'Ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc' sẽ không làm giảm vai trò của môn học
Theo phương án mới được công bố, từ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025, Ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc, mà trở thành một trong những môn thi tự chọn 'bình đẳng' với các môn học khác. Điều này có khiến học sinh bỏ qua Ngoại ngữ, làm cho chất lượng dạy và học môn này trong các nhà trường bị ảnh hưởng?
Theo phương án tổ chức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tại Quyết định 4068/QĐ-BGDĐT về việc phê duyệt “Phương án tổ chức Kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025”, kỳ thi sẽ bám sát nội dung của Chương trình giáo dục phổ thông 2018; thí sinh sẽ thi 4 môn gồm 2 môn thi bắt buộc và 2 môn tự chọn .
Đáng chú ý, kỳ thi từ năm 2025 sẽ có Ngữ văn và Toán là 2 môn bắt buộc, Ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc mà trở thành môn thi do thí sinh tự chọn cùng với các môn học khác trong chương trình như: Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Giáo dục kinh tế và Pháp luật, Tin học, Công nghệ.
Một số ý kiến cho rằng khi Ngoại ngữ không còn là môn thi tốt nghiệp bắt buộc sẽ ảnh hưởng tới quá trình tạo động lực thúc đẩy học sinh học tốt môn này. Các ý kiến này lo ngại sẽ có nhiều học sinh trước nay không có thế mạnh về học Ngoại ngữ thì sẽ “buông”, không chú trọng vào môn học này nữa. Trong nhiều năm qua, việc Ngoại ngữ nằm trong số những môn “phải thi” đã trở thành một trong những biện pháp mạnh mẽ cho phát triển dạy và học Ngoại ngữ nói chung, môn Tiếng Anh nói riêng trong nhiều nhà trường.
Theo quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ngoại ngữ là môn học quan trọng, có tính bắt buộc ở các bậc học. Dù không là môn thi bắt buộc với thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông nhưng Ngoại ngữ hiện vẫn là môn học bắt buộc với mọi học sinh từ lớp 3 đến hết các bậc học cao đẳng, đại học. Kết quả học tập môn Ngoại ngữ ở các bậc học có ý nghĩa quan trọng ngay trong quá trình học tập mà không phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo Huỳnh Văn Chương cho biết, việc lựa chọn môn thi đã cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở phân tích Chương trình giáo dục phổ thông 2018, theo đặc thù môn học, kinh nghiệm quốc tế và tình hình thực tiễn trong nước. Mọi môn học, trong đó có Ngoại ngữ đều được tổ chức thi.
“Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định Ngoại ngữ là môn học quan trọng, có tính bắt buộc ở các bậc học. Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Ngoại ngữ là môn học bắt buộc với mọi học sinh từ lớp 3 đến lớp 12. Ở bậc học cao đẳng, đại học, ngoại ngữ cũng tiếp tục được quy định là bắt buộc, yêu cầu đạt bậc 2 với trình độ cao đẳng, bậc 3 với trình độ đại học theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam tại Quyết định 1982/QĐ-TTg 2016 phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam”, Cục trưởng Huỳnh Văn Chương cho biết.
Cũng theo Cục trưởng Huỳnh Văn Chương, mỗi ngoại ngữ bất kỳ đều có 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết. Với đặc điểm của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hiện nay là làm bài thi trên giấy nên với môn Ngoại ngữ, chưa đánh giá được theo đầy đủ các kỹ năng. Việc đánh giá năng lực ngoại ngữ sẽ phù hợp hơn khi được đánh giá với đầy đủ 4 kỹ năng.
Các nước trong khu vực và trên thế giới, rất ít quốc gia lựa chọn ngoại ngữ là môn thi bắt buộc trong kỳ thi cấp quốc gia.
Tại Việt Nam, kết quả môn Ngoại ngữ của học sinh tại kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông trong nhiều năm qua đều cho thấy có sự chênh lệch giữa các địa phương, khu vực khác biệt về cơ sở vật chất và đầu tư học tập. Thí dụ đối với môn tiếng Anh, các địa phương có điểm trung bình cao nhất là Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng...; các địa phương có điểm trung bình thấp nhất là: Hà Giang, Điện Biên, Sơn La, Đắk Nông...
Để nâng chất lượng học Ngoại ngữ, Cục trưởng Huỳnh Văn Chương cho rằng cần cải thiện về cơ sở vật chất và đầu tư cho con người trong giảng dạy và học tập. “Dù có là môn thi bắt buộc với mọi học sinh nhưng nếu không tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất và con người trong việc giảng dạy và học tập thì kết quả học Ngoại ngữ vẫn khó được cải thiện", ông khẳng định.