'Ngọc Trai' ở biển Sa Cần

Đời biển khơi, chứng kiến nhiều tai họa nên ông Trai luôn tâm niệm: Muốn tồn tại phải đoàn kết, giúp đỡ nhau...

Từ cửa biển Sa Cần, tôi ngược đường tìm về xóm Cù Lao (thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), nằm bên sông Trà Bồng. Đến đầu xóm, nghe tôi hỏi, nhiều người khoát tay bảo: "Tìm ông Nguyễn Ngọc Trai à? Cứ thẳng đường ra bến thuyền là gặp".

Duyên với nghề biển

Bến sông vắng lặng. Những con tàu thả neo nằm sát nhau.

Tôi khum đôi bàn tay, làm loa gọi. Từ trong ca bin, ông Trai bước ra sàn tàu, đáp: "Trai đây!".

Tôi lại hỏi: "Sao bến im ắng quá vậy anh?". Ông cười, nói: "Đoàn tàu đánh bắt xa bờ vào bến bán cá, mực hôm qua. Hôm nay nghỉ một bữa, nên cánh bạn chài xả hơi. Còn tui thì tranh thủ ra đây kiểm tra lại máy tàu, để chuẩn bị cho lèo biển mới".

Ông Nguyễn Ngọc Trai - ngư dân kỳ cựu ở vùng cửa biển Sa Cần

Ông Nguyễn Ngọc Trai - ngư dân kỳ cựu ở vùng cửa biển Sa Cần

Cha làm thầy thuốc bắc, có đến 9 người con nhưng chỉ mình ông theo nghề biển. 18 tuổi, học xong bậc phổ thông, ông Trai chưa biết tính toán cuộc đời mình ra sao. Sẵn có tàu của ông Nguyễn Biếc ở gần nhà ra khơi, nên ông xin đi theo chơi.

Biển khơi sóng cồn nhưng thấy ông Trai không hề say sóng, nên ông Biếc bảo: "Thằng khá ghê. Có duyên với nghề biển. Mày theo nghề này được đó".

Lời nhận xét vô tình nhưng đã vận vào ông đến nay đã tròn 46 năm.

Ban đầu, ông Trai đi bạn (làm mướn) trên tàu đánh lưới hai ở vùng biển ngoài đảo Lý Sơn, rồi sau đó chuyển sang tàu câu mực xà ở vùng biển quần đảo Trường Sa.

Vùng cửa biển Sa Cần, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi

Vùng cửa biển Sa Cần, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi

Ông Trai nói vui: "Con mực là con cực". Thấy tôi không hiểu, ông cười bảo nói thế vì đánh bắt được mực ở vùng biển quần đảo Trường Sa là vất vả lắm. Từ cửa Sa Cần, tàu chạy liên tục 3 ngày đêm mới đến vùng ngư trường đánh bắt. Chờ đêm xuống, tàu chạy dọc biển, thả thúng và người. Mỗi thúng cách nhau chừng non một hải lý, rồi mình chong đèn, móc mồi thả câu.

Đêm trên biển vắng, chỉ một con cá lớn quẫy đuôi hoặc dòng hải lưu luân chuyển là có khi thúng trôi sang vùng biển khác mà tàu câu mực không phát hiện được để ứng cứu. Gặp trường hợp này thì rất dễ dẫn đến mất tích, gia đình chỉ còn cách lập bàn thờ, đắp mộ gió mà thôi.

Thông thuộc ngư trường

Ông Trai chẳng bao giờ quên cơn lốc biển xảy ra vào ngày 1-12-1991. Khi đó, đoàn tàu đánh cá từ ngoài khơi vào cửa biển Sa Cần thì cơn lốc bất ngờ xuất hiện, làm tàu thuyền bị chìm hoặc xô vào bờ đá vỡ tan tành.

Chỉ một buổi sáng thôi mà cơn lốc ở vùng biển này đã cướp đi sinh mạng của nhiều người. Riêng xóm Cù Lao nhỏ bé của ông Trai có 77 người thiệt mạng.

Năm đó, nhân chuyến về thăm và làm việc ở Quảng Ngãi, nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã dành thời gian về xã Bình Chánh, thăm hỏi động viên bà con.

Trong cơn lốc, chiếc tàu ông Trai đi bạn bị thổi bay ca bin, máy tàu trơ ra. Nhưng tàu không mất mà may mắn dạt vào biển Bình Châu. Trên đường về làng, chứng kiến cảnh tang thương của bao người, ông thấy lòng quặn đau.

Phải mất 15 năm đi bạn, ông Trai mới đủ sức mua một con tàu cũ, đánh bắt trong lộng, rồi 5 năm sau đó nữa mới bán con tàu cũ, bù thêm tiền để đóng con tàu mới công suất máy 415 CV, thẳng tiến ra vùng biển quần đảo Trường Sa.

Rút kinh nghiệm từ thời đi bạn, ông Trai chọn cả nghề lưới vây và nghề câu mực xà. Cứ 5 giờ sáng thì bạn chài cùng nhau thả lưới. Từ 14 giờ đến 18 giờ thì thu lưới đánh bắt cá ngừ, cá thu, cá nhồng. Đêm xuống thì buông câu mực, rồi xẻ phơi ở khung gỗ trên tàu.

Ông Trai kể: "Bây giờ đã có đầy đủ máy móc, phương tiện, chứ vài chục năm trước ở vùng đảo Bạch Quy, Đá Lồi (thuộc quần đảo Hoàng Sa) có những hôm trời mù sương, chỉ một mét thôi cũng chẳng thấy mặt người.

Để lái con tàu đi đúng hướng thì cứ phải nhìn con mực phơi trên dàn. Ở hướng Đông Nam thì con mực phơi thường ẩm, vì gió mang theo hơi nước. Còn phía Bắc thì gió khô, nên con mực cong lại.

Cứ đầu mùa biển, tàu của ông Trai lại thẳng hướng ra khơi. Đến tháng 7, tháng 8 thì đi dần vào vùng biển giữa quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà đánh bắt.

Cũng nhờ thông thuộc vùng ngư trường như trong lòng bàn tay nên tàu đánh bắt khá hiệu quả với những lèo biển xa. Ông đóng thêm chiếc tàu mới, cũng dài 22 m, để đáp ứng cho việc hành nghề.

Bạn chài tin tưởng

Đời biển khơi, chứng kiến nhiều tai họa nên ông Trai luôn tâm niệm: Muốn tồn tại phải đoàn kết, giúp đỡ nhau.

Như năm 2018, tàu của anh Hợp ở xã Nghĩa An (TP Quảng Ngãi) bị chết máy, lênh đênh trên biển, phải gọi ứng cứu, ông Trai hay tin liền bỏ luôn chuyến biển, đưa tàu đến kéo tàu bạn vượt 60 hải lý, đến nơi neo đậu để sửa chữa. Rồi cách đây vài năm, tàu của ngư dân Nguyễn Hồng Đương bị phá nước, sắp chìm. Ông Trai nhận được tin, vội đưa tàu đến cứu cả 11 ngư dân mà chẳng lấy của ai đồng nào.

Đánh bắt hải sản ở khơi xa nên ông Trai hiểu cần có sự liên kết giữa những con tàu để xử lý những tình huống khẩn cấp trên biển. Thấy ông Trai luôn hết lòng vì bạn chài, ngư dân xã Bình Chánh đồng lòng bầu ông làm phó chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá của xã. "Từ lúc tôi nhận chức phó chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá, những khi tàu bị hư máy trên biển hoặc bị sóng đánh chìm là anh em gọi mình nhiều hơn. Nhưng mình không phải thợ máy, nên có trường hợp không sửa được. Những lúc bó tay thì thông qua Icom gọi về đất liền, nhờ vợ con chạy đi tìm cánh thợ máy. Rồi qua máy Icom, họ hướng dẫn cho mà sữa chữa" - ông Trai cười vui, kể.

Ông cũng bàn bạc với nghiệp đoàn thành lập Quỹ hỗ trợ ngư dân. Cứ mỗi tàu một năm đóng góp một triệu đồng, để thăm hỏi gia đình có người bị nạn hoặc tàu hư hỏng cần tiền để sửa chữa.

Ngư dân Nguyễn Ngọc Trai với mực nồng vôi

Ngư dân Nguyễn Ngọc Trai với mực nồng vôi

"Có lúc tiền góp hết sạch, thì mình báo với nghiệp đoàn rồi tự ứng tiền trước, anh em đóng quỹ trả lại sau. Cốt lõi là mình làm ăn minh bạch thì anh em bạn chài tin tưởng thôi" - ông Trai bộc bạch.

Những năm gần đây, nhà nước triển khai chương trình chống đánh bắt cá bất hợp pháp, góp phần để gỡ "thẻ vàng" - cảnh báo của Ủy ban châu Âu (EC) đối với nghề cá và xuất khẩu hải sản Việt Nam vào thị trường Liên minh châu Âu (EU). Điều mà các ngành chức năng Quảng Ngãi lo ngại chính là nằm ở đội tàu câu mực của xã Bình Chánh. Vì đội tàu này đánh bắt hải sản ở quần đảo Trường Sa, mỗi lèo biển kéo dài đến 3 tháng ròng.

Biết vậy, ông Trai bàn bạc với nghiệp đoàn tổ chức những đợt tuyên truyền, động viên ngư dân ký cam kết không vi phạm quy định IUU. Riêng tàu đánh bắt ở vùng ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, mỗi khi nhìn lên màn hình thấy tàu đánh cá của bà con ngư dân đánh bắt gần vùng biển của nước bạn là ông Trai mở bộ đàm gọi: "Quay vào ngay nhé...".

Thiếu tá Võ Quốc Tuấn - Chính trị viên Đồn Biên phòng Bình Thạnh, nói: "Nhờ có những người như ngư dân Nguyễn Ngọc Trai ở vùng biển Bình Thạnh nên việc tuyên truyền chống đánh bắt cá bất hợp pháp được tăng cường. Từ đầu năm đến giờ, tỉnh Quảng Ngãi mở đợt cao điểm thực hiện chương trình IUU, không có tàu đánh cá nào vi phạm".

"Nhờ nhiệt tình vì cộng đồng, ngư dân Nguyễn Ngọc Trai đã nhận được nhiều bằng khen của tỉnh Quảng Ngãi và giấy khen của huyện Bình Sơn. Mới đây, ông được nhận bằng khen của UBND tỉnh Quảng Ngãi với thành tích trong 5 năm thực hiện "Ngày Biên phòng toàn dân giai đoạn 2019-2024".

Bài và ảnh: Võ Quý Cầu

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ngoc-trai-o-bien-sa-can-196240629194615404.htm