Ngoại giao vaccine Covid-19: Trung Quốc 'đối đầu' Nga ở châu Phi
Cuộc đua cung cấp vaccine ngừa Covid-19 và sự cạnh tranh ngoại giao vaccine ở châu Phi giữa Trung Quốc và Nga đang gia tăng.
Hiện các chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 đã bắt đầu trên toàn cầu. Tuy nhiên, trong khi nhiều quốc gia phát triển đang bận rộn với việc tiêm chủng cho người dân trong nước, châu Phi vẫn đang phải vật lộn để đạt được các thỏa thuận song phương ngày càng lớn với các phòng thí nghiệm nước ngoài và huy động các chuyên gia y tế địa phương.
Các nước phương Tây, mặc dù cũng bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi đại dịch Covid-19 nhưng đều là những quốc gia giàu có hơn, đang gặp áp lực "tắc nghẽn" vaccine do phải bảo đảm đủ vaccine ngừa Covid-19 cho gấp 3 lần dân số của họ.
Ở châu Phi, việc cung cấp vaccine mà chương trình viện trợ Cơ chế tiếp cận toàn cầu vaccine Covid-19 (COVAX) hứa hẹn cho các nước đang phát triển vẫn còn chậm. Đối mặt với nhu cầu cấp thiết phải ngăn chặn làn sóng bùng phát dịch thứ hai với hậu quả tàn khốc hơn nhiều so với làn sóng thứ nhất, đặc biệt là với biến thể virus ghi nhận tại Nam Phi, Liên minh châu Phi (AU) đã cấp kinh phí và một số quốc gia đang đàm phán trực tiếp với các phòng thí nghiệm nước ngoài.
Theo kế hoạch, Cơ chế COVAX sẽ cung cấp 25% lượng vaccine theo nhu cầu (khoảng 600 triệu người) cho châu Phi sau tháng 3/2021, kinh phí của AU sẽ đảm bảo cho 11% (khoảng 270 triệu người) đến tháng 6/2021.
Cuộc đua giữa Nga và Trung Quốc
Cuối tháng 12/2020, tổ chức phi chính phủ Oxfam ước tính 70 quốc gia nghèo sẽ chỉ có thể tiêm chủng cho 1/10 dân số vào năm 2021. Trong hoàn cảnh đó, Trung Quốc và Nga một lần nữa cho thấy 2 nước này đặc biệt chú ý đến nhu cầu của châu Phi.
Ngay từ tháng 6/2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thể hiện sự “hào phóng” tại Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Trung Quốc-châu Phi về Covid-19 thông qua cam kết với các nước châu Phi rằng lục địa này sẽ được hưởng các điều kiện thuận lợi trong quá trình phân phối số lượng lớn vaccine của Trung Quốc.
Không giống như các hãng Pfizer-BioNTech hay Moderna, Trung Quốc và Nga tự hào về việc đã phát triển các loại vaccine có thể sử dụng được và có thể bảo quản trong tủ lạnh (giúp dễ dàng vận chuyển và bảo quản ở những vùng nghèo hơn) và trên hết là những loại vaccine này luôn có sẵn.
Trước những ưu điểm của những loại vaccine từ Trung Quốc và Nga, phần lớn các nước thuộc khu vực Maghreb (Tây Bắc châu Phi) đã đặt hàng vài triệu liều. Tuy nhiên, những lo ngại về hiệu quả thực sự của vaccine Trung Quốc đang tăng lên và việc giao hàng của Nga còn chậm.
Trong khi đó, theo dự kiến, vaccine AstraZeneca do Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) sản xuất sẽ cung cấp 200 triệu liều trong khuôn khổ Cơ chế COVAX.
Dồn lực cho vaccine Covid-19
Để ngăn chặn đại dịch đã cướp đi sinh mạng của khoảng 2 triệu nạn nhân trên toàn thế giới, hàng tỷ USD đã được đầu tư vào việc phát triển vaccine Covid-19. Hàng trăm phòng thí nghiệm đã làm việc liên tục kể từ tháng 3/2020 để tìm kiếm phương pháp điều trị hiệu quả.
Trong chưa đầy một năm, có tính đến thời gian phát triển vaccine trung bình là 12 năm, 12 loại vaccine đã được cấp phép sử dụng công khai và bán ra thị trường với số lượng hạn chế cho khoảng 20 quốc gia.
Một số quốc gia, chẳng hạn như Trung Quốc và Nga, đã bỏ qua các giai đoạn cổ điển của thử nghiệm lâm sàng, bắt đầu với giai đoạn III (thử nghiệm quy mô lớn trên người) mà không hoàn thành giai đoạn II. Đây là điều đã giúp Nga giành vị trí đầu tiên trong cuộc đua vaccine Covid-19 với Sputnik V được công bố vào tháng 8/2020.
Tuy nhiên, trong khi hàng triệu người Mỹ và Trung Quốc đã được tiêm loại vaccine do nước họ sản xuất, còn Israel đang nhanh chóng tiếp cận khả năng miễn dịch cộng đồng, thì tính đến ngày 27/1/2021, vẫn chưa có quốc gia châu Phi nào bắt đầu một chiến dịch tiêm chủng thực sự.
(theo Africa Report)