Ngoại giao văn hóa: Nhân rộng niềm vui, lan tỏa hình tượng
Bám sát Kế hoạch hành động của Bộ Ngoại giao triển khai Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030, kết quả bước đầu của năm 2023 đang mang lại hy vọng cho sự khởi sắc mới của công tác ngoại giao văn hóa trong thời gian tới.
Với vai trò là cơ quan được giao chủ trì triển khai Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030, Bộ Ngoại giao đang nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII trên lĩnh vực văn hóa, trong đó có quán triệt quan điểm chỉ đạo về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế.
Niềm vui mang tên “ngoại giao di sản”
Năm 2023 là năm thứ hai Việt Nam tham gia cùng một lúc và phát huy tốt vai trò thành viên của hai Ủy ban chuyên môn quan trọng của UNESCO về văn hóa gồm Ủy ban liên chính phủ Công ước bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa (Công ước 2005) nhiệm kỳ 2021-2025 và Ủy ban Liên chính phủ Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nhiệm kỳ 2022-2026.
Đặc biệt, Việt Nam trúng cử vị trí Phó Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2005 vào đầu năm nay đã khẳng định sự tích cực và chủ động của Việt Nam trong thực hiện vai trò, trách nhiệm thành viên trong các cơ chế quan trọng UNESCO.
Mối quan hệ đối tác này còn phát triển theo hướng thực chất và hiệu quả hơn, cụ thể là chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên của Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới UNESCO Lazare Eloundou Assomo vào tháng Ba, góp phần triển khai Bản ghi nhớ hợp tác Việt Nam-UNESCO giai đoạn 2021 - 2025.
Qua các cuộc gặp với lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thăm thực tế một số địa phương, cũng như tham dự Hội thảo quốc tế về “Phát huy vai trò của di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới trong phát triển bền vững tại Việt Nam”, ông Lazare Eloundou Assomo khẳng định, Trung tâm Di sản thế giới luôn đồng hành và hỗ trợ hết sức Việt Nam trong công tác bảo tồn, phát huy các di sản thế giới.
Không lâu sau chuyến thăm của Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới UNESCO, Hội nghị quốc tế “Phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam” đã được Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình đồng chủ trì tổ chức thành công vào tháng Bảy.
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, hội nghị này có ý nghĩa rất quan trọng, được tổ chức UNESCO đồng bảo trợ và lãnh đạo UNESCO đánh giá cao, thể hiện sự coi trọng và cam kết của Việt Nam đối với UNESCO trong bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa.
Đặc biệt, Hội nghị còn có cơ hội đón ông Firmin Edouard Matoko - Trợ lý Tổng giám đốc UNESCO về ưu tiên châu Phi và quan hệ đối ngoại. Trong các cuộc tiếp xúc và đối thoại tại đây, ông Matoko luôn khẳng định Việt Nam là một hình mẫu hợp tác tích cực và hiệu quả với UNESCO, cũng như có vai trò ngày càng quan trọng hơn trong UNESCO.
Đây cũng là lần đầu tiên một quốc gia thành viên UNESCO tổ chức hội nghị quốc tế đánh giá vai trò của các danh hiệu UNESCO trong việc hiện thực hóa các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc 2030.
Điểm sáng từ hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
Bên cạnh những tín hiệu tích cực trong hợp tác với UNESCO, một điểm sáng của công tác ngoại giao văn hóa đầu năm nay chính là hoạt động tôn vinh Bác ở nước ngoài với nhiều hình thức phong phú.
Đại sứ quán Việt Nam tại Nga đã phối hợp với chính quyền sở tại tổ chức trang trọng Lễ khánh thành tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Saint Petersburg nhân kỷ niệm 100 năm lần đầu tiên Người đặt chân đến Petrograd, nay là thành phố Saint Petersburg, tìm ra con đường giải phóng dân tộc.
Tại Lễ khánh thành tượng Bác với sự tham dự của lãnh đạo hai nước và thành phố Saint Petersburg, rất đông người dân Nga đã đến dâng hoa và bày tỏ lòng kính yêu đối với vị Lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, người đã đặt nền móng cho quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Liên bang Nga và nhân dân hai nước.
Bên cạnh đó, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng đã tích cực triển khai nhiều hoạt động phong phú như mít tinh, triển lãm, hội thảo khoa học về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh; phối hợp với sở tại dịch và xuất bản các tác phẩm của Bác sang nhiều ngôn ngữ khác nhau để giới thiệu rộng rãi đến đông đảo độc giả quốc tế; hỗ trợ giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh ở một số trường đại học ở nước ngoài; xây dựng không gian văn hóa Việt Nam - Hồ Chí Minh ở các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài…
Điển hình là tủ sách quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh do Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao) phối hợp Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật thực hiện, đã được trao tặng Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại Cuba nhân chuyến thăm hồi tháng Tư của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Cũng trong chuyến thăm này, người đứng đầu Quốc hội Việt Nam đã cùng lãnh đạo Quốc hội, chính quyền và nhân dân Cuba tham dự buổi lễ đổi tên công viên Hòa bình thành công viên Hồ Chí Minh và gắn biển thân thế sự nghiệp của Người.
Công viên Hòa bình vốn là một trong những công trình có ý nghĩa lịch sử, văn hóa của thủ đô La Habana, trong đó có tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh do kiến trúc sư Joel Diaz, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Cuba - Việt Nam thiết kế, nhằm thể hiện tình cảm sâu sắc đặc biệt của nhân dân Cuba dành cho Người.
Giờ đây với tên mới, công viên Hồ Chí Minh tiếp tục là điểm tham quan, giải trí mang nhiều ý nghĩa, để bất cứ ai đến đều có thể bày tỏ sự tưởng nhớ và kính trọng sâu sắc đối với vị lãnh tụ Việt Nam - người đã đặt nền móng cho sự gắn kết giữa hai dân tộc.
Vẫn còn nhiều dư địa
Thời gian qua, công tác ngoại giao văn hóa tiếp tục góp phần tăng cường quan hệ với các quốc gia và tổ chức quốc tế, nâng cao uy tín, vị thế đất nước; tham gia tích cực vào phát triển bền vững đất nước.
Vào tháng Năm, tại cuộc họp rà soát kết quả triển khai công tác ngoại giao văn hóa và tổng kết một năm thực hiện kế hoạch hành động của Bộ Ngoại giao triển khai Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030, các đại biểu nhất trí rằng dù đã đạt được các kết quả tích cực, nhưng công tác này vẫn còn rất nhiều dư địa để triển khai.
Các thành viên Ban Chỉ đạo công tác ngoại giao văn hóa của Bộ đưa ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy công tác này như tăng cường hỗ trợ địa phương, nâng cao hiệu quả phối hợp trong và ngoài Bộ, huy động nguồn lực từ cộng đồng người Việt Nam ở ngước ngoài và doanh nghiệp, đổi mới, nâng cao hiệu quả tuyên truyền qua việc ứng dụng công nghệ số…
Chủ trì cuộc họp, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc - Trưởng Ban Chỉ đạo công tác Ngoại giao văn hóa, cho rằng Ban Chỉ đạo cần phát huy sự chủ động và sáng tạo hơn nữa để có thể tham mưu, giúp công tác ngoại giao văn hóa gặt hái những thành công mới, cũng như thích ứng với tình hình và bối cảnh hiện nay.
Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO:
Ngoại giao văn hóa đã tranh thủ hiệu quả tri thức, nguồn lực, ủng hộ của UNESCO để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản của đất nước, hỗ trợ phát triển bền vững cho người dân và địa phương. Năm 2022, chúng ta rất tự hào có thêm bốn danh hiệu, di sản được UNESCO vinh danh, không chỉ thể hiện đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với giá trị di sản, văn hóa dân tộc Việt Nam, đóng góp vào nỗ lực của UNESCO về bảo tồn di sản, mà còn tạo thêm nguồn lực và không gian mới cho phát triển bền vững ở các địa phương. Việt Nam cũng được UNESCO lựa chọn là một trong 12 quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai thí điểm Bộ chỉ số Văn hóa 2030, góp phần thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững.