Ngôi miếu ở Hải Phòng nức tiếng bởi pho tượng 'đứng lên, ngồi xuống'

Pho tượng tại miếu Bảo Hà (TP Hải Phòng) có thể 'đứng lên, ngồi xuống' nhẹ nhàng, khoan thai được xem là một trong số những pho tượng quý, hiếm tại Việt Nam.

Miếu Bảo Hà (hay còn gọi là miếu Cả ở thôn Bảo Hà, xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo) ngoại thành Hải Phòng. Miếu có không gian khá yên tĩnh, đem lại cảm giác thư thái, yên bình cho người dân và du khách đến chiêm bái, thưởng ngoạn cảnh sắc.

Theo Ban khánh tiết miếu Bảo Hà, tên chữ Hán của miếu là Tam Xã Linh Từ. Ngôi miếu cổ hơn 700 tuổi này được xây dựng để thờ Đại vương Lý Linh Lang (chính sử ghi là Lý Hoằng Chân). Thái tử Lý Linh Lang là con thứ của vua Lý Thái Tông.

Ở miếu Bảo Hà có 2 pho tượng Đức Linh Lang Đại vương tại Cung Nhất, Cung Nhì nổi tiếng khắp trong, ngoài nước. Tại Cung Nhất, pho tượng Đức Linh Lang Đại vương có thể "đứng lên, ngồi xuống". Pho tượng này được tạc cao 1,7m, nét mặt tượng khôi ngô, đầu đội vương miện, thân khoác áo lụa bào. Tượng được đặt ngồi trên ngai vàng, tay cầm văn tự. Mỗi khi vị Thủ từ của miếu mở cửa cung, pho tượng có thể đứng lên một cách nhẹ nhàng và ngồi xuống từ từ, khoan thai.

Clip ghi lại cảnh pho tượng "đứng lên, ngồi xuống" tại Cung Nhất, miếu Bảo Hà (thôn Bảo Hà, xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng).

Chia sẻ về sự độc đáo của pho tượng “đứng lên, ngồi xuống” nức tiếng bấy lâu, ông Bùi Trọng Ngoan, Phó trưởng Ban khánh tiết miếu Bảo Hà cho biết: "Chính sự thông minh, tài hoa của những nghệ nhân khi kết hợp giữa nghệ thuật tạc tượng và nghệ thuật múa rối cạn đã tạo nên sự độc đáo của pho tượng. Hệ thống truyền lực kéo đẩy nối giữa cánh cửa tại Cung Nhất với các khớp của pho tượng. Bằng nguyên tắc “cánh tay đòn”, khi mở cánh cửa sẽ truyền lực lên pho tượng, bức tượng dần đứng lên. Ngược lại, khi đóng cửa, bức tượng lại trở về tư thế ngồi ban đầu”.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, tượng bị phá hỏng nặng. Ngày nay, những người thợ tài hoa làng Bảo Hà đã phục chế lại tượng. Hai bên bức tượng Đức Linh Lang Đại vương có 4 tượng mỹ nữ đứng hầu cũng thuộc nhóm tượng tuyệt khéo do các bậc thợ tài hoa của quê hương xưa tạo dựng.

Tại Cung Nhì, pho tượng Đức Linh Lang Đại vương vận áo Long Cổn, đầu đội mũ Bình Thiên toát ra vẻ uy nghiêm của vị chân Chúa. Hai bên là tượng quan văn, quan võ đứng chầu và đôi câu đối có trên trăm năm tuổi nói về sự phát tích của Nhà Thánh.

Trước bệ tượng có một giếng với đường kính rộng độ nửa mét gọi là giếng “mắt rồng”. Thời xưa, nếu thả quả bưởi xuống giếng, quả bưởi có thể trôi xa ra tận sông Vĩnh Trinh cách khoảng 400 - 500m. Hiện nay, do kiến tạo của mạch đất nên quả bưởi còn trôi xa độ 30 - 40m ra ngay hồ trước cửa miếu.

Ngoài 2 pho tượng quý trên, miếu còn thờ cụ Tổ sư làng nghề tạc tượng Nguyễn Công Huệ. Tượng của Tổ sư đặt trên bệ với đôi mắt sáng tinh anh “thông tuệ khác thường”, dáng vẻ oai phong nhưng phúc hậu, gần gũi.

Ông Phạm Văn Ngọc, Chủ tịch UBND xã Đồng Minh cho biết: Năm 2004, nhân dân Bảo Hà đã xây dựng lại Bái đường của miếu theo dáng dấp xưa. Hiện, miếu còn lưu giữ được 8 đạo sắc phong qua các triều đại và 1 thần phả. Theo kế hoạch của UBND TP Hải Phòng, miếu Bảo Hà sẽ được tu bổ, tôn tạo vào năm 2026. Thành phố sẽ hỗ trợ không quá 25% tổng mức đầu tư được phê duyệt và không quá 1 tỷ đồng. Số còn lại sẽ huy động từ nguồn lực xã hội hóa.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Huy Thưởng, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hải Phòng chia sẻ: Hầu hết các khách tàu biển vào cảng Hải Phòng nếu có nhu cầu thăm thú, du lịch thì chắc chắn sẽ lựa chọn ngôi miếu làm điểm đến. Điều này chứng tỏ, miếu Bảo Hà vẫn có một nét độc đáo và sức hút riêng.

Trước đó, năm 1991, miếu Bảo Hà được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Đây cũng là một điểm du lịch, du khảo đồng quê tiêu biểu của ngoại thành Hải Phòng.

Dưới đây là một số hình ảnh ghi nhận tại miếu Bảo Hà vào dịp đầu xuân Giáp Thìn 2024:

Miếu Bảo Hà (hay còn gọi là miếu Cả thôn Bảo Hà, xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo).

Miếu Bảo Hà (hay còn gọi là miếu Cả thôn Bảo Hà, xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo).

Tại Cung Nhất, pho tượng Đức Linh Lang Đại vương trong tư thế ngồi khoan thai.

Tại Cung Nhất, pho tượng Đức Linh Lang Đại vương trong tư thế ngồi khoan thai.

Pho tượng có thể "đứng lên" nhờ nguyên tắc "cánh tay đòn".

Pho tượng có thể "đứng lên" nhờ nguyên tắc "cánh tay đòn".

Ông Bùi Trọng Ngoan, Phó trưởng Ban khánh tiết miếu Bảo Hà lý giải với du khách về nguyên tắc "cánh tay đòn".

Ông Bùi Trọng Ngoan, Phó trưởng Ban khánh tiết miếu Bảo Hà lý giải với du khách về nguyên tắc "cánh tay đòn".

Tại Cung Nhì, pho tượng Đức Linh Lang Đại vương thứ hai vận áo Long Cổn.

Tại Cung Nhì, pho tượng Đức Linh Lang Đại vương thứ hai vận áo Long Cổn.

Người dân thành tâm đến miếu cầu may mắn, bình an.

Người dân thành tâm đến miếu cầu may mắn, bình an.

Phương Thanh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ngoi-mieu-o-hai-phong-nuc-tieng-boi-pho-tuong-dung-len-ngoi-xuong-10273702.html