Ngôi vương ngành công nghệ của Mỹ bị đe dọa nghiêm trọng
Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới về công nghệ AI, nhưng đã có những dấu hiệu cho thấy cường quốc công nghệ đang mất dần lợi thế trước Trung Quốc trong các lĩnh vực điện toán tiên tiến khác.
Trong vài tháng kể từ khi OpenAI đã chính thức ra mắt chatbot trí tuệ nhân tạo ChatGPT vào tháng 11/2022, công nghệ này đã lập tức trở thành cơn sốt với người dùng trên toàn thế giới
Thế nhưng, ít ai biết rằng hầu hết đột phá hào nhoáng trong khoa học và công nghệ đều phụ thuộc vào những thứ kém hấp dẫn hơn nhiều.
Đó chính là các nguyên tắc cơ bản của máy tính, bao gồm thuật toán, những kiến trúc máy tính khác nhau và chip silicon mới.
Mỹ đã thống trị phần lớn lĩnh vực này kể từ những ngày đầu tiên mà điện toán phát triển. Tuy nhiên, trong một báo cáo mới đây, các học giả nghiên cứu về những tiến bộ trong khoa học máy tính cho biết vị trí dẫn đầu của Mỹ về điện toán tiên tiến đã suy giảm đáng kể trong 5 năm qua, đặc biệt là khi so sánh với Trung Quốc.
Lép vế về nghiên cứu
Theo kết quả được Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) công bố ngày 2/3, Trung Quốc đang vượt trội Mỹ ở 37/44 các lĩnh vực công nghệ then chốt, thuộc những lĩnh vực gồm quốc phòng, chinh phục không gian, robot, năng lượng, môi trường, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo, vật liệu tiên tiến và công nghệ lượng tử.
Nước Mỹ hiện chỉ còn đứng đầu về đổi mới ở 7 hạng mục công nghệ, nổi bật có thể kể đến như điện toán lượng tử, vaccine và đứng thứ hai sau Trung Quốc trong hầu hết lĩnh vực khác.
Được biết, báo cáo của ASPI dựa trên 2,2 triệu trích dẫn nghiên cứu được công bố trong các bài báo học thuật hàng đầu giai đoạn từ 2018-2022.
Trả lời ABC, đồng tác giả của báo cáo, Jamie Gaida cho biết mặc dù lợi thế nghiên cứu của Trung Quốc có thể sẽ không chuyển thành ưu thế công nghệ ngay bây giờ, nhưng Bắc Kinh đã xây dựng nền tảng hoàn hảo để định vị mình là cường quốc khoa học và công nghệ hàng đầu thế giới.
Một chi tiết được ASPI nhấn mạnh rằng Trung Quốc đặc biệt chiếm ưu thế về nghiên cứu cho các lĩnh vực quốc phòng, an ninh và không gian.
Cụ thể, nước này chiếm tới 48% các tài liệu nghiên cứu hàng đầu về động cơ máy bay tiên tiến. Báo cáo cho thấy các nhà khoa học Trung Quốc đã xuất bản tới một nửa số tài liệu nghiên cứu hàng đầu về động động cơ siêu thanh.
Ngoài ra, máy bay không người lái, công nghệ tự lái, hệ thống quang học tiên tiến, công nghệ nhân tạo và máy học cũng được đất nước tỷ dân đầu tư mạnh mẽ.
WSJ nhận định kết quả từ ASPI là tín hiệu rõ rệt cho thấy Trung Quốc bắt đầu có thành quả trong nỗ lực vượt qua Mỹ về khoa học kỹ thuật và các công nghệ tiên tiến.
Theo số liệu từ Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới, Trung Quốc lần đầu vượt qua Mỹ về số lượng bằng sáng chế hàng năm vào 2011. Đến 2021, tổng số sáng chế của Trung Quốc đạt 1,58 triệu, cao gấp đôi Mỹ.
Đánh mất ngôi vương
Mỹ cũng không còn là nơi sản xuất nhiều chip máy tính tiên tiến nhất thế giới nữa, một quy trình liên quan đến việc khắc mẫu cực kỳ phức tạp vào silicon bằng các kỹ thuật tinh vi.
Thay vào đó, Apple và nhiều công ty khác đang phải nhờ đến TSMC, gã khổng lồ chip nhớ của Đài Loan hoặc Samsung ở Hàn Quốc để gia công chip.
Sự tụt lùi đáng kể này cũng là lý do vì sao Đạo luật về Chip và Khoa học trị giá gần 53 tỷ USD do đích thân Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành vào tháng 8/2022.
Đạo luật lưỡng đảng này nhằm tăng cường sức cạnh tranh của Mỹ với Trung Quốc trên thị trường sản xuất chip. Việc này đồng nghĩa với hàng tỷ USD sẽ được đầu tư vào các doanh nghiệp công nghệ nước này.
Mặc dù vậy, tình hình vẫn chưa được cải thiện. Theo báo cáo từ MIT và công ty đầu tư Silicon Catalyst, thị phần của nước Mỹ về những chiếc siêu máy tính mạnh nhất thế giới đã giảm đi rất nhiều trong 5 năm qua.
Ngoài việc đánh mất sự thống trị về siêu máy tính, ở lĩnh vực nghiên cứu về đổi mới thuật toán, chẳng hạn như giải thưởng Gordon Bell (giải thưởng tôn vinh các nhà khoa học xuất sắc nghiên cứu về máy tính tiên tiến), Mỹ cũng lép vế hoàn toàn trước những kỹ sư Trung Quốc.
“Vị trí dẫn đầu của Mỹ về điện toán tiên tiến gần như không còn nữa”, tiêu đề do các chuyên gia của MIT đặt ngay đầu báo cáo.
Thực tế, những phát hiện này hầu như không gây ngạc nhiên với các chuyên gia. Trong những thập kỷ gần đây, Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ kinh tế lớn, thông qua việc thúc đẩy các trường đại học và ngành công nghệ, đồng thời biến nước này trở thành trụ cột đổi mới trong sản xuất cho nhiều doanh nghiệp Mỹ.
Khi dầu mỏ trở thành trụ cột của các nền kinh tế công nghiệp vào những năm 1900, Mỹ lập tức nắm bắt cơ hội và trở thành một trong những nhà sản xuất lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, đảm bảo nguồn cung cho chất bán dẫn lại phức tạp hơn. Khác với mọi thùng dầu đều giống nhau, chất bán dẫn có nhiều loại, với rất nhiều mức giá khác nhau và phụ thuộc vào chuỗi cung ứng nhiều lớp trải dài với hàng nghìn đầu vào từ nhiều quốc gia.
Xét trên quy mô kinh tế, Mỹ gần như không thể tự sản xuất tất cả mọi thứ trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Phần lớn con chip tiên tiến trên thế giới ngày nay được sản xuất tại đảo Đài Loan. Do đó, có lo ngại nếu xảy ra xung đột, chuỗi cung ứng chất bán dẫn có thể bị gián đoạn, khiến ngành công nghệ Mỹ gặp bất lợi.
Những báo cáo gần đây đều đã nêu rõ sự sa sút đáng kể của nước Mỹ về đổi mới. Gần như đây sẽ là điều mà các nhà hoạch định chính sách nước Mỹ cực kỳ quan tâm, đặc biệt là khi những tiến bộ trong điện toán đóng vai trò then chốt để đạt được những tiến bộ trong các lĩnh vực quan trọng như năng lượng, khoa học khí hậu và y học do khả năng mô hình hóa siêu việt của máy tính.