Ngọt ngào 'Giai điệu đất phương Nam'

Nằm trong chuỗi sự kiện Tuần Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Long An lần thứ 2 năm 2024, 'Không gian giao lưu văn hóa' được tổ chức nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh Long An đến với du khách trong và ngoài nước. Trong đó, những buổi biểu diễn giao lưu đờn ca tài tử (ĐCTT) với chủ đề Giai điệu đất phương Nam là dịp để các nghệ nhân, tài tử đờn, ca thể hiện tài hoa, tình cảm của người Nam Bộ, góp phần lan tỏa nét đẹp văn hóa dân tộc đến với đông đảo khán giả gần xa.

Trong bối cảnh hiện đại, đờn ca tài tử không ngừng đổi mới để phù hợp với nhu cầu thưởng thức của công chúng

Trong bối cảnh hiện đại, đờn ca tài tử không ngừng đổi mới để phù hợp với nhu cầu thưởng thức của công chúng

"Món ăn" tinh thần bình dị

Từ thuở khai hoang mở cõi, nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ đã trở thành món ăn tinh thần của người dân Nam Bộ, gắn với đời sống văn hóa và tâm hồn người Việt. Với sức hấp dẫn vượt thời gian, loại hình nghệ thuật này được nhiều tầng lớp yêu thích và lan tỏa mạnh mẽ, không chỉ trong nước mà còn vươn xa ra thế giới.

Những lời ca da diết hòa cùng tiếng đờn réo rắt đã làm say lòng biết bao người mộ điệu. Mỗi giai điệu là câu chuyện dung dị nhưng giàu cảm xúc, phản ánh chân thực cuộc sống, tình yêu và những khát vọng của con người. ĐCTT Nam Bộ không chỉ mang đến niềm vui, sự thư thái mà còn là sợi dây gắn kết tình cảm, khơi dậy ký ức về quê hương, vun đắp niềm tự hào về truyền thống văn hóa dân tộc. Trong các buổi biểu diễn giao lưu ĐCTT với chủ đề Giai điệu đất phương Nam, khán giả mãn nhãn với những bản hòa tấu đầy cảm xúc do các nghệ nhân tài hoa như Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Út Bù, NNƯT An Toàn, NNƯT Thanh Việt và nghệ sĩ (NS) Như Nguyệt thể hiện. Những tên tuổi gạo cội này đã mang đến một không gian âm nhạc đậm chất Nam Bộ, khơi dậy tình yêu và niềm tự hào về nghệ thuật truyền thống.

Trong bối cảnh hiện đại, ĐCTT không ngừng đổi mới để phù hợp với nhu cầu thưởng thức của công chúng. Nhiều NS khéo léo kết hợp các yếu tố hiện đại với âm nhạc truyền thống, tạo nên những tác phẩm vừa mới lạ, vừa giữ được hồn cốt dân tộc. Tiêu biểu là vọng cổ nhịp 32 với bài vọng cổ nổi tiếng Kiếp cầm ca, sáng tác bởi NS Nhân dân Viễn Châu, qua phần trình bày đầy cảm xúc của NS Trần Nghĩa Hiệp, mang đến những trải nghiệm khó quên.

Ông Hồ Văn Hơn (phường 7, TP.Tân An) chia sẻ: “ĐCTT góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần. Những chương trình như thế này thực sự ý nghĩa, không chỉ giúp những người lớn tuổi như tôi được thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật hay mà còn tạo cơ hội để thế hệ trẻ tiếp cận, gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của quê hương”.

Giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống

Nói đến ca ra bộ là nói đến nghệ thuật ca kết hợp với diễn xuất, từng câu hát được truyền tải qua cả lời ca lẫn điệu bộ. Đó là sự hòa quyện giữa đờn và ca theo phong cách vừa hoa mỹ, điêu luyện nhưng vẫn giữ được nét phóng khoáng, chân phương. Nam Xuân, Nam Ai, Nam Đảo (hay Đảo Ngũ Cung) là những thể điệu thuộc nhóm ba bài Nam trong ĐCTT Nam Bộ, mỗi điệu mang đến một sắc thái riêng biệt. Hơi Xuân mang lại cảm giác trang nghiêm, ung dung pha chút buồn man mác; hơi Ai thấm đượm nỗi buồn sâu lắng, tỉ tê, bi lụy như tiếng khóc thầm nức nở; còn hơi Đảo là sự kết hợp tinh tế giữa hơi Bắc và hơi Xuân, tạo nên sự giao thoa độc đáo, vừa nhẹ nhàng, vừa sâu lắng.

Tài tử trẻ Huỳnh Lý biểu diễn thể điệu (12 câu) Đảo Ngũ Cung và (8 câu) Nam Xuân bài Non sông thanh bình của NSƯT Huỳnh Khải, chia sẻ: "Không gian giao lưu văn hóa là cơ hội để Long An quảng bá nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ đến với đông đảo công chúng, là dịp để người dân địa phương cũng như du khách gần xa được sống cùng giai điệu ngọt ngào, sâu lắng của miền đất phương Nam. Những giai điệu ấy chính là cội nguồn văn hóa, gắn bó mật thiết với đời sống, tâm hồn người Việt Nam. Tôi hy vọng những đêm biểu diễn trong tuần lễ sẽ góp phần đưa ĐCTT đến gần hơn với giới trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên. Qua đó, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước cũng như giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống mà cha ông đã gìn giữ từ bao đời”.

Có cơ hội dẫn nhiều chương trình, sự kiện liên quan đến ĐCTT, MC Trương Thị Hoài Tâm bày tỏ niềm hạnh phúc, phấn khởi khi thấy nhiều tài năng trẻ tham gia biểu diễn trong không gian giao lưu văn hóa. Theo chị, đó là hy vọng lớn cho sự kế thừa và phát triển nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ. "Long An từ lâu được biết đến là một trong những cái nôi của nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ. Trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh lần này, có hẳn một không gian để tôn vinh loại hình nghệ thuật đặc sắc này là điều mà tôi cũng như những người làm nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ cảm thấy rất hạnh phúc” - chị Tâm chia sẻ.

Nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại năm 2013. Loại hình nghệ thuật này không chỉ là di sản quý giá của vùng đất Nam Bộ mà còn là nhịp cầu kết nối tâm hồn, đưa con người trở về với cội nguồn văn hóa dân tộc. Trải qua bao thăng trầm, những giai điệu mộc mạc, sâu lắng ấy vẫn giữ được vị trí đặc biệt trong lòng người yêu đờn, ca./.

Khánh Duy - Thu Thảo - Hoàng Tuân

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/ngot-ngao-giai-dieu-dat-phuong-nam-a186507.html