'Ngọn lửa' văn hóa Xơ Đăng
Nghệ nhân ưu tú Y Sinh (67 tuổi) là nghệ nhân nữ duy nhất của dân tộc Xơ Đăng hiện nay vừa biết chơi đàn, vừa làm đàn thành thạo. Với suy nghĩ 'còn người, còn nhạc, còn văn hóa', bà Y Sinh đang nỗ lực bảo tồn và truyền dạy cho thế hệ trẻ trong bản cách chơi nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình.

Nghệ nhân ưu tú Y Sinh chế tác nhạc cụ tre nứa
Gìn giữ nhạc cụ truyền thống
Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Y Sinh sinh ra và lớn lên ở xã Đăk Ang, trước đây thuộc huyện Đăk Tô, nay là huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Bà hiện là Trưởng Ban cộng đồng các dân tộc đang sinh sống và làm việc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Hà Nội), đồng thời là người điều hành mọi sinh hoạt chung trong Làng.
Từ nhỏ, bà đã được đắm mình trong những lễ hội của người Xơ Đăng, âm thanh cồng chiêng rộn ràng, tiếng đàn K'lông Pút ngân vang trên nương rẫy. Không có trường lớp để học bài bản, Y Sinh lặn lội tìm đến các già làng, nghệ nhân cao tuổi để học cách thổi, cách làm nhạc cụ.
Đặc biệt, bà dành nhiều tâm huyết với đàn K'lông Pút, loại nhạc cụ độc đáo phát ra âm thanh bằng… hơi gió từ đôi bàn tay vỗ nhẹ vào ống nứa. Y Sinh còn tìm hiểu rồi tự chế tác đàn Klông Pút, dần trở thành nghệ nhân chế tác đàn Klông Pút điêu luyện.
"Tiếng đàn K'lông Pút không chỉ là âm thanh của đại ngàn mà còn là lời tự sự của người Xơ Đăng về cuộc sống, tình yêu quê hương", NNƯT Y Sinh chia sẻ.
Là giáo viên, từ năm 2000 đến 2011, bà Y Sinh còn đảm nhiệm nhiều vị trí, trong đó có 2 nhiệm kỳ giữ chức Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Đắk Tô. Với những nỗ lực của bà, phong trào phụ nữ tại Đắk Tô ngày càng khởi sắc, từ những chương trình hỗ trợ sinh kế đến các hoạt động bảo tồn văn hóa.
Dù bận rộn như vậy nhưng bà vẫn nhiệt tình tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, nhất là biểu diễn nhạc cụ dân tộc Xơ Đăng tại địa phương mỗi khi có dịp. Không chỉ dừng ở đàn K'lông Pút, bà Y Sinh còn tự học và thành thạo nhiều nhạc cụ truyền thống khác như chiêng, đàn T'rưng, trống và nhiều bài dân ca cổ Xơ Đăng đang có nguy cơ mai một.
Bà còn truyền dạy cho thanh niên trong bản với mong muốn "còn người, còn nhạc, còn văn hóa".
Hành trình lan tỏa âm vang đại ngàn
Năm 2019, sau khi nghỉ hưu, thay vì an nhàn tuổi già, nghệ nhân Y Sinh lại đưa ra một quyết định táo bạo: Rời mảnh đất Kon Tum ra Thủ đô Hà Nội, tham gia gây dựng và điều hành Làng Xơ Đăng tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Hà Nội).
"Tôi không chỉ muốn lưu giữ cho riêng mình mà muốn cả nước, cả thế giới biết đến văn hóa Xơ Đăng - một nền văn hóa đầy bản sắc", NNƯT Y Sinh chia sẻ.
Tại đây, bà đã nhiệt tình chỉ dạy cho người trẻ từng nốt đàn, điệu múa, gây dựng lớp nghệ nhân trẻ tham gia vào hoạt động biểu diễn tại Làng. Bà trở thành gương mặt quen thuộc trong các hoạt động giao lưu văn hóa.
Những nhịp đàn K'lông Pút, chiêng, đàn T'rưng do bà thể hiện không chỉ vang lên trong các lễ hội, sự kiện mà còn trong lòng của hàng vạn du khách trong và ngoài nước có dịp đến thăm Làng.
Bà Y Sinh không chỉ thuộc nằm lòng nhiều bài dân ca của đồng bào Xơ Đăng mà còn viết lời mới cho những làn điệu dân ca ấy. Bởi những bài hát dân gian trước đây chủ yếu được truyền miệng nên có nguy cơ mai một. Bà hiểu rằng, muốn bảo tồn văn hóa dân tộc thì phải truyền lại cho thế hệ sau một cách dễ hiểu, dễ cảm thụ, để văn hóa được đánh thức và lan tỏa.
Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/ngon-lua-van-hoa-xo-dang-20250522155134618.htm