Ngoài thưởng tiền, cách nào để khuyến khích phụ nữ sinh con?
Ngoài thưởng tiền cho phụ nữ sinh con thứ 2, theo chuyên gia nên có các quy định hỗ trợ tạo điều kiện tốt nhất trong chăm sóc, nuôi dạy trẻ như miễn giảm học phí, viện phí, gia tăng các dịch vụ khám và chăm sóc sức khỏe cho trẻ...
Hỗ trợ một lần bằng tiền cho phụ nữ sinh con thứ 2
Mới đây khi soạn thảo Luật Dân số (sửa đổi), Bộ Y tế đã đưa ra chính sách nhằm khuyến khích sinh đủ 2 con tại những tỉnh, thành có mức sinh thấp. Theo đó, Bộ Y tế đề xuất hỗ trợ một lần bằng tiền khi phụ nữ sinh con thứ 2 tại 21 tỉnh, thành có mức sinh thấp và rất thấp (tập trung ở vùng Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, duyên hải miền Trung); đồng thời, miễn, giảm, hỗ trợ chi phí cho học tập cho trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học ở các địa phương này.
Bộ Y tế cũng đề xuất các tỉnh, thành có mức sinh thấp rà soát, bãi bỏ chính sách khuyến khích sinh ít con mà cần khuyến khích sinh đủ 2 con. Các địa phương phải xác định thực trạng, xu hướng mức sinh của mình để có kế hoạch phù hợp thực tiễn.
Số liệu 4 lần Tổng điều tra dân số và nhà ở gần nhất cho thấy mức sinh của hầu hết các vùng kinh tế - xã hội đều giảm, riêng vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long giảm rất sâu. Hiện mỗi phụ nữ ở vùng Đông Nam bộ chỉ còn 1,56 con/phụ nữ, đồng bằng sông Cửu Long là 1,8. Các chuyên gia cho rằng nếu mức sinh về dưới 1,3 con thì hầu như không có khả năng hồi phục về mức sinh thay thế.
GS.TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội, Trường ĐH Kinh tế quốc dân đánh giá, có nhiều nguyên nhân dẫn đến mức sinh thấp. Một trong những nguyên nhân chính là kết hôn muộn trở thành xu thế của người trẻ hiện đại, khiến cho tỷ lệ sinh đẻ giảm. Cùng với đó, việc nuôi dạy và chăm sóc con cái hiện nay đòi hỏi rất nhiều chi phí, dẫn đến tâm lý sinh con ít để con được sống trong môi trường đầy đủ về vật chất và tinh thần nhất. Ngoài ra, tốc độ đô thị hóa gây khó khăn trong việc tìm việc làm, nhà ở, sinh hoạt..., trong khi chi phí nuôi dạy một đứa trẻ đến khi trưởng thành rất cao khiến nhiều cặp vợ chồng ngại sinh thêm con.
Còn đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long, GS Cử nhận xét, đây là nơi xuất cư cao nhất nước. Khi đi làm xa, họ cũng khó để có các điều kiện lo được đầy đủ nhà cửa, điều kiện sinh hoạt, do đó cũng là yếu tố e ngại sinh thêm con, vì cũng với mong muốn ít con để nuôi dạy, chăm sóc tốt hơn.
Cần giải pháp bền vững để khuyến khích tăng tỷ lệ sinh
Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy, nguyên Thư ký Ủy ban Dân số kế hoạch hóa gia đình, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu Thanh niên khẳng định, Nhật Bản cũng có nhiều chính sách khuyến khích, nhưng một bộ phận lớn giới trẻ ở Nhật vẫn không chịu lấy chống, lấy vợ và sinh con. Do đó phải chấp nhận xu thế giảm mức sinh sẽ là tất yếu, chỉ có điều phải làm gì để vừa tăng chất lượng sống, vừa thúc đẩy mức sinh để không giảm về mức không thể phục hồi.
Theo GS.TS Nguyễn Đình Cử, thực trạng ngại sinh con sẽ ngày càng phổ biến, giải pháp Bộ Y tế đưa ra trong dự thảo Luật Dân số sửa đổi sẽ góp phần khuyến khích người dân sinh thêm con. Các giải pháp như miễn, giảm, hỗ trợ chi phí cho học tập cho trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học ở các địa phương có tỉ lệ sinh thấp là rất hợp lý. Bởi hiện nay, chi phí đè nặng khi nuôi một đứa trẻ học hành là rào cản lớn nhất để một người quyết định có sinh thêm con hay không.
Giải pháp tặng tiền cho các gia đình sinh thêm con không phải là giải pháp lâu dài mà chỉ mang tính khuyến khích tức thời. Nhìn thấy nguy cơ già hóa dân số, nhiều chính phủ đã nhanh chóng áp dụng các giải pháp khuyến sinh, bắt đầu bằng việc thưởng tiền mặt hào phóng như: Hàn Quốc, Singapore, Phần Lan, Nhật Bản, Thụy Điển, Canada... Nhưng các chính phủ này cũng sớm nhận ra rằng, hỗ trợ tiền mặt không giúp cải thiện đáng kể tình hình nên dần phải thay đổi.
Singapore là một ví dụ về sự điều chỉnh chính sách cho phù hợp với đối tượng thụ hưởng. Khi nhận thấy chỉ hỗ trợ tiền mặt không thôi cho các cặp vợ chồng mới sinh con là chưa đủ hấp dẫn, chính phủ nước này từng bước áp dụng các biện pháp: hỗ trợ nhà ở xã hội, tăng thời gian nghỉ thai sản và giảm thuế cho các gia đình đông con...
Nhìn nhận về giải pháp đề xuất trong dự thảo luật, GS Cử cho rằng việc tặng tiền và hỗ trợ nhà ở xã hội có thể khó khả thi vì "ngân sách khó đảm bảo". Do vậy, cần có các giải pháp đồng bộ hướng tới dài hạn, nhằm cải thiện toàn diện về y tế, giáo dục, môi trường sống bao quanh một gia đình đứa trẻ.
Bên cạnh nỗ lực tạo ra những lợi ích trước mắt, việc tạo ra môi trường sống chất lượng, cải thiện hệ thống y tế, các cơ sở giáo dục, môi trường sống, tăng cường hệ thống hỗ trợ trẻ khuyết tật, tự kỷ... có thể mang lại tác động lâu dài. Nên có các chính sách y tế cụ thể về khám chữa bệnh, chăm sóc y tế... đặc thù cho trẻ nhỏ ở các vùng có tỷ lệ sinh thấp.
GS.TS Nguyễn Đình Cử nhấn mạnh, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về nhà ở, giáo dục, y tế... cho người sinh con. Thời gian nghỉ sinh con cũng cần tăng lên theo trình độ phát triển của xã hội. Thời gian nghỉ 1 năm là tốt nhất để bà mẹ có đủ điều kiện chăm sóc con. Hơn nữa, cần phát triển hệ thống dịch vụ trong gia đình để gia đình nhất là bà mẹ bớt gánh nặng.
Đặc biệt, phụ nữ hiện đại cũng đi làm, kiếm tiền, chăm lo cuộc sống gia đình... nên thêm con họ sẽ vất vả hơn nhiều. Vì vậy, cần truyền thông thúc đẩy sự tham gia của nam giới chia sẻ với phụ nữ công việc gia đình, chăm sóc con cái, để người phụ nữ cảm thấy bớt gánh nặng và muốn sinh con.