Ngôi đền dưới chân đèo Mã Yên Sơn
Trong hành trình khám phá vẻ đẹp của vùng đất Bảo Yên, đặc biệt là chiêm ngưỡng nét độc đáo về văn hóa tâm linh nơi đây, đền Làng Lúc là điểm đến của du khách mọi miền.
Ngôi đền tọa lạc trên một dải đất đẹp, vững chãi giữa bốn bề đồng lúa bát ngát của thôn Làng Lúc, xã Bảo Hà. Xung quanh đền là những dải núi trùng điệp, rừng cây xanh thẳm, muôn hoa đua nở, suối chảy mát lành, bốn mùa mây phủ. Đền Làng Lúc có nhiều tên gọi khác, như miếu Làng Lúc, đình Làng Lúc, đền Làng Lúc.
Theo các bậc cao niên người Tày ở thôn Làng Lúc, khi họ sinh ra đã thấy có miếu Làng Lúc được dựng đơn sơ, vách nứa, mái lợp gianh, diện tích chỉ bằng một chiếc bàn uống nước, bên trong có những bát hương bằng ống nứa để nhang khói thờ phụng các vị thành hoàng làng họ Hoàng, tương truyền là 3 vị tướng của quan Hoàng Bảy đã có công khai ấp lập làng, dạy người dân trồng trọt phát triển kinh tế và thần cai quản vùng đất.
Lịch sử đền Làng Lúc ghi chép rõ các năm trùng tu, sửa chữa, tôn tạo ngôi đền như các năm 1996, 2003, 2005, 2019. Mỗi thời điểm trùng tu, người dân Làng Lúc đều chung tay góp sức để ngôi đền thêm khang trang, là không gian sinh hoạt tâm linh cho dân bản.
Đền nhìn về hướng Tây, phía trước là dòng suối Lúc quanh năm nước chảy tạo cảm giác mát mẻ và không khí trong lành, phía sau đền tựa lưng vào núi. Bao quanh khuôn viên ngôi đền là những cây cổ thụ xanh mát càng khiến ngôi đền thêm cổ kính, linh thiêng. Đền chính được kiến trúc theo kiểu hình chữ Đinh gồm 1 tòa đại bái (tiền tế) 3 gian với tổng diện tích khoảng 40 m2; gian trung từ có diện tích khoảng 20 m2 và 1 gian hậu cung khoảng 10 m2.
Không gian thờ tự của đền Làng Lúc được bài trí hài hòa, độc đáo, đậm màu sắc tín ngưỡng, tâm linh. Ở gian hậu cung, phía trên cùng là ban thờ Phật, đặt tượng Phật nghìn mắt nghìn tay. Bậc thứ 2 từ trên xuống, phía bên dưới ban thờ Phật là ban thờ Tam Tòa Thánh Mẫu. Tọa ở vị trí chính giữa là Mẫu Thượng Thiên mặc áo đỏ, bên trái là Mẫu Thoải Cung, bên phải là Mẫu Địa. Gian trung từ đặt tượng thờ quan Hoàng Bảy đặt ở vị trí cao nhất, 2 bên là tượng 2 quan theo hầu. Bậc thứ 2 là ngai thờ 3 vị tướng của quan Hoàng Bảy, cũng là 3 vị thành hoàng của Làng Lúc.
Ở tiền tế, tại gian giữa, ban thờ cao nhất đặt tượng Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu. Ban thờ thứ 2 thấp hơn đặt tượng thờ ngũ vị tôn quan. Gian thờ phía bên trái đặt tượng thờ Mẫu Thượng Ngàn và 2 thị nữ hầu cận ở 2 bên.
Bên cạnh đền thờ chính, trong khuôn viên đền có lầu cô, lầu cậu, miếu quan sơn thần, thổ địa… được lập và thờ phụng riêng.
Theo tục lệ, lễ hội đền Làng Lúc được tổ chức vào ngày mùng 7 tháng Giêng âm lịch hằng năm. Đây được coi là ngày giỗ của 3 vị thành hoàng làng. Trong ngày này, người dân Làng Lúc cũng tổ chức lễ hội xuống đồng cầu mong mưa thuận, gió hòa cho một mùa vụ mới bội thu. Mỗi gia đình chuẩn bị một mâm lễ cúng gồm gà luộc, xôi màu, thịt lợn, cá nướng, măng rừng và các loại rau hái theo mùa dâng lên các vị thần. Đồng thời, các hộ trong thôn đóng góp chuẩn bị một mâm lễ để cúng ở chân cây nêu trong ngày hội xuống đồng. Cúng xong, bà con cùng nhau ăn uống quanh miếu và cùng nhau xòe những điệu xòe truyền thống cầu mong các vị thành hoàng và thần linh phù hộ một năm mới người yên, vật thịnh, ấm no, hạnh phúc…
Với những giá trị nhiều mặt, ngày 9/6/2021, UBND tỉnh ra Quyết định số 1948 xếp hạng đền Làng Lúc là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/358283-ngoi-den-duoi-chan-deo-ma-yen-son