Ngoại giao Việt Nam: Từ kiến tạo hòa bình đến mở rộng không gian phát triển đất nước
Theo Chủ tịch nước Lương Cường, vai trò kiến tạo hòa bình của ngoại giao Việt Nam được thể hiện xuyên suốt các giai đoạn lịch sử, từ đấu tranh giải phóng dân tộc đến xây dựng và phát triển đất nước trong thời bình.
Thắng lợi của nhân dân Việt Nam luôn là biểu tượng sáng ngời
Ngày 23/4, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế nhìn lại vai trò kiến tạo hòa bình của ngoại giao trong lịch sử và hiện tại sau 50 năm thống nhất đất nước. Chủ tịch nước Lương Cường tham dự và phát biểu chỉ đạo tại hội thảo. Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình gửi thông điệp ghi hình.

Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Ngọc Diệp).
Trong bài phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch nước Lương Cường nói: "Mỗi quốc gia, dân tộc trên thế giới, dù lớn hay nhỏ, đều trải qua những thời khắc mang tính bước ngoặt, những ngã rẽ lịch sử quyết định vận mệnh và con đường phát triển riêng của mình. Đối với Việt Nam, chiến thắng lịch sử 30/4/1975 giải phóng miền Nam thống nhất đất nước là sự kiện trọng đại như vậy".
Từ đây, đất nước Việt Nam hoàn toàn thống nhất, non sông thu về một mối. Dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ IV năm 1976 đã nhận định: "Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp kháng chiến (chống Mỹ) cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người".
Chủ tịch nước nhấn mạnh, qua nửa thế kỷ, ý nghĩa lịch sử và những bài học sâu sắc từ chiến thắng 30/4/1975 đối với ngoại giao Việt Nam trong kiến tạo hòa bình, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc thân yêu vẫn còn vẹn nguyên giá trị, mang cả tính chất dân tộc và thời đại.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của ngoại giao trong suốt chiều dài lịch sử cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Chủ tịch nước cho biết, trong cuộc đấu tranh không cân sức với đối phương mạnh hơn nhiều lần, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã sớm xác định rõ, cần kết hợp chặt chẽ các mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, ngay sau khi đất nước giành độc lập, đã gửi nhiều điện, thư đến các vị nguyên thủ, ngoại trưởng của các nước như Mỹ, Trung Quốc, Liên Xô và đến Liên hợp quốc, thể hiện rõ tinh thần "Việt Nam sẵn sàng làm bạn với tất cả nước dân chủ và không gây thù oán với một ai".
Đến năm 1969, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra Nghị quyết xác định rõ: "Ngoại giao đã trở thành mặt trận quan trọng, có ý nghĩa chiến lược".
Kể từ đây, ngoại giao trở thành công cụ quan trọng để phân hóa kẻ địch, lấy yếu thắng mạnh, tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế và lan tỏa tính chính nghĩa cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam tới thế giới.
Tầm nhìn và tư duy của Đảng Cộng sản Việt Nam về đối ngoại đã được đưa ra đúng thời điểm, rất phù hợp bối cảnh quốc tế khi đó.
Đặc biệt, sự nổi lên của các "dòng thác cách mạng", nhất là phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, phong trào công nhân quốc tế, cùng sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới là những điều kiện thuận lợi căn bản giúp ngoại giao Việt Nam kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Vai trò kiến tạo
Theo Chủ tịch nước, vai trò kiến tạo hòa bình của ngoại giao Việt Nam được thể hiện xuyên suốt các giai đoạn lịch sử, từ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước đến xây dựng và phát triển đất nước trong thời bình.
Trước hết, ngoại giao đã huy động được sự ủng hộ to lớn cả vật chất và tinh thần từ các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân tiến bộ, tạo nên phong trào quốc tế rộng lớn chưa từng có ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
Ngoại giao đã phối hợp nhuần nhuyễn, chặt chẽ với các mặt trận quân sự và chính trị, mở ra cục diện "vừa đánh, vừa đàm", qua đó giành thắng lợi từng bước, tạo tiền đề đưa sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước đến toàn thắng.
Ngoại giao góp phần quan trọng trong tái thiết đất nước, triển khai thắng lợi đường lối đối ngoại thời kỳ Đổi mới, mở ra cục diện đối ngoại thuận lợi cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
"Nếu như trong thời chiến, nhiệm vụ hàng đầu của công tác đối ngoại là đóng góp hết sức mình vào cuộc đấu tranh chung của toàn dân tộc, thì trong thời bình, đối ngoại tham gia đi đầu trong kiến tạo hòa bình, bảo vệ Tổ quốc "từ sớm, từ xa", mở rộng không gian phát triển của đất nước và gắn kết quan hệ hữu nghị bền chặt, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi giữa Việt Nam và các quốc gia, đối tác quốc tế", Chủ tịch nước nói.
Nhấn mạnh thế giới đang chứng kiến nhiều thay đổi bước ngoặt, có tính lịch sử, Chủ tịch nước cho biết, môi trường kinh tế, chính trị - an ninh quốc tế đang diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường.
Xung đột, chiến tranh quy mô lớn vẫn đang xảy ra ở nhiều nơi, gây nhiều tổn thất to lớn cho người dân. Giữ vững hòa bình, đẩy lùi và ngăn ngừa chiến tranh, xung đột trở thành đòi hỏi cấp bách của thời đại.
Trong bối cảnh này, Việt Nam nhận thức sâu sắc rằng, tương lai, vận mệnh của đất nước gắn liền hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và toàn thế giới.
Bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Việt Nam nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; nhất quán chính sách quốc phòng "4 không".
Việt Nam luôn sẵn sàng đóng góp tích cực và chủ động vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu và nền văn minh nhân loại.
Chủ tịch nước kỳ vọng hội thảo hôm nay sẽ góp phần quan trọng nhìn nhận, làm rõ những nhân tố, bài học, vai trò, đóng góp nổi bật của ngoại giao Việt Nam trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất và phát triển đất nước. Đồng thời, gợi mở những hướng đi thiết thực để Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế chung tay kiến tạo và gìn giữ hòa bình bền vững ở khu vực và trên thế giới.
Sau bài phát biểu của Chủ tịch nước, hội thảo bước vào hai phiên thảo luận với tham luận của các học giả, nhân chứng lịch sử Việt Nam và quốc tế bao gồm: Ngoại giao Việt Nam và chiến thắng lịch sử 30/4/1975; vai trò của ngoại giao trong thúc đẩy đối thoại, giải quyết tranh chấp, kiến tạo hòa bình trong tình hình hiện nay.
Thế và lực mới của ngoại giao Việt Nam
Trong bài phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nói, trước những biến chuyển to lớn của thời đại, ngoại giao Việt Nam đang có những đổi mới căn bản bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thế và lực mới của đất nước cho phép Việt Nam có cách tiếp cận mới như được thể hiện trong Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị: Từ vị thế của một quốc gia tiếp nhận sang quốc gia đóng góp, từ quốc gia đi sau sang quốc gia vươn lên, có khả năng và điều kiện tham gia sâu hơn, trách nhiệm hơn vào việc giải quyết những vấn đề chung của thế giới.
Từ bài học trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, Việt Nam sẽ tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ trật tự thế giới công bằng, bình đẳng dựa trên luật pháp quốc tế, nâng tầm đóng góp của Việt Nam vào việc bảo đảm an ninh và kiến tạo hòa bình trên thế giới.