Ngồi nhiều tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer
Một nghiên cứu mới đây cho thấy người lớn tuổi ít vận động có khả năng nhận thức kém và não bộ có những thay đổi liên quan đến nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.
Nghiên cứu, công bố mới đây trên tạp chí Alzheimer's & Dementia, chỉ ra rằng người lớn tuổi dành nhiều thời gian ngồi và nằm có chức năng nhận thức suy giảm, đồng thời các phần não liên quan đến Alzheimer cũng bị teo nhỏ.
Mối liên hệ giữa ít vận động và Alzheimer
Tác giả nghiên cứu Marissa Gogniat, Phó giáo sư Khoa Thần kinh học tại Đại học Pittsburgh, muốn tìm hiểu liệu mức độ hoạt động hàng ngày có ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh Alzheimer hay không, dù đã có nhiều nghiên cứu chứng minh tập thể dục giảm nguy cơ mất trí nhớ.
Bà Gogniat đã nghiên cứu 404 người lớn tuổi. Họ được theo dõi hoạt động trong một tuần bằng thiết bị đeo tay và trải qua nhiều đợt đánh giá thần kinh, chụp MRI não trong 7 năm. Trung bình, những người này dành khoảng 13 giờ mỗi ngày để ngồi hoặc nằm.
Kết quả cho thấy, bất kể mức độ tập thể dục, những người ít vận động có: trí nhớ theo giai đoạn kém hơn, điểm số thấp hơn trong các bài kiểm tra nhận thức, giảm thể tích một số vùng não, và dấu hiệu hình ảnh thần kinh của Alzheimer nhỏ hơn (liên quan đến nguy cơ suy giảm nhận thức trong tương lai).
Mối liên hệ này càng rõ rệt ở những người mang yếu tố nguy cơ di truyền của bệnh (alen APOE-ε4).
Vì sao ngồi nhiều làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer?
Hiện chưa có câu trả lời chắc chắn. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu giải thích: "Sức khỏe não bộ liên quan chặt chẽ đến sức khỏe mạch máu và trao đổi chất, và tình trạng không hoạt động lâu dài có thể gây tác động tiêu cực đến các hệ thống này."
Theo các nhà nghiên cứu, việc ngồi lâu có thể dẫn đến: tăng viêm, giảm lưu lượng máu đến não, suy yếu chuyển hóa glucose hoặc lipid, giảm tính dẻo của khớp thần kinh (khả năng thích nghi và thay đổi của não), và thay đổi độ nhạy insulin. Tất cả những yếu tố này "có thể góp phần gây ra chứng thoái hóa thần kinh".
Tập thể dục có giúp giảm thiểu rủi ro?
Dù lợi ích nhận thức của tập thể dục đã được biết, nghiên cứu cho thấy tăng cường hoạt động thể chất dường như không tạo ra sự khác biệt rõ rệt trong nguy cơ mắc bệnh Alzheimer của những người tham gia.
Điều này không có nghĩa tập thể dục không quan trọng. Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh: tập thể dục vẫn là "một tác nhân điều biến mạnh mẽ đối với sức khỏe não bộ", giúp giảm viêm, hỗ trợ chức năng mạch máu và trao đổi chất, cũng như tăng cường hình thành tế bào thần kinh mới.
Nói cách khác, tập thể dục và hành vi ít vận động không phải là hai mặt của cùng một vấn đề. Một người có thể tập thể dục hàng ngày nhưng vẫn có lối sống ít vận động.
Tăng cường vận động hàng ngày
Nghiên cứu mới nhất này, cùng các nghiên cứu tương tự, cho thấy vận động là cách cực kỳ quan trọng để bảo vệ sức khỏe nhận thức, đặc biệt với những người có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer hoặc chứng mất trí nhớ.
Điều này không có nghĩa bạn phải chạy marathon hay tập thể dục hàng giờ mỗi ngày. Thay vào đó, hãy nghĩ đến những cách để phá vỡ thời gian ngồi yên, bà Gogniat khuyên.
Nguồn PLO: https://plo.vn/video/ngoi-nhieu-tang-nguy-co-mac-benh-alzheimer-post855306.html