Ngổn ngang sau kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII

Sau gần 1 năm phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), ngày 1/4 vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch này.

Phản hồi đề xuất của UBND tỉnh Trà Vinh về vấn đề mời gọi đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án điện trên địa bàn tỉnh này vào ngày 29/5 vừa qua, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đã thông tin: Trong quá trình xây dựng Nghị định số 23/2024/NĐ-CP ngày 27/2/2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực, Bộ KHĐT đã rà soát pháp luật về điện lực.

Đồng thời trao đổi với Bộ Công Thương để xác định dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu nhưng căn cứ vào kết quả rà soát và ý kiến phản hồi của Bộ Công Thương, thì phạm vi điều chỉnh của Nghị định trên sẽ không bao gồm dự án thuộc lĩnh vực năng lượng, trong đó có dự án xây dựng nhà máy điện. Do đó, trường hợp các dự án năng lượng có nhiều nhà đầu tư quan tâm, cơ quan thẩm quyền cần tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư trong số những nhà đầu tư đã nộp hồ sơ hợp lệ.

Nhà máy nhiệt điện khí Nhơn Trạch 3,4 bị chậm tiến độ.

Nhà máy nhiệt điện khí Nhơn Trạch 3,4 bị chậm tiến độ.

Theo Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương, trong quyết định phê duyệt thực hiện Quy hoạch điện VIII, Thủ tướng đã giao Bộ KHĐT phối hợp xây dựng cơ chế đấu thầu để lựa chọn các nhà đầu tư thực hiện dự án điện. Song việc này phải chờ sau khi Bộ Công Thương đề xuất căn cứ pháp lý, phương pháp, tiêu chuẩn đánh giá liên quan đến đặc thù của các dự án trong lĩnh vực năng lượng.

Đến thời điểm này, kế hoạch phát triển nguồn điện áp dụng cho 10 năm chỉ còn lại 6,5 năm. Trong khi đó, để bắt tay thực hiện các dự án điện là không hề đơn giản khi các dự án quy mô lớn phải mất rất nhiều thời gian chuẩn bị. Việc thực hiện Quy hoạch điện VIII đang đặt ra một áp lực rất lớn cho các cơ quan có trách nhiệm, nhất là trong bối cảnh các quy định về chuyển đổi năng lượng ngày càng hiện hữu ở các nhà đầu tư FDI.

"Một trong các nhu cầu chính của tất cả các doanh nghiệp và bất kỳ nhà đầu tư nào trong tương lai đó là nhu cầu về sự ổn định của nguồn cung cấp năng lượng và khả năng tiếp cận năng lượng tái tạo ngay lập tức", ông Joseph Uddo, Chủ tịch Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam đã phát biểu tại hội nghị do cộng đồng doanh nghiệp FDI tổ chức mới đây.

Câu chuyện xảy ra tại Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3, 4 chậm hoàn thành không chỉ ảnh hưởng đến sản lượng điện của hệ thống, đẩy nhà đầu tư đối mặt với chuyện bị cắt hợp đồng vốn vay nước ngoài mà còn gây thiệt hại trực tiếp cho nhà đầu tư khoảng 13 tỷ đồng mỗi ngày đã cho thấy một điều: Ngay cả khi pháp lý dự án đã đầy đủ, thì việc triển khai các nhà máy điện quy mô lớn cũng không hề đơn giản. Đáng chú ý, cả chủ đầu tư dự án điện trên và nơi xảy ra vướng mắc khiến dự án chậm tiến độ đều thuộc những doanh nghiệp có vốn Nhà nước.

Cụ thể, dự án phát triển nguồn điện trên có tổng vốn đầu tư lên đến 1,4 tỷ USD, công suất 1.624MW do Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư. Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3, 4 cũng là dự án nhiệt điện sử dụng nhiên liệu khí LNG đầu tiên của cả nước. Theo kế hoạch, Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 sẽ phát điện thử nghiệm vào tháng 5/2024, vận hành thương mại vào tháng 11/2024 nhưng đã bị vướng mắc trong giải phóng mặt bằng khiến nhà máy chậm tiến độ khoảng 6 tháng.

Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 4 dự kiến phát điện thử nghiệm tháng 11/2024 và thương mại vào tháng 5/2025 cũng bị vướng do 30,7ha mặt bằng liên quan đến diện tích đất thuộc KCN Ông Kèo của Tổng Công ty Tín Nghĩa. Lý do dẫn đến tình trạng trên là việc phải cắt tuyến đường số 4 trong KCN Ông Kèo để phục vụ thi công tuyến kênh xả nước làm mát cho dự án điện và 2 doanh nghiệp chưa thống nhất được phí sử dụng hạ tầng KCN.

Đến thời điểm này các dự án năng lượng xanh trong Quy hoạch điện VIII cũng đang phải chờ chính sách. Trong khi đó các dự án LNG, Hydrogen đều mất rất nhiều thời gian từ khâu chuẩn bị cho đến khi chính thức triển khai nên nhà đầu tư cho rằng sự rõ ràng trong các cơ chế, chính sách là điều kiện tiên quyết. Trong tổng công suất nguồn điện phục vụ nhu cầu trong nước, điện gió trên bờ là 21.880MW (chiếm 14,5% trong tổng công suất nhà máy điện) và điện gió ngoài khơi 6.000MW (chiếm 4% trong tổng công suất nhà máy điện) nhưng hiện tại kế hoạch thực hiện mới chỉ có quy mô công suất theo vùng, vẫn chưa thể chọn chủ đầu tư để triển khai dự án cụ thể.

Ông T.Q, đại diện một nhà đầu tư phát triển nguồn điện nhận xét, các dự án điện gió ngoài khơi với tổng công suất như trên được đặt mục tiêu đưa vào vận hành từ nay đến năm 2030 là rất khó khả thi. Bởi, từ khi chuẩn bị đầu tư dự án cho đến lúc đưa vào vận hành nguồn điện này không dưới 7-8 năm, có khi phải mất 10 năm. Vì vậy, các dự án điện gió trên bờ vẫn là phương án khả thi về mặt tiến độ nhất so với quy hoạch. Để thúc đẩy tiến độ phát triển dự án năng lượng xanh, các khung chính sách pháp lý cho dự án cũng cần phải được điều chỉnh, thay đổi phù hợp để tạo thuận lợi đủ để thu hút các nguồn vốn xanh đến từ nước ngoài.

Để tạo ra sức hút với nhà đầu tư vào các dự án điện, thời điểm này vấn đề giá mua bán điện cũng trở nên cấp thiết khi các nhà đầu tư cần cơ chế giá phù hợp để có thể tính toán hiệu quả đầu tư. Đặc biệt, quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa nhà máy điện với khách hàng đang được đưa ra lấy ý kiến cũng được nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực phát triển nguồn điện quan tâm. Khi có cơ chế này, các chủ đầu tư nhà máy điện sẽ có cơ hội bán điện trực tiếp cho doanh nghiệp sử dụng điện mà không phải thông qua EVN. Đây là điều đang được các nhà đầu tư chờ đợi vì đó sẽ là cơ sở tính toán về biên độ lợi nhuận cho các dự án, tạo sức hấp dẫn của việc đầu tư vào các dự án năng lượng.

Bảo Sơn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/ngon-ngang-sau-ke-hoach-thuc-hien-quy-hoach-dien-viii-i733436/