'Ngóng' giảm thuế để 'ghìm' giá xăng dầu
Theo các chuyên gia kinh tế, để 'ghìm' giá xăng dầu tăng quá cao, các cơ quan quản lý Nhà nước cần giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) hay thuế giá trị gia tăng (VAT) để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Giảm thuế để kiểm soát lạm phát
Thuế suất thuế TTĐB hiện nay đối với các mặt hàng xăng là 10%, xăng E5 là 8% và xăng E10 là 7%. Mục đích của thuế TTĐB nhắm vào các loại hàng hóa xa xỉ như ô tô, máy bay, du thuyền hoặc sản phẩm không khuyến khích tiêu dùng như rượu, bia, thuốc lá… Tuy nhiên, xăng là mặt hàng thiết yếu với người dân, chịu thuế suất cao không hợp lý. Từ đầu năm đến nay, giá xăng trong nước tăng 13 lần và chỉ trong 2 tháng qua có tới 5 lần lập đỉnh liên tiếp. So với mức điều chỉnh đầu tiên vào ngày 11/1, giá xăng hiện nay đã tăng thêm 37%.
Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội chia sẻ, các doanh nghiệp vận tải đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Giá xăng dầu tăng cao đã được cảnh báo trước, song các chính sách điều chỉnh giảm thuế phí xăng dầu đề xuất quá “nhỏ giọt”. Vì vậy, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần mạnh dạn miễn, ngừng; thay vì giảm, hoãn.
Theo đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc cắt giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) có thể thực hiện ngay từ tháng 7/2022, do vấn đề này thuộc thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Nếu cắt giảm thuế TTĐB hoặc thuế VAT thì phải đợi kỳ họp Quốc hội gần nhất vào cuối năm 2022, như vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô hiện nay. Về lâu dài, đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động của việc bãi bỏ thuế TTĐB đối với xăng, báo cáo Quốc hội vào kỳ họp tới.
“Cần tạm ngưng thu tất cả loại thuế trong cơ cấu giá xăng dầu, chấp nhận hụt thu ngân sách từ 2 - 3 tháng để giảm giá nhiên liệu. Dư địa giảm thuế vẫn còn, nên cần giảm mạnh các loại thuế, sau đó mới tính đến các phương án khác", Chuyên gia kinh tế, PGS TS Nguyễn Thường Lạng (Đại học Kinh tế Quốc dân) đề nghị.
Giải pháp lâu dài
Chuyên gia kinh tế, PGS TS Ngô Trí Long cho rằng, giải bài toán về giá xăng dầu hiện nay không hề dễ, bởi suốt hơn 2 năm COVID-19, Việt Nam đã giảm nhiều khoản thuế, phí, lệ phí. Nếu giảm thêm nhiều khoản thuế đối với xăng sẽ “làm khó” ngân sách Nhà nước (NSNN). Tại Việt Nam, một chính sách phải thực hiện được đa mục tiêu, phải đảm bảo cân đối thu chi như: Chi thường xuyên, chi đầu tư, chi cho an ninh quốc phòng, an sinh xã hội. Vừa qua, Quốc hội đã phê duyệt gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ lớn thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Trong 5 tháng đầu năm đã hỗ trợ hơn 26.000 tỷ đồng, miễn, giảm thuế trên 64.000 tỷ đồng. Đây là con số lớn mà NSNN chi hỗ trợ tổng thể nền kinh tế.
Theo dự báo của Bộ Công thương, giá bình quân các mặt hàng xăng dầu năm 2022 sẽ ở mức 130 - 140 USD/thùng, nên Việt Nam phải chủ động các phương án từ sớm, từ xa, chứ không thể mỗi khi xăng dầu tăng cao lại “ép” giảm thuế. Trước mắt, Bộ Công thương cần tính toán, khuyến khích các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối tìm nguồn xăng dầu giá rẻ để mua, góp phần giảm áp lực giá; khẩn trương khôi phục lại sản xuất của 2 nhà máy lọc dầu trong nước; đồng thời, việc tiết kiệm sử dụng xăng dầu trong bối cảnh giá tăng cao cũng cần được người dân, doanh nghiệp tính toán.
Đề cập về vấn giảm thuế TTĐB, theo đại diện Bộ Tài chính, thời gian tới sẽ không thực hiện điều chỉnh giảm thuế TTĐB đối với xăng. Theo số liệu thống kê năm 2019, giai đoạn trước dịch COVID-19, sản lượng tiêu thụ trong nước của mặt hàng xăng chiếm tỷ trọng khoảng 37% trong tổng sản lượng xăng dầu. Hiện, chỉ có mặt hàng xăng là chịu thuế TTĐB, nếu giảm thuế TTĐB đối với mặt hàng này chưa đạt được mục tiêu hỗ trợ giảm chi phí đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh, vì dầu mới là mặt hàng thiết phục vụ dân sinh hiện nay. Ngoài ra, trường hợp điều chỉnh mức thuế TTĐB đối với xăng thì phải điều chỉnh mức thuế TTĐB tương ứng đối với xăng E5 và xăng E10 cho phù hợp…
Việc thực hiện điều chỉnh đối với thuế TTĐB thuộc thẩm quyền của Quốc hội và thường không thể áp dụng ngay, trong khi giá xăng dầu có những thời điểm biến động nhanh, thời gian ngắn, nên sẽ có độ trễ nhất định. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị trước mắt không thực hiện điều chỉnh giảm thuế TTĐB đối với xăng.
“Giá xăng lập đỉnh liên tục khiến nhiều doanh nghiệp vận tải đứng trước nguy cơ phá sản. Trong trường hợp cấp bách, bất khả kháng, Quốc hội nên trao quyền cho Chính phủ để giảm thuế phí xăng dầu càng sớm càng tốt. Quốc hội và Chính phủ cần lắng nghe thấu đáo tình hình giá cả thị trường để có những quyết định sớm về hạ giá xăng dầu, làm dịu đi nỗi lo của toàn xã hội về tác động của mặt hàng thiết yếu này đối với thị trường.
Tính từ đầu năm đến nay, trong 19 lần điều chỉnh giá xăng dầu thì 13 lần tăng, 6 lần giảm và giá xăng vừa lập đỉnh lịch sử vào ngày 21.6 vừa qua, lên 33.520 đồng/lít xăng RON 95-III và 34.150 đồng/lít xăng RON 95-V tại các tỉnh thành không có cảng biển và thuộc vùng xa. Trong đó, riêng xăng RON 95-III đến nay đã tăng gần 9.000 đồng/lít so với kỳ điều chỉnh ngày 11/1/2022. Nhìn cục diện này có thể thấy đề xuất giảm thuế BVMT với mặt hàng xăng thêm 1.000 đồng/lít của Bộ Tài chính chẳng thấm vào đâu so với tốc độ tăng giá của mặt hàng này”, chuyên gia Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho biết.