Ngoại giao Việt Nam đồng hành cùng đất nước

Trong chặng đường dài kháng chiến chống xâm lược, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Ngoại giao Việt Nam đã được tôi luyện và trưởng thành qua các giai đoạn đáng ghi nhớ...

Nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình.

Nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình.

Ngay sau khi cách mạng giành chính quyền vào tháng 8/1945, Bác Hồ chính là người sáng lập, nhà lãnh đạo, đồng thời trực tiếp đảm nhận cương vị Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, đã chèo chống đưa đất nước vượt qua hiểm nghèo, đối phó cùng lúc nhiều kẻ thù. Sự lãnh đạo và công lao của Bác Hồ đã đặt nền móng vững chắc cho Ngoại giao cách mạng Việt Nam.

Bản lĩnh kiên cường, vững vàng và kiên trì

Đặc biệt, trong giai đoạn đấu tranh chống Mỹ cứu nước, hoạt động ngoại giao là một mốc son sáng chói trong lịch sử ngành Ngoại giao nói riêng và sự nghiệp đấu tranh vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta nói chung. Đỉnh cao là tại cuộc hòa đàm Paris, chúng ta đã thể hiện một cách tập trung và xuất sắc nhất bản lĩnh và nghệ thuật của nền Ngoại giao Việt Nam.

Việc thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là một sáng kiến chiến lược của Đảng để tạo thêm sức mạnh Ngoại giao Việt Nam “tuy hai mà một, tuy một mà hai”.

Cần phải nói rằng Ngoại giao Việt Nam trở nên sắc bén, hiệu quả cao bởi nó phối hợp chặt chẽ với mặt trận quân sự, chính trị tạo thành sức mạnh tổng hợp. Và cuối cùng, Ngoại giao phát huy đặc tính riêng của nó, tìm ra giải pháp khôn ngoan, kết thúc chiến tranh một cách có lợi cho đất nước.

Bên cạnh sự kết hợp giữa ba mặt trận, sự gắn kết giữa ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Đảng, đối ngoại nhân dân với những hình thức hoạt động toàn diện, phong phú đã tranh thủ được một phong trào đoàn kết quốc tế rộng lớn chưa từng có trên thế giới ủng hộ cho cuộc chiến đấu lâu dài đầy hy sinh, gian khổ của nhân dân ta, từ các nước xã hội chủ nghĩa, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc đến các lực lượng tiến bộ bảo vệ hòa bình, công lý trên thế giới, kể cả ở nước Mỹ. Chúng ta đã thành công trong kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để giành thắng lợi.

Ngay cả khi đất nước trong giai đoạn khó khăn vào những năm 1980 bởi khủng hoảng kinh tế, bị cô lập chính trị, bao vây cấm vận kinh tế, Ngoại giao vẫn thể hiện bản lĩnh kiên cường, vững vàng và kiên trì cùng đất nước quyết tâm vượt lên thử thách, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, hải đảo, xây dựng quốc gia vững mạnh, mở rộng quan hệ quốc tế với những thành quả to lớn như ngày nay.

Chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa tạo cho ta mối quan hệ quốc tế rộng mở lớn hơn bao giờ hết và nhiều sự lựa chọn, đưa vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng lên cao. Hội nhập quốc tế là một chiến lược phát triển hết sức quan trọng, Ngoại giao cùng với các ngành cần tích cực đóng góp hơn nữa để thực hiện thành công chiến lược này, tăng thêm sức mạnh cho đất nước.Cục diện quốc tế ngày nay đã khác. Vô cùng phức tạp. Sau khi khối xã hội chủ nghĩa không còn, thế giới đã thay đổi. Đối tác, đối tượng pha trộn đan xen nhau.

Các nước lớn muốn vươn lên vì những mục tiêu của riêng mình. Các nước nhỏ tự điều chỉnh để thích nghi với tình hình mới. Tương quan sức mạnh trên thế giới diễn biến nhanh, thay đổi sâu sắc. Cục diện thế giới đang tạo ra cơ hội mới, đồng thời với những thách thức vô cùng đa dạng và đến từ nhiều phía.

Hợp tác và phát triển trở thành xu thế khách quan. Nhưng bên cạnh đó, chạy đua vũ trang có chiều hướng gia tăng. Cạnh tranh kinh tế ngày một quyết liệt. Tranh chấp chủ quyền trở nên căng thẳng.

Trong khi quân sự còn đang được kiềm chế, chính trị, kinh tế là công cụ chủ yếu thì ngoại giao là biện pháp hết sức quan trọng. Chúng ta phải giữ vững độc lập, tự chủ, ra sức gìn giữ môi trường hòa bình và ổn định để xây dựng đất nước ngày càng vững mạnh, đem lại cuộc sống tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, năm 1973.

Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, năm 1973.

Mặt trận hàng đầu của cuộc đấu tranh hiện nay

Có thể nói, Ngoại giao là mặt trận hàng đầu của cuộc đấu tranh hiện nay. Do đó, đòi hỏi ngành Ngoại giao phải tiếp tục giữ vững bản lĩnh, nâng cao trình độ, phát huy tính năng động của mình hơn nữa, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc trên hết, cùng các nước phấn đấu cho hòa bình, phát triển, bình đẳng giữa các dân tộc.

Trong tình hình mới, chúng ta cần quan tâm đến hai vấn đề: Thứ nhất, trong thời đại ngày nay, sức mạnh công lý là trong luật pháp quốc tế. Do quá trình đấu tranh vì một trật tự quốc tế dân chủ, công bằng hơn, nhiều định chế, luật quốc tế quan trọng đã được thiết lập. Chúng ta cần nắm vững, khai thác, vận dụng và sử dụng nó một cách sắc bén. Ví dụ như Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) là công cụ quan trọng trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Tất nhiên, như tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi”, nội lực của đất nước, ý chí đoàn kết, thống nhất của toàn dân phải làm hậu thuẫn cho pháp lý.

Thứ hai là đấu tranh dư luận. Chưa bao giờ công nghệ thông tin phát triển và có sức mạnh lan tỏa như ngày nay. Ai cũng muốn sử dụng nó như “sức mạnh mềm” có lợi cho mình. Chúng ta có chính nghĩa, tin mình có lẽ phải. Nhưng không phải lúc nào cộng đồng quốc tế cũng hiểu được lập trường và hành động của chúng ta. Vì vậy, trong mọi hoàn cảnh, chúng ta cần coi trọng, chủ động và kịp thời đấu tranh mạnh mẽ trên mặt trận tuyên truyền, vận động dư luận, tranh thủ tối đa sự đoàn kết, ủng hộ quốc tế.

Cuối cùng, 75 năm qua, Ngoại giao Việt Nam chúng ta đã có nhiều bài học thành công và cũng có cả những bài học vẫn còn phải suy ngẫm, rút kinh nghiệm cho hiện tại.

Trước mắt chúng ta, nhiệm vụ của đất nước, nhiệm vụ của Ngoại giao hết sức to lớn, nặng nề. Nhưng tôi tin với truyền thống của dân tộc, của bản thân ngành Ngoại giao - mặt trận ngoại giao sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh của mình, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ngoai-giao-viet-nam-dong-hanh-cung-dat-nuoc-122532.html