Ngôi đền bên dòng kênh xanh

Đền Na Giang thuộc tổ dân phố 2, phường Tích Lương (TP. Thái Nguyên), nằm soi bóng bên dòng kênh xanh, phía trước là cánh đồng lúa, sau lưng là đồi chè xanh. Khởi dựng, đền được gọi là Nghè Na Giang, thờ Thành Hoàng làng. Trải qua thời gian cùng với sự tiếp biến văn hóa và nhu cầu tín ngưỡng, nhân dân thờ Mẫu, Thổ Thần và Thánh Đuổm Dương Tự Minh trong đền…

Đền Na Giang thuộc tổ dân phố 2, phường Tích Lương (TP. Thái Nguyên), nằm soi bóng bên dòng kênh xanh, phía trước là cánh đồng lúa, sau lưng là đồi chè xanh. Khởi dựng, đền được gọi là Nghè Na Giang, thờ Thành Hoàng làng. Trải qua thời gian cùng với sự tiếp biến văn hóa và nhu cầu tín ngưỡng, nhân dân thờ Mẫu, Thổ Thần và Thánh Đuổm Dương Tự Minh trong đền…

Đền Na Giang.

Đền Na Giang.

Nếu không có cờ cắm xung quanh thì nhìn xa đền giản dị như ngôi nhà của một gia đình nhỏ nơi sơn dã. Các bô lão nơi đây kể lại, trước đền được nhân dân địa phương của ba Phủ: Phú Bình, Đồng Hỷ và Phú Lương xây dựng. Toàn bộ diện tích khuôn viên đền rộng 7.831m2, chính điện quay về hướng Nam. Kiến trúc truyền thống, mái lợp ngói đỏ với nhà tiền tế dài 7m, chiều ngang 5m, chia thành ba gian tường hồi bít đốc.

Gian giữa xây nối liền với hai gian hậu cung, các gian được chia bởi các bộ vì kèo bằng gỗ liên kết giữa các hàng cột. Ba gian tiền tế được làm cửa cuốn vòm. Các ban thờ được chia thành hai lớp: Lớp trong chính giữa thờ Thành Hoàng, thờ Thánh Đuổm Dương Tự Minh, bên trái thờ Anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh, bên phải thờ Mẫu.

Lớp ngoài đặt Ban Công đồng ở chính giữa, hai bên nhà tiền tế thờ 83 vị Anh hùng liệt sĩ của xã Tích Lương trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Đền có cây hương trình phía trước, cách đền khoảng 30m về hướng Tây là giếng Vua, cạnh giếng có một ngôi miếu nhỏ xây bằng gạch đỏ.

Ngồi uống nước và thụ lộc dưới gốc đa, tôi được nghe các cụ kể lại, ngày xưa Thủ lĩnh phủ Phú Lương Dương Tự Minh cùng quân lính trấn ải phía Bắc đã đóng quân tại đây. Tên xã Tích Lương cũng nói lên nguyên do sự hình thành ngôi đền. Tại địa phương này, khi trấn ải phía Bắc, Dương Tự Minh đã lấy xã Tích Lương là nơi luyện tập binh sĩ và tích lũy quân lương. Tại đây, vẫn còn ba tấm bia lưu giữ công đức của Tướng quân Dương Tự Minh cùng các binh sĩ cũng như lịch sử ra đời của ngôi đền.

Đền Na Giang đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2018, được nhân dân bảo vệ, trùng tu, tôn tạo, đến nay đã trở thành địa chỉ du lịch tâm linh hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người dân.

Ông Nguyễn Văn Nhuận, Trưởng Ban Quản lý di tích đền, cho biết: Giai đoạn 2020 - 2022, đền Na Giang được đầu tư làm tuyến đường bê tông từ cầu sắt đến sân đền dài 740m, với tổng kinh phí 1 tỷ 800 triệu đồng. Trong đó, Ban Quản lý di tích đền xã hội hóa được hơn 600 triệu đồng. Ngoài việc xã hội hóa để làm đường, Ban Quản lý di tích đền còn huy động các nguồn lực mua cây xanh trồng xung quanh đền, mua ruộng để làm sân lễ hội...

Trong năm, đền có các lễ chính vào 4 ngày: Rằm tháng Giêng, 14 tháng 4, 14 tháng 7 và 14 tháng 11 (Âm lịch). Hàng tuần. đền mở cửa vào thứ 3, thứ 5 và Chủ nhật để khách thập phương đến tham quan và hành lễ. Ngoài ra, hằng năm, đền còn làm Lễ cầu siêu cho các Anh hùng liệt sĩ, cầu cho quốc thái dân an vào dịp Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7).

Không chỉ là biểu tượng tâm linh đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người dân TP. Thái Nguyên và vùng lân cận, đền Na Giang còn là di tích đặc sắc, nơi thể hiện khát vọng của người địa phương, thể hiện truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/dat-va-nguoi-thai-nguyen/202212/ngoi-den-ben-dong-kenh-xanh-8f164b3/