Ngôi làng cổ bên dòng Đắk Bla
Như cánh chim Ch'rao sải cánh giữa đại ngàn, tôi ngược dòng sông Đắk Bla hiền hòa, thơ mộng tìm về với ngôi làng cổ Kon Kơ Tu (Kon K'tu), xã Đăk Rơ Wa, cách trung tâm thành phố Kon Tum khoảng 6km về phía đông. Có lẽ vì thế mà bên cạnh việc lưu giữ văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Ba Na, những phong tục tập quán, cách sinh hoạt thường ngày của bà con nơi đây vẫn còn gắn bó mật thiết với dòng sông Đắk Bla.
Khoảng lặng giữa xô bồ phố thị
Băng qua khỏi cầu treo Kon Klo tầm 3km là đến làng Kon Kơ Tu. Giữa khung cảnh núi rừng trùng điệp, những nhánh bông mía nở hoa tim tím như những vạt lau đung đưa dọc bãi bồi phù sa màu mỡ. Xa xa dưới bến sông là những chiếc thuyền độc mộc nằm yên bãi. Tất cả tạo nên một bức tranh làng quê tuyệt sắc dẫn vào làng Kon Kơ Tu thanh bình.
Cũng như bao buôn làng khác, ngôi nhà rông được đặt ở vị trí đầu làng. Mái nhà lợp bằng tranh cao hơn 13m như điểm nhấn làm nổi bật lên ngôi làng cổ. Đây là nơi sinh hoạt cộng đồng của 138 hộ dân với hơn 736 nhân khẩu. Nếu ví dòng sông là nguồn sữa mẹ cung cấp phù sa màu mỡ bồi đắp cho những vụ mùa tươi tốt thì nhà rông là linh hồn văn hóa của làng.
Mặc dù hiện nay nhiều làng ở khu vực Tây Nguyên chịu sự tác động của phát triển kinh tế xã hội đang dần đánh mất đi kiến trúc làng thì Kon Kơ Tu vẫn ít nhiều giữ được kiến trúc "làng tròn" với mô hình các nhà đều xây dựng xung quanh nhà rông. Đây là kiến trúc cổ của các làng dân tộc bản địa trên địa bàn tỉnh Kon Tum mà rất ít làng còn giữ lại. Nhà rông không chỉ là nơi diễn ra hội họp quan trọng mà còn tổ chức các hoạt động hằng ngày của người dân trong làng như đánh bóng chuyền, tổ chức lễ hội hay đón tiếp khách quý đến chơi. Chính điều này làm cho cuộc sống ở làng cổ Kon Kơ Tu trở nên sôi động hơn mỗi khi chiều về.
Tuy nằm cách không xa thành phố nhưng ngôi làng cổ Kon Kơ Tu vẫn giữ được vẻ đẹp yên ả, hiền hòa và thân thiện. Du khách không chỉ khám phá những nét riêng biệt, độc đáo của người Ba Na mà còn hứa hẹn mang đến những trải nghiệm hấp dẫn về bản sắc văn hóa mang dư âm, hương vị của người Ba Na. Dạo quanh ngôi làng, chúng tôi dễ dàng bắt gặp hình ảnh những em bé theo chân mẹ hoặc cùng nhau đạp xe trên những con đường quanh co dẫn ra bờ sông thanh vắng. Trước hiên nhà sàn, các bà các mẹ vẫn còn giữ thói quen ngồi tụm năm tụm ba chuyện trò.
Chẳng biết làng có chính xác từ bao giờ, nhưng thông qua những câu chuyện kể của cha ông thì ngôi làng đã có lịch sử hơn 300 năm. Nhiều năm về trước, làng cũ cách làng mới hiện nay khoảng 3km. Đến năm 1968, để tiện cho sinh hoạt, đánh bắt thủy sản, cả làng kéo về sát bờ sông Đắk Bla rồi xây dựng lên ngôi làng như hiện nay.
Trong ký ức của những người cao tuổi nhất của làng là hình ảnh những năm tháng đói nghèo bởi những hủ tục lạc hậu. Niềm hãnh diện lớn nhất của người dân làng lúc đó không có gì ngoài việc sinh thật nhiều con. Với quan niệm "đông con đông của", cuộc sống dân làng cứ hết nghèo lại đói. Sau năm 1975, với sự vận động, tuyên truyền của chính quyền địa phương, những chuyện phạt vạ không còn, nhưng những ai vi phạm luật làng thì vẫn phải bị xử lý. Những thanh niên chưa cưới mà có con sẽ bị phạt một khoản tiền nhỏ để sung vào quỹ làng. Thanh niên sau khi gây gổ đánh nhau phải theo già làng đến tận nhà nhau để xin lỗi rồi đền bù tiền thuốc men theo thỏa thuận. Nhưng giờ đây, mọi hủ tục đã được xóa bỏ. Cuộc sống người dân cũng ổn định hơn. Những người đàn ông vẫn duy trì thói quen lên rừng làm nương, săn con nai, con dúi, phụ nữ trong làng thì cần mẫn dệt vải, đan gùi.
Đến làng Kon Kơ Tu, chúng tôi không chỉ được đắm mình vào không gian văn hóa cồng chiêng mà còn được làm quen với những khúc dân ca trên nền thanh âm được tạo ra từ những nhạc cụ truyền thống độc đáo như đàn T'rưng, Ting glinh (đàn nước), Tingning (đàn quả bầu). Bên cạnh đó, người Ba Na còn có nhiều làn điệu dân ca giao duyên mượt mà đằm thắm cùng với nhiều kiểu hát kể phong phú như Hri 'Nhoi (hát đồng dao), Hri Mơ'Mon, Hri HơNhoông, Hri Cheo, Hri Troôm… đặc biệt nhất là Hri Hơ'Mon (hát kể sử thi Ba Na). Bên cạnh đó, chúng tôi còn được chiêm ngưỡng những điệu múa xoang trên nền thanh âm của cồng chiêng. Nếu về làng đúng dịp, du khách còn được tham gia các lễ hội truyền thống của người dân Ba Na như lễ Bổn mạng, lễ hội mừng lúa mới…
Hiện nay làng vẫn còn lưu giữ nét kiến trúc nguyên bản ngày xưa của người Ba Na với tỷ lệ nhà sàn truyền thống chiếm trên 50%. Các ngôi nhà sàn được xây dựng xung quanh nhà rông. Trong các nhà sàn, những người phụ nữ Ba Na quây quần ngồi dệt thổ cẩm. Những trò chơi dân gian được các em nhỏ bày ra dưới thanh âm của những tiếng cười rộn ràng và giòn tan cả một góc trời.
Đứng ở làng Kon Kơ Tu, chúng tôi có thể nhìn thấy đỉnh núi Kong Muk sừng sững ở phía Đông, ngả bóng mình soi xuống dòng Đắk Bla hiền hòa và trầm mặc. Dọc theo bờ sông Đắk Bla là những bãi cát phẳng khá lớn, ôm lấy ngôi làng. Chỉ ở lại vài ngày nơi đây, chúng tôi đã có thời gian trải nghiệm thú vị khi đạp xe hoặc thả bộ trên những con đường mòn gồ ghề dẫn ra dòng sông Đắk Bla xanh trong và thơ mộng, ngắm những người dân chài lưới trên thuyền độc mộc mỗi khi chiều buông hoặc trong nắng sớm.
Để Kon Kơ Tu là điểm đến ấn tượng
Làng cổ Kon Kơ Tu có được như ngày hôm nay phải kể đến công lao của chính quyền địa phương trong việc quy hoạch ngôi làng thành làng du lịch cộng đồng. Nhiều hộ dân đã mạnh dạn vay vốn sửa nhà làm homestay phục vụ du khách. Bên cạnh đó, UBND xã Đăk Rơ Wa đứng ra tổ chức đưa người dân đi trải nghiệm thực tế và tập huấn mô hình du lịch tại tỉnh khác; đồng thời liên kết với Trường cao đẳng Cộng đồng tỉnh Kon Tum đào tạo, cấp chứng chỉ dịch vụ nhà hàng cho 25 học viên trong làng.
Sau khi trở thành làng du lịch sinh thái, làng Kon Kơ Tu kết nối du khách với người dân địa phương thông qua các homestay theo hình thức cùng ăn, cùng ở. Nhờ đó mà du khách không chỉ được trải nghiệm ngủ đêm trong ngôi nhà sàn truyền thống của người Ba Na, mà còn trải nghiệm văn hóa qua việc học cách nấu ăn bên bếp lửa ấm trong nhà, thưởng thức các món đặc sản Tây Nguyên như: cơm lam, gà nướng, xiên heo, rượu cần… từ đó có cơ hội hòa nhập và tìm hiểu sâu đời sống sinh hoạt thường ngày của người dân tộc thiểu số nơi đây. Cũng từ đây, cuộc sống dân làng Kon Kơ Tu bước sang một trang mới khi mỗi năm đón tiếp hàng chục ngàn du khách.
Dẫu vậy, như bao làng quê khác, nhiều nét văn hóa truyền thống của làng Kon Kơ Tu cũng đang đứng trước nguy cơ mai một khi nền kinh tế thị trường đang dần làm mất đi những ngôi nhà sàn ít ỏi còn sót lại; trong khi đó, những ngôi nhà sàn bằng gỗ quý hiếm đang có nguy cơ bị mất dần. Bên cạnh đó, nghề truyền thống dệt vải, đan gùi đang có xu hướng thương mại hóa và du lịch hóa khi người dân chỉ làm ra các sản phẩm đơn điệu và chạy theo số lượng.
Làng cũng đối mặt với nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên rừng bao bọc xung quanh khi người dân vẫn còn duy trì tập tục đốt rừng làm nương rẫy. Do đó, để bảo tồn và phát huy lợi thế, thế mạnh về văn hóa, du lịch của làng, chính quyền tỉnh Kon Tum cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ văn hóa truyền thống của đồng bào; đồng thời tổ chức hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong làng phục hồi các lễ hội truyền thống.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/ngoi-lang-co-ben-dong-dak-bla-i721454/