Phó Thủ tướng nói về giá trị của những thỏa thuận lịch sử trên bàn đàm phán

'Từ Hội nghị Geneve năm 1954 đến Hiệp định Paris năm 1973. Những thỏa thuận lịch sử trên bàn đàm phán đã tạo ra cơ hội để chúng ta tiến tới giành độc lập, kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước', Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nói.

Thế trận ‘vừa đánh vừa đàm’

Phát biểu tại hội thảo quốc tế “50 năm thống nhất đất nước: Vai trò kiến tạo hòa bình của ngoại giao trong lịch sử và hiện tại” sáng 23/4, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh vai trò của hoạt động ngoại giao đối với những chiến thắng quan trọng của Việt Nam trong lịch sử.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại hội thảo sáng 23/4. (Ảnh: Như Ý)

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại hội thảo sáng 23/4. (Ảnh: Như Ý)

“Cách đây tròn 50 năm, thắng lợi lịch sử của Chiến dịch Hồ Chí Minh (tháng 4/1975) đã kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trong hành trình ấy, ngoại giao đã đóng vai trò hết sức quan trọng.

Ngoại giao đã kết hợp với quân sự, chính trị, tạo ra thế trận vừa đánh vừa đàm, huy động sức mạnh tổng hợp của dân tộc, trong đó đấu tranh quân sự và chính trị là cơ sở cho đàm phán trên mặt trận ngoại giao.

Ngược lại, đấu tranh ngoại giao đã góp phần cộng hưởng thắng lợi và hỗ trợ cho các hoạt động đấu tranh chính trị và quân sự. Từ Hội nghị Geneve năm 1954 đến Hiệp định Paris năm 1973. Những thỏa thuận lịch sử trên bàn đàm phán đã tạo ra cơ hội để chúng ta tiến tới giành độc lập, kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Hồi tưởng về quá trình đàm phán Hiệp định Paris đầy cam go thử thách từ năm 1968 đến năm 1973, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cho biết trong thông điệp gửi đến hội thảo: “Khi ấy, chúng tôi đều nhận thức rằng chiến trường sẽ quyết định đàm phán. Tình hình quân sự sẽ quyết định vị thế của đoàn đàm phán. Còn ngoại giao, cụ thể là đàm phán, có một vai trò quan trọng, là phát huy thắng lợi của chiến trường.

Căn cứ vào tình hình chính trị của ta và đối phương, phải tìm ra một giải pháp có lợi nhất cho nhân dân ta. Cụ thể, chúng ta đã đặt ra giải pháp là yêu cầu Mỹ phải rút quân, còn vấn đề Việt Nam thì để Việt Nam giải quyết. Có thể nói, Hiệp định Paris đã góp phần to lớn vào thắng lợi vang dội Mùa Xuân năm 1975”.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình: “Ngoại giao rất quan trọng. Các cuộc xung đột đều phải kết thúc bằng chính trị, mà chính trị là ngoại giao. Với kinh nghiệm của Việt Nam, có thể nói rằng trong bất kỳ cuộc xung đột nào, cũng cần cố gắng đi vào đối thoại để tìm ra giải pháp”. (Ảnh: Như Ý)

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình: “Ngoại giao rất quan trọng. Các cuộc xung đột đều phải kết thúc bằng chính trị, mà chính trị là ngoại giao. Với kinh nghiệm của Việt Nam, có thể nói rằng trong bất kỳ cuộc xung đột nào, cũng cần cố gắng đi vào đối thoại để tìm ra giải pháp”. (Ảnh: Như Ý)

Bài học ngoại giao

Trước những biến chuyển to lớn của thời đại, ngoại giao Việt Nam đang có những đổi mới căn bản để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Theo Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn, thế và lực mới của đất nước cho phép Việt Nam có cách tiếp cận mới, như được nêu trong Nghị quyết 59-NQ/TW ngày 24/1/2025 của Bộ Chính trị về "hội nhập quốc tế trong tình hình mới". Từ vị thế của một quốc gia tiếp nhận sang quốc gia đóng góp, từ một quốc gia đi sau sang một quốc gia vươn lên, có khả năng và điều kiện tham gia sâu hơn, trách nhiệm hơn vào việc giải quyết các vấn đề chung của thế giới.

Các đại biểu trong nước và quốc tế tại hội thảo. (Ảnh: Như Ý)

Các đại biểu trong nước và quốc tế tại hội thảo. (Ảnh: Như Ý)

Phó Thủ tướng khẳng định, từ bài học trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, Việt Nam sẽ tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ trật tự quốc tế công bằng, bình đẳng dựa trên luật pháp quốc tế, nâng tầm đóng góp của Việt Nam vào việc bảo đảm an ninh và kiến tạo hòa bình trên thế giới.

“Nhiều bài học rút ra từ cuộc đấu tranh thống nhất đất nước của Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị, có thể được nhân rộng, như bài học về ngoại giao hòa hiếu, giải quyết hòa bình các tranh chấp, bất đồng, gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, hàn gắn vết thương chiến tranh”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng, Việt Nam có thể phát huy vai trò tích cực, chủ động hơn trong các vấn đề chung của khu vực, của toàn cầu, từ việc trung gian hòa giải đến tái thiết xây dựng.

Minh Hạnh - Như Ý

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/pho-thu-tuong-noi-ve-gia-tri-cua-nhung-thoa-thuan-lich-su-tren-ban-dam-phan-post1736332.tpo