Ngọt ngào mật ong Lạc Sỹ
Nhà nuôi ít thì 4 - 5 đàn, nhiều thì lên đến cả trăm đàn. Những năm gần đây, cùng với nghề trồng rừng, nghề nuôi ong lấy mật đã, đang đem lại sự ấm no cho vùng quê nghèo Lạc Sỹ (Yên Thủy). Thứ mật ngọt từ núi rừng này đang có nhiều cơ hội phát triển khi được huyện công nhận sản phẩm đạt chuẩn 3 sao OCOP cấp huyện và trong thời gian tới đưa đi tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Sản phẩm mật ong Lạc Sỹ của HTX nông nghiệp Lạc Sỹ (Yên Thủy) được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp huyện.
Một ngày đầu đông, chúng tôi đến thăm Lạc Sỹ. Nắng vàng như trải mật trên những cánh rừng keo bạt ngàn, càng làm cho nơi đây trở nên thơ mộng, cuốn hút. Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến nhà anh Bùi Văn Khoa, Giám đốc HTX nông nghiệp Lạc Sỹ. Vừa đến nơi cũng là lúc anh Khoa đi kiểm tra một vòng đàn ong của gia đình về. Thấy có khách từ phương xa đến, anh mang chai mật mới quay ra giới thiệu với mọi người. Anh chia sẻ: Vào thời điểm cuối thu, trời hanh khô nên các loại hoa cũng tàn hết, do đó lượng mật không được nhiều như mùa hè. Tuy nhiên, vào mùa này, ong ăn thêm nhựa keo và nhựa các loại cây khác nên có tác dụng chữa bệnh khá tốt. Nguồn thức ăn chủ yếu từ hoa tạp và nhựa keo cũng là một trong những điểm đặc biệt của mật ong Lạc Sỹ so với các loại mật ở địa phương khác.
Nghề nuôi ong lấy mật ở Lạc Sỹ đã có từ rất lâu, bắt nguồn từ việc những người đi rừng khai thác mật ong trong tự nhiên, đưa về nhà để sử dụng trong gia đình. Qua thời gian, bà con bắt đầu học cách bắt ong trong rừng mang thả vào những tổ ong đã được đóng sẵn, rồi chúng đi hút hoa, cho mật. Cứ thế, nghề nuôi ong lấy mật dần được phát triển và nhân rộng, trở thành sinh kế của bà con nơi đây. Tận dụng điều kiện tự nhiên và khí hậu thuận lợi, diện tích rừng rộng với đa dạng các loại cây, hoa khác nhau, là nguồn thức ăn dồi dào cho đàn ong. Ngoài ra, kỹ thuật nuôi ít phức tạp, không cần đầu tư nhiều về vốn cũng là những điều kiện quan trọng để phát triển nghề nuôi ong ở Lạc Sỹ. Đến nay, toàn xã đã có gần 200 hộ nuôi ong, nhiều hộ phát triển kinh tế khá nhờ nuôi ong như gia đình ông Bùi Văn Thông - xóm Thống Nhất nuôi gần 100 đàn, ông Bùi Văn Chiểu - xóm Sào Vót nuôi 50 đàn...
Đặc biệt, từ cuối năm 2019, HTX nông nghiệp Lạc Sỹ được thành lập đã trở thành đầu mối kết nối tiêu thụ mật ong cho bà con nông dân. Nếu như trước đây, khi chưa có sự liên kết, những gia đình nuôi ong chủ yếu tự mang hàng đi bán tại các chợ dân sinh hoặc các huyện lân cận. Thì nay, ngay sau khi mật quay xong, HTX cử người đến kiểm tra chất lượng mật, đạt yêu cầu sẽ được đưa đi tiêu thụ tại các đơn vị đã liên kết trước đó. Trong năm 2020, lượng mật ong Lạc Sỹ được tiêu thụ qua HTX nông nghiệp Lạc Sỹ đạt khoảng 1.000 lít, giá bán dao động từ 150.000 - 200.000 đồng/lít.
Anh Khoa chia sẻ thêm: Mặc dù lượng mật tiêu thụ về cơ bản đã có những chuyển biến tích cực, song chúng tôi nhận thấy sự phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của Lạc Sỹ. Thời gian tới, sau khi sản phẩm được đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, chúng tôi sẽ đẩy mạnh quảng bá thương hiệu trên các trang mạng xã hội, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Nỗ lực kết nối để mật ong Lạc Sỹ có mặt tại các siêu thị và đại lý lớn. Để làm được điều đó, chúng tôi cần nhiều sự giúp đỡ, tạo điều kiện của chính quyền các cấp cùng sự chung tay của bà con nhân dân.
Nhấp chén mật ong sánh vàng lên môi, tôi có cảm giác như mọi tinh túy của hương rừng nơi đây đang lan tỏa và thẩm thấu. Từ những giọt mật đựng trong chai thủy tinh nút lá chuối khô không nhãn mác, không thương hiệu, đến nay, mật ong Lạc Sỹ đã có vỏ chai, nhãn mác và được đăng ký bản quyền thương hiệu. Những thành quả bước đầu ghi nhận sự nỗ lực của bà con nông dân Lạc Sỹ, cũng là một lời hứa hẹn cho sự vươn cao, vươn xa hơn nữa của nông sản địa phương.
Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/220/160694/ngot-ngao-mat-111ng-lac-sy.htm