Ngư dân Tiền Giang khắc phục khó khăn, kiên quyết không vi phạm IUU
Hiện nay, đoàn tàu khai thác biển của tỉnh Tiền Giang đang vào mùa đánh bắt cuối năm. Tuy trúng mùa nhưng giá hải sản sụt giảm, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động; tuy nhiên ngư dân, ngư phủ đều chấp hành nghiêm túc các quy định về IUU.
Mấy ngày nay, tại cảng cá Mỹ Tho rất nhộn nhịp cảnh trên bến dưới thuyền. Mỗi ngày, cảng này tiếp nhận gần 10 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá vào để bốc xếp hàng hóa. Theo ngư dân, mùa biển này khai thác đạt sản lượng khá nhưng hải sản kích cỡ không lớn, giá giảm hơn 2 tháng trước từ 5.000 – 7.000 đồng/kg. “Cá giảm giá khi ghe tàu vô đông. Mấy tháng nay cá về cảng chủ yếu là loại nhỏ nên khi cao khoảng gần 30.000 đồng/kg, khi rẻ khoảng 17.000 đồng”, chị Ngô Thị Lan, một tiểu thương mua bán hải sản ở cảng cá Mỹ Tho chia sẻ.
Hiện nay, nghề khai thác biển đang gặp nhiều khó khăn, nhất là chi phí nhiên liệu ở mức cao, giá hải sản giảm, ngư phủ lại khó thuê nhưng ngư dân cố gắng bám biển, chấp hành nghiêm các quy định về chống khai thác bất hợp pháp, bất chấp quy định về IUU. Hầu hết các tàu khi ra khơi đều đảm bảo đầy đủ các điều kiện cần thiết về đăng ký, đăng kiểm, nhất là 100% tàu phải có thiết bị giám sát hành trình còn hoạt động, trang bị các thiết bị an toàn; khi tàu vào cảng phải tuân thủ các quy định về khai báo, ghi chép nhật ký đầy đủ. Đối với chủ tàu dù ở đất liền nhưng phải liên lạc thường xuyên và theo dõi hoạt động của tàu cá, nhắc nhỡ thuyền trưởng, thuyền viên thực hiện nghiêm các quy định IUU.
Ông Lê Văn Thành, chủ 10 tàu khai thác và dịch vụ hậu cần nghề cá tại phường 2, thành phố Mỹ Tho cho biết, giá cá giảm tùy theo mặt hàng do xuất khẩu không nhiều, tiêu thụ không hết.
“Tính ra hiện nay chi phí xăng dầu tăng cao nên giá cá thấp là ngư dân không có lãi. Tàu khai thác trong vùng biển của mình, không cho tàu chạy lấn ranh nên chi phí nhẹ bớt. Tài công đã theo tàu nhiều năm nên mình nói và kiểm soát được, ví dụ mình cho phép tàu đi vùng nào tài công phải chấp hành. Các thiết bị giám sát được lắp đặt đầy đủ hết và khá tốn kém vì các thiết bị điện tử ra biển rất nhanh hư hỏng”, ông Thành giãi bày.
Trong thời điểm này, các ngành chức năng của tỉnh Tiền Giang như Chi cục thủy sản, Bộ đội Biên phòng và Ban quản lý Cảng cá phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương có đoàn tàu khai thác biển trong công tác tuyên truyền, giám sát tàu cá, quyết tâm cùng cả nước sớm được EC “rút thẻ Vàng”.
Ông Huỳnh Thanh Phong, Giám đốc Ban quản lý Cảng cá tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện nay Cảng cá Vám Láng (huyện Gò Công Đông) mỗi ngày có 2-3 tàu cập Cảng; riêng Cảng cá Mỹ Tho (tại phường 2, TP. Mỹ Tho) có gần 10 phương tiện vào. Việc chấp hành các quy định IUU được các tàu thực hiện nghiêm túc.
“Tàu cá nói chung vào cảng đều chấp hành 100% quy định. Trước khi tàu vào báo trước 1 giờ, nộp nhật ký trước, sau khi bốc dỡ hàng xong chủ tàu lên làm hồ sơ giám sát. Công tác IUU vẫn đang được triển khai thực hiện theo quy định của Thông tư 21 và Thông tư 01 (Bộ NN&PTNT), trong đó có phối hợp với Bộ đội biên phòng giám sát tàu cá và sản lượng thủy sản khai thác đúng theo quy định”, ông Phong chia sẻ.
Tỉnh Tiền Giang có đoàn tàu khai thác biển gần 1.500 chiếc, thu hút trên 10.000 ngư phủ, thuyền viên, chủ yếu đánh bắt xa bờ. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo về chống khai thác IUU tỉnh Tiền Giang, đến cuối tháng 10 năm nay, số tàu cá đăng ký của tỉnh đạt tỉ lệ 100%. Qua kiểm tra, 100% tàu cá đảm bảo thiết bị Giám sát hành trình VMS hoạt động liên tục 24/24 giờ, từ khi tàu cá rời cảng đến khi cập cảng; 100% sản lượng thủy sản khai thác được bốc dỡ tại địa phương ra, vào tại cảng cá theo đúng quy định. Gần đây, đoàn tàu hoạt động trên biển không có vi phạm các quy định IUU.