Ngôn ngữ thượng lưu một thời và sự thất sủng của tiếng Pháp ở Morocco

Một nghiên cứu cho thấy tiếng Anh ngày càng hấp dẫn với giới trẻ Morocco, trong khi những người thượng lưu nói tiếng Pháp một thời cảm thấy 'bị phản bội'.

 Morocco sẽ gặp Pháp trong trận bán kết World Cup 2022, và lịch sử của hai nước sẽ phủ bóng lên trận cầu. Ảnh: Reuters.

Morocco sẽ gặp Pháp trong trận bán kết World Cup 2022, và lịch sử của hai nước sẽ phủ bóng lên trận cầu. Ảnh: Reuters.

Có một thời giới thượng lưu Morocco được gọi là Francophones (người nói tiếng Pháp) và Francophiles (người thân Pháp). Nhưng đến năm 2021, một số người Morocco đã phát động một chiến dịch online nhằm biến tiếng Anh trở thành ngoại ngữ thứ nhất của nước này, thay vì tiếng Pháp như hiện tại.

Kể từ khi giành được độc lập khỏi Pháp vào năm 1956, Morocco duy trì mối quan hệ ngoại giao, kinh tế và văn hóa bền chặt với Pháp. Việc gắn bó với tiếng Pháp là một điều hiển nhiên. Hơn 6 thập kỷ sau ngày Morocco tuyên bố độc lập khỏi Pháp, vẫn có khoảng 33% người Morocco có thể sử dụng tiếng Pháp, và trong số đó có 13,5% người thông thạo, theo Tổ chức các nước nói tiếng Pháp.

Dù không phải ngôn ngữ chính thức, tiếng Pháp vẫn là ngoại ngữ đầu tiên học sinh Morocco được học và là ngôn ngữ ưu tiên của giáo dục đại học. Hicham Sebti, Giám đốc Trường Kinh doanh Euromed Fès, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu châu Âu, Địa Trung Hải và châu Phi (RIEMAS), miêu tả trên The Conversation rằng tiếng Pháp xuất hiện trên mặt tiền của các tòa nhà công cộng, tòa nhà tư nhân. Ngôn ngữ này cũng được sử dụng rộng rãi trong chính trị, kinh doanh.

Tuy nhiên, nhiều người Morocco hiện nay không còn mặn mà với tiếng Pháp, nhất là những người trẻ tuổi. Một nghiên cứu của British Council, năm 2021 cho thấy phần lớn thanh niên nước này ủng hộ thay thế tiếng Pháp bằng tiếng Anh. Khảo sát của British Council trên 1.200 người tuổi từ 15 đến 25 ở các khu vực thành thị trên kháp Morocco cho thấy 40% người trả lời nói rằng tiếng Anh là ngôn ngữ quan trọng nhất nên học, trong khi 10% trả lời tiếng Pháp. (British Council là cơ quan quảng bá văn hóa và giáo dục nhận ngân sách từ chính phủ Anh).

Trong khi đó, chiến dịch bên trên nhận được khoảng 4.000 chữ ký, theo Middle East Eye. Những gia tăng về số lượng những kệ sách tiếng Anh cũng là một minh chứng cho thấy những tác phẩm tiếng Pháp đang "thất thế" tại quốc gia Bắc Phi.

Chọn ngôn ngữ dựa trên cơ hội

Để tìm hiểu lý do những người trẻ Morocco rời bỏ tiếng Pháp để chọn tiếng Anh, tác giả Hicham Sebti trong bài viết trên The Conversation đã khảo sát với các nhóm sinh viên năm nhất của một trường kinh doanh.

Các sinh viên được chia thành từng nhóm phản ánh sự đa dạng trong xã hội, gồm những em thuộc tầng lớp thượng lưu, những em có học bổng và chia thành các nhóm thông thạo tiếng Pháp, tiếng Anh (một số sinh viên thể hiện niềm yêu thích đặc biệt với một trong hai ngôn ngữ).

Câu trả lời của các sinh viên này cho thấy mối quan hệ mâu thuẫn với tiếng Pháp. Ông Sebti đã xác định 3 động cơ xã hội và chính trị khiến sinh viên thích tiếng Anh hơn.

Thứ nhất, những người trẻ mong muốn tìm kiếm sự thiết thực ở ngoại ngữ. Thứ hai là sự thay đổi ở nhóm người ưu tú trong xã hội. Thứ ba là sự kỳ thị về mặt ngôn ngữ giữa các tầng lớp.

Với những người Morocco trẻ tuổi, họ thực dụng trong việc sử dụng ngoại ngữ. Ngoại ngữ giúp họ có kiến thức, sự cởi mở với thế giới và cả những cơ hội nghề nghiệp.

Trong cuộc chiến lợi ích này, đối với những người trẻ tuổi ở Morocco, tiếng Anh đang ngày càng lấn át tiếng Pháp.

 Kể từ khi giành được độc lập vào năm 1956, Morocco duy trì mối quan hệ ngoại giao, kinh tế và văn hóa bền chặt với Pháp nhưng đi cùng chính sách đa dạng hóa quan hệ đối tác chính trị và thương mại. Ảnh: Reuters.

Kể từ khi giành được độc lập vào năm 1956, Morocco duy trì mối quan hệ ngoại giao, kinh tế và văn hóa bền chặt với Pháp nhưng đi cùng chính sách đa dạng hóa quan hệ đối tác chính trị và thương mại. Ảnh: Reuters.

Tiếng Anh được coi là ngôn ngữ dễ tiếp cận và dễ học, đặc biệt là vì những nội dung, văn hóa bằng tiếng Anh được phổ biến rộng rãi hơn. Netflix, YouTube và mạng xã hội là những phương tiện vừa để giải trí, vừa để học ngôn ngữ.

Tiếng Anh cũng được coi là ngôn ngữ quốc tế, giúp mở ra những cơ hội lớn cho việc học tập, du lịch, kinh doanh và giao lưu với mọi người từ khắp nơi trên thế giới.

Ngược lại, tiếng Pháp được mô tả là một loại ngôn ngữ khó học. Nó cũng có mối liên hệ gần như "độc quyền" với Pháp và một số quốc gia hiếm hoi nói tiếng Pháp ở châu Âu và châu Phi.

"Ngôn ngữ mới của giới thượng lưu"

Theo truyền thống, giới thượng lưu Morocco thường được gọi là Francophones (người nói tiếng Pháp) và Francophiles (người thân Pháp). Sự thành công của các cơ sở giáo dục dạy tiếng Pháp và sức nặng kinh tế của những người được chọn vào các cơ sở giáo dục đào tạo cao cấp của Pháp (thường được gọi là Grandes Ecoles) đã chứng thực điều này.

Tuy nhiên, giới thượng lưu Morocco cảm thấy bị phản bội. Vấn đề đầu tiên bắt nguồn từ luật Gueánt vào năm 2011 của Pháp. Luật này cấm những người nước ngoài trẻ tuổi tốt nghiệp từ các trường Grandes Ecoles tiếp cận việc làm tại Pháp. Nếu luật này được bãi bỏ, vết thương lòng của giới thượng lưu Morocco vẫn không thể xóa bỏ.

Vấn đề thứ hai là gần đây số lượng thị thực Pháp cấp cho công dân Morocco giảm mạnh, khiến nhiều người Morocco cảm giác bị chối bỏ. Họ cũng đặt câu hỏi về những đặc quyền Pháp mang lại cho họ.

Gần đây, Morocco cũng chứng kiến sự xuất hiện của một tầng lớp ưu tú mới, nói tiếng Anh nhiều hơn tiếng Pháp. Họ được đào tạo tại các trường đại học ở Mỹ, Anh, Canada. Chính điều này thúc đẩy việc sử dụng tiếng Anh nhiều hơn trong giới kinh doanh và học thuật, cũng như tăng cường mối quan hệ chính trị và kinh tế.

Morocco đã thực hiện chính sách đa dạng hóa quan hệ đối tác chính trị và thương mại. Do đó, Pháp không còn được coi là đối tác kinh tế đặc quyền và là điểm đến mơ ước của những người Morocco trẻ tuổi để theo đuổi việc học.

Từ năm 2012 đến 2019, lượng sinh viên Morocco ở ngoài tăng cao. Trong khi Pháp chỉ ghi nhận mức tăng 3%, những nước khác lại có mức tăng hai chữ số trở lên. Ví dụ Canada 16%, Đức 35%, Ukraine 179%.

Các trường đại học ở Morocco cũng tham gia chính sách đa dạng hóa bằng cách mở rộng các khóa học tiếng Anh và các chương trình trao đổi với trường đại học không nói tiếng Pháp. Theo đó, tiếng Pháp không còn được người trẻ coi là ngôn ngữ của sự thành công trong học tập và nghề nghiệp.

Thái An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ngon-ngu-thuong-luu-mot-thoi-va-su-that-sung-cua-tieng-phap-o-morocco-post1384888.html