Vua Mai Hắc Đế, tên thật là Mai Thúc Loan (670-723), quê gốc ở xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh). Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, Mai Thúc Loan càng lớn càng thông minh, khỏe mạnh, là một đô vật nổi tiếng của vùng Sa Nam (huyện Nam Đàn, Nghệ An) ngày nay. Chứng kiến cảnh người dân cực khổ dưới ách thống trị của nhà Đường (Trung Quốc), năm 713 ông đứng ra lãnh đạo tổ chức dựng cờ khởi nghĩa Hoan Châu, giải phóng vùng đất rộng lớn ở Nghệ An. Sau sự kiện này, ông được suy tôn làm hoàng đế. Đến năm 722, quân Đường quay trở lại đàn áp cuộc khởi nghĩa, bị vây hãm, Mai Hắc Đế rút vào rừng rồi mất ở đó.
Để tưởng nhớ công lao của ông cùng các tướng sĩ, nhân dân nhiều nơi trong nước đã lập đền thờ phụng như ở huyện Nam Đàn (Nghệ An) và đền thờ vua Mai Hắc Đế ở quê mẹ tại thôn Mai Lâm, xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) ngày nay. Trải qua những biến thiên lịch sử, ngôi đền xuống cấp. Đến năm 2016, đền thờ vua mới được tôn tạo, xây dựng khang trang, nằm giữa khu dân cư đông đúc như bấy giờ.
Công trình tọa lạc trên một khu đất rộng hơn 7.000 m2, cạnh bãi biển ở xã Mai Phụ. Trong đó, diện tích xây dựng gần 1.000 m2 với các hạng mục chính như nghi môn theo dạng tứ trụ: tả, hữu vu hình chữ nhật. 3 gian 2 chái: nền lát gạch bát, khung cột, vì kèo gỗ, mái lợp ngói mũi hài...
Khu đền chính với tiền bái hình chữ nhật, ba gian để trống, diện tích 54 m2, chiều cao đỉnh mái 4,44 m.
Bên trong đền được gắn 7 bức hoành phi với nội dung: "Quê tổ linh thiêng", "Lừng lẫy uy linh", "Đức trạch trường tồn", "Công tích vĩ đại", "Non sông muôn thuở", "Võ công đại định", "Chí Trung Đại nghĩa" và bảy bức câu đối được sơn son thiếp vàng.
Ông Nguyễn Văn Hòa (70 tuổi, cố từ đền vua Mai Hắc Đế) cho biết những ngày đầu năm, rằm hoặc ngày lễ thường có rất đông người đến dâng hương, cầu bình an, may mắn tại đền vua.
“Hàng năm, các ngày 12, 13, 14 tháng Giêng Âm lịch, chính quyền và người dân xã Mai Phụ tổ chức lễ dâng hương tưởng nhớ công đức của vua. Để chuẩn bị cho buổi lễ này, người dân địa phương sẽ cùng gói, nấu hàng nghìn chiếc bánh chưng, sau đó mang đến đền thờ cung tiến”, ông Hòa nói. Trong hình là các bài vị đặt tại ngôi đền được sơn son thếp vàng cùng những dãy câu đối độc đáo.
Ngoài ra, đền còn có các hạng mục phụ trợ như lầu hóa vàng, nhà thủ từ, cổng phụ, nhà truyền thống...
Nhiều hạng mục tại đền được sử dụng họa tiết rồng, phượng, hoa lá...
Phía trước ngôi đền có 2 cây đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi, cành lá sum suê, được người dân địa phương bảo vệ, gìn giữ bao đời nay. Năm 2015, hai cây đa được công nhận là cây di tích lịch sử văn hóa Việt Nam.
Phạm Trường