Ngư dân miền Trung vươn mình ra biển lớn - Bài 2: 'Mở biển' vươn khơi xa

Trước thực trạng ngư trường gần bờ cạn kiệt, ngư dân miền Trung dần 'tỉnh ngộ', nhiều ngư dân đã mạnh dạn đầu tư tàu lớn, công nghệ hiện đại để vượt sóng vươn khơi xa. Từ thực tế đánh bắt khơi xa đã dần hình thành nếp nghĩ tích cực, cách làm hay, táo bạo đem lại hiệu quả cao, đồng thời tạo sức mạnh đoàn kết trên biển, qua đó khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Những “kình ngư” vượt sóng

Đến bây giờ, ngư dân xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) vẫn không quên người “mở biển” ra ngư trường Hoàng Sa của Việt Nam. Từ xưa, ngư dân Quỳnh Lập nói riêng và Nghệ An nói chung chỉ đánh bắt trong vịnh Bắc Bộ, chưa bao giờ ra ngư trường Hoàng Sa. Sau rất nhiều trăn trở, năm 2014, ngư dân Phan Văn Hải quyết “mở biển” hướng ra Hoàng Sa với tâm huyết không chỉ là mở ra ngư trường mới, mà quan trọng nhất là được góp phần cùng ngư dân cả nước khẳng định chủ quyền biển đảo quê hương. Sau chuyến đi “thuận chèo mát mái” của anh Hải, sang năm 2015 có 7 tàu, năm 2016 có 16 tàu và đến nay đã có hàng trăm tàu công suất lớn của Nghệ An ra đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa.

 Tàu ngư dân Bình Định hỗ trợ nhau theo mô hình tổ đội, tập đoàn. Ảnh: VĂN HẢI

Tàu ngư dân Bình Định hỗ trợ nhau theo mô hình tổ đội, tập đoàn. Ảnh: VĂN HẢI

Còn ở làng chài Vĩnh Lợi (xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) lại nổi lên nhiều “ông vua” tàu cá công nghệ cao. Lão ngư Đỗ Chí Dũng, người sở hữu đội tàu hơn 50 tỷ đồng, khoe: “Đội tàu Vĩnh Lợi là đội ứng dụng công nghệ tối tân, hiện đại nhất cả nước. Trong đó, máy dò chúng tôi đã chuyển qua 4 thế hệ, từ máy dò Nhật Bản đến Na Uy. Hiện 3 tàu cá tôi đã trang bị 3 máy dò siêu chụp loại 5 tỷ đồng của Na Uy. Ngoài ra, tôi đầu tư các công nghệ như rađa quét tầm xa 96 hải lý, hải đồ, giám sát, đo dòng chảy…”.

Ông Huỳnh Văn Liễu, Bí thư Chi bộ thôn Vĩnh Lợi phấn khởi: “Nhờ dám đầu tư lớn, táo bạo, đi đầu ứng dụng công nghệ hiện đại nên đội tàu Vĩnh Lợi làm ăn rất hiệu quả. Năm vừa rồi, các tàu cá của ông Đỗ Chí Dũng, Nguyễn Cu, Đỗ Xuân Hội trúng lớn”.

Năm 2010, ngư dân Phạm Tuyển (xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới, Quảng Bình) mạnh dạn đầu tư 10 tỷ đồng đóng mới 2 tàu lớn, trang bị đầy đủ ngư lưới cụ, máy móc hiện đại để đánh bắt khơi xa. Anh tâm niệm: “Phải nắm bắt đầy đủ các thông tin, quy định của pháp luật về hoạt động khai thác, khai thác đúng ngư trường. Muốn vậy phải áp dụng máy móc hiện đại, đóng tàu đúng quy định, khai thác đúng luồng sẽ cho thu hoạch cao”.

Công việc đánh bắt xa bờ của anh Tuyển mang lại doanh thu hơn 10 tỷ đồng/năm, giúp 10 lao động có thu nhập ổn định. Năm 2022, anh được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba về thành tích “Có mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, ổn định, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Bình, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.

 Một tàu cá của ngư dân ở phường Quảng Phúc (thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) vươn khơi xa bám biển, đánh bắt đạt hiệu quả. Ảnh: MINH PHONG

Một tàu cá của ngư dân ở phường Quảng Phúc (thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) vươn khơi xa bám biển, đánh bắt đạt hiệu quả. Ảnh: MINH PHONG

“Bắt tay” cùng vươn khơi

Xã Quỳnh Lập hiện có 22 tổ hợp tác đánh bắt trên biển, 28 “băng đàm” (những nhóm có tần số sóng liên lạc riêng nhằm thông tin cho nhau về ngư trường, giúp nhau khi gặp sự cố trên biển)… Đặc biệt, tại xã Quỳnh Lập, năm 2021, Chi bộ Hội nghề cá đã được thành lập - là chi bộ hội nghề cá đầu tiên của tỉnh Nghệ An. Ban đầu chi bộ có 15 đảng viên, đến năm 2023 kết nạp thêm 2 đảng viên. Từ khi thành lập, Chi bộ Hội nghề cá Quỳnh Lập đã làm nòng cốt lãnh đạo, chỉ đạo trong hoạt động khai thác, đánh bắt xa bờ và bảo vệ chủ quyền biển đảo; kết nối ngư dân trên biển, hỗ trợ nhau cùng khai thác hải sản hiệu quả, an toàn…

Trước đây, khi còn làm ăn manh mún, nghề đi biển không hiệu quả, người làm nghề nghèo, các chủ tàu mạnh ai nấy “bơi”. Với suy nghĩ muốn mạnh thì phải hợp tác, anh Lê Hội Hưng ở xã Quỳnh Lập đã đứng ra tập hợp 9 chủ tàu, lập Hợp tác xã Đoàn Kết, từ đó đầu tư tàu làm dịch vụ hậu cần nghề cá, lò hấp cá, chợ thương mại. Đến nay hợp tác xã có 6 lò hấp, 2 tàu chuyên thu mua, 22 tàu chuyên đánh bắt khơi xa. Năm 2023, riêng đánh bắt đã thu về cho hợp tác xã hơn 100 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hơn 200 lao động với thu nhập bình quân hơn 11 triệu đồng/người/tháng.

Nhờ có tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, ngư dân không còn sợ phải để cá lâu ngày trên tàu, không sợ thiếu dầu, đá lạnh và nhu yếu phẩm khi đánh bắt dài ngày trên biển. Các lò hấp cá, chợ thương mại tiếp nhận một lượng lớn hải sản, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động nữ địa phương.

Thị xã Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định) có đội tàu đánh bắt xa bờ lớn nhất miền Trung, với 2.300 tàu. Đây cũng là địa phương đi đầu triển khai mô hình tổ đội đánh bắt hải sản đoàn kết trên biển. Trong đó, đội tàu phường Hoài Thanh được đầu tư đồng bộ, hiệu quả nhất trong nhiều năm trở lại đây. Năm 2023, đội tàu xa bờ 166 chiếc ở Hoài Thanh bội thu, đánh bắt được 10.500 tấn, doanh thu hơn 700 tỷ đồng.

Còn tại Đà Nẵng hiện có 129 tổ với 840 tàu, 4 nghiệp đoàn nghề cá. Ông Đặng Duy Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng), đánh giá, hiệu quả rõ nhất của hoạt động tổ đội là giảm chi phí vận chuyển, tăng sản lượng khai thác, nhờ đó thu nhập của ngư dân ổn định hơn.

Trở về sau chuyến biển dài ngày ở ngư trường Hoàng Sa, ngư dân Nguyễn Phương Bình (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) tâm sự, biển cả chan hòa nhưng cũng đầy bất trắc, bởi vậy muốn đánh bắt chuyên nghiệp, an toàn trên biển buộc ngư dân phải xích lại gần nhau. Ngoài việc tương trợ, cứu hộ lẫn nhau khi gặp hoạn nạn, các thành viên trong tổ thường xuyên liên lạc khi phát hiện luồng cá để cùng hợp tác đánh bắt, không “mạnh ai nấy làm” như trước kia.

Bà Trần Tường Vân, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng), đánh giá, sức mạnh của ngư dân được nhân lên gấp bội bởi các tổ đội đoàn kết trên biển. Ngoài việc bao bọc, thông tin cho nhau về ngư trường thì đây chính là những “cánh tay” giữ biển, “cột mốc” đánh dấu chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Với ngư trường rộng lớn trên 14.000km2, tỉnh Bình Thuận có nghề cá trọng điểm, đứng thứ 2 cả nước về năng lực sản xuất. Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, thông tin, địa phương hiện có hơn 7.800 tàu cá và trên 46.000 ngư dân trực tiếp tham gia khai thác hải sản với sản lượng khai thác hàng năm đạt 225-230 ngàn tấn. Đến nay, tỉnh đã vận động các chủ thuyền tham gia thành lập 158 tổ đoàn kết trên biển với 1.530 tàu cá và hơn 7.700 lao động tham gia.

“Thời gian qua, địa phương đã triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ ngư dân hoạt động trên vùng biển xa của Chính phủ nên số lượng tàu cá công suất lớn đăng ký hoạt động tham gia vùng biển xa tiếp tục tăng. Nhờ đó góp phần tạo điều kiện giúp ngư dân giảm bớt khó khăn, duy trì sản xuất, tăng cường sự hiện diện của ngư dân trên các vùng biển xa, kết hợp sản xuất với bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc”, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận cho biết.

DUY CƯỜNG - NGỌC OAI - XUÂN QUỲNH - MINH PHONG - NGUYỄN TIẾN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ngu-dan-mien-trung-vuon-minh-ra-bien-lon-bai-2-mo-bien-vuon-khoi-xa-post734452.html