Ngọc Đường giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Dao

Xã hội phát triển, các dân tộc thiểu số đứng trước nguy cơ, thách thức bị đồng hóa về văn hóa. Thế nhưng, với đồng bào Dao ở xã Ngọc Đường, việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc được bà con đặt lên hàng đầu, lưu giữ nhiều loại hình độc đáo, mang nét đặc trưng rất riêng biệt.

Múa Cấp sắc dân tộc Dao xã Ngọc Đường (thành phố Hà Giang).

Múa Cấp sắc dân tộc Dao xã Ngọc Đường (thành phố Hà Giang).

Đồng bào Dao ở xã Ngọc Đường sinh sống chủ yếu ở thôn Nậm Tài và thôn Nà Báu, 2 thôn này 100% là dân tộc Dao. Văn hóa truyền thống của dân tộc Dao hiện đang được người dân bảo tồn, lưu giữ có nhiều loại hình độc đáo, mang nét đặc trưng riêng biệt. Chị Quan Thị Toán, Trưởng thôn Nậm Tài cho biết: Thôn có 73 hộ đều là dân tộc Dao, mọi người đều duy trì và bảo tồn phong tục, tập quán của dân tộc mình, giao tiếp hàng ngày đều bằng ngôn ngữ bản địa, người già vẫn mặc trang phục truyền thống. Cùng với đó, bà con vẫn giữ được nhiều phong tục truyền thống như: Lễ cúng, cưới hỏi, ma chay và nếp ăn ở...

Về hoạt động sản xuất, người Dao phổ biến là làm nương, thổ canh trên hốc đá và canh tác ruộng. Cây lương thực chính là lúa, ngô và các loại rau màu như bầu, bí, khoai... Không chỉ vậy, hầu hết nhà nào cũng có nghề rèn để sửa chữa dụng cụ lao động. Đời sống văn hóa – tinh thần cũng khá phong phú và gắn liền với sản xuất nông nghiệp. Vào đầu năm mới, lễ hội Bàn Vương, lễ Cấp sắc được tổ chức, lễ hội Bàn Vương để cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, cây cối xanh tốt, mùa màng bội thu; lễ Cấp sắc là thủ tục không thể thiếu của người đàn ông dân tộc Dao, được cấp sắc mới được coi là người đàn ông trưởng thành và có đủ quyền tham gia các công việc của cộng đồng. Đối với người Dao, việc thờ cúng đặc biệt được chú trọng, vì vậy các nghi lễ liên quan đến thờ cúng tổ tiên luôn được duy trì, nghi lễ thờ cúng của người Dao mang đậm tính nhân văn, hướng con người nhớ đến nguồn cội, xua tan cái ác, hướng đến một cuộc sống tốt đẹp.

Ngoài ra, nét văn hóa dễ dàng nhìn thấy chính là trang phục truyền thống của người Dao, trang phục chủ yếu là màu đen và đỏ. Phụ nữ mặc trang phục khá cầu kỳ, áo, váy nền màu đen chủ đạo, điểm nhấn tạo nên sự độc đáo trong bộ trang phục của người Dao chính là chiếc yếm trước và sau. Sau khi thêu các họa tiết hoa văn thì phụ nữ Dao sẽ nhờ những nghệ nhân chạm bạc có tay nghề tạo ra những vòng bạc. Trang phục của nam giới đơn giản hơn, chỉ là quần, áo màu đen với hàng cúc cài bằng vải cuốn. Những trang phục này thường được phụ nữ Dao tự tay làm với các công đoạn rất tỉ mỉ, đòi hỏi sự kiên trì và khéo léo.

Đồng chí Kiều Đức Thành, Chủ tịch UBND xã Ngọc Đường cho biết, việc giữ gìn văn hóa truyền thống dân tộc Dao luôn được chính quyền và nhân dân trong xã quan tâm, chú trọng. Trong những ngày lễ, tết, đám cưới, tiệc vui hay có khách quý đến nhà, bà con sẽ mặc những bộ quần áo đẹp nhất, rực rỡ nhiều sắc màu. Người dân cũng ý thức được việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của mình, đặc biệt là giữ gìn trang phục dân tộc. Xã cũng thường tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ để những nét văn hóa dân tộc Dao không bị mai một. Thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn giữ nguyên nét đẹp trong trang phục, nét đẹp trong văn hóa tinh thần như hát co, đối đáp, múa dân gian từ ngàn đời để lại. Mở các lớp truyền nghề cho thế hệ trẻ của đồng bào Dao để phát huy, gìn giữ bản sắc của người Dao.

Cùng với việc phát huy bản sắc dân tộc, người Dao ở xã Ngọc Đường cũng tích cực thi đua phát triển kinh tế; xây dựng Nông thôn mới, giữ gìn cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp; mang đến diện mạo mới, sức sống mới cho quê hương.

Bài, ảnh: Khánh Huyền

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202101/ngoc-duong-giu-gin-ban-sac-van-hoa-dan-toc-dao-771152/