tích rủi ro, tìm ra các phương án giảm thiểu rủi ro...
Sau khi những công đoạn đó được hoàn thành, việc tiếp theo là "bật đèn xanh" với Thái Lan thông qua việc khuyến khích và cam kết giúp đỡ để việc nhập khẩu trái bưởi vào Mỹ thành hiện thực.
Sau nhiều nỗ lực ứng dụng các phương pháp kiểm dịch tiên tiến, linh hoạt cùng sự hợp tác nhịp nhàng giữa giữa hai nước. Hai nước đã thu về "trái ngọt", đem trái bưởi tới Mỹ như một món quà ý nghĩa trong sự kiện kỷ niệm 190 năm quan hệ Mỹ-Thái Lan được tổ chức tại thủ đô Washington D.C vào ngày 4/7/2023. Tại sự kiện này trái bưởi Thái Lan đã được giới thiệu trước công chúng.
Để trái bưởi "đặt chân" tới Mỹ vào đúng ngày 4/7/2023, các công việc liên quan đến kiểm dịch, sắp xếp và vận chuyển đã được thực hiện trước đó vài tuần.
Những trái bưởi được xuất sang Mỹ đều đạt nhiều yêu cầu kỹ thuật và được vận chuyển bằng máy bay cất cánh từ sân bay Bangkok vào ngày 27/6/2023.
Ông Marc Gilkey, quan chức ngoại giao cấp cao Mỹ tại Thái Lan, người đã góp phần vào nỗ lực đưa trái bưởi tới xứ cờ hoa, chia sẻ: “Quả bưởi tượng trưng cho cuộc hành trình mà Mỹ và Thái Lan đã cùng thực hiện”. Qua món quà này, ông Marc Gilkey cũng gửi gắm hy vọng về mối quan hệ hợp tác Mỹ-Thái Lan sẽ không chỉ dừng lại trong hành trình 190 năm đã qua mà còn tiếp tục trong những thế kỷ tiếp theo.
Ông Marc Gilkey là quan chức ngoại giao cấp cao. Ông từng làm việc tại Cục kiểm dịch động thực vật (APHIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ trong 30 năm và cũng là cựu binh Hải quân Mỹ. Ông hiện đang làm việc tại Bangkok, nơi ông giữ chức vụ quản lý khu vực Nam Á.
Trước đây ông Marc Gilkey từng có thời gian làm việc ở Afghanistan, Mexico, Ấn Độ, Bỉ và Colombia. Ông có viết bài về ngoại giao bơ ở Colombia vào năm 2019 và phản ánh về công tác nông nghiệp ở Afghanistan năm 2022.
(theo AFSA)
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ngoai-giao-trai-buoi-nang-buoc-quan-he-my-thai-lan-263218.html