'Ngựa ô' mới trong cuộc đua hàng không toàn cầu

Tại Triển lãm Hàng không Quốc tế Farnborough tuần trước, nhà sản xuất máy bay Trung Quốc Comac vẫn thu hút được sự chú ý của những người tham dự sự kiện này.

Bên trong nhà máy của Nhà sản xuất máy bay Trung Quốc Comac. Ảnh: comac.cc

Bên trong nhà máy của Nhà sản xuất máy bay Trung Quốc Comac. Ảnh: comac.cc

Sau nhiều năm thống trị thị trường hàng không, bộ đôi Boeing-Airbus đang đối mặt với mối đe dọa lớn nhất từ trước đến nay.

Tại Triển lãm Hàng không Quốc tế Farnborough tuần trước, dù mới là cái tên ít nổi bật trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, song nhà sản xuất máy bay Trung Quốc Comac vẫn thu hút được sự chú ý của những người tham dự sự kiện này.

Tại một trong những sự kiện kết nối lớn nhất trong lĩnh vực hàng không vũ trụ này, Comac đã giới thiệu chiếc máy bay thân hẹp 180 chỗ mã hiệu C919 để cạnh tranh với Boeing 737 MAX và Airbus A320neo.

Airbus đã đánh giá cao những nỗ lực của Trung Quốc trong việc đưa C919 ra thị trường, nhưng nhà sản xuất này cũng thẳng thắn chỉ ra những điểm yếu của dòng máy bay này.

Trong một cuộc họp báo, ông Christian Scherer, người đứng đầu bộ phận máy bay của Airbus, cho biết Comac là một "đối thủ đáng gờm", nhưng không phải là đối thủ có khả năng cạnh tranh với Airbus về công nghệ. Theo ông, C919 về cơ bản là một A320neo, với cùng các tính năng và cùng thiết bị. Không có sự khác biệt, không có giá trị mới.

Trong khi đó, Boeing cũng hoan nghênh sự cạnh tranh, và bày tỏ tin tưởng rằng điều đó sẽ làm cho ngành công nghiệp hàng không mạnh mẽ hơn.

Boeing đang phải vật lộn để vượt lên cuộc khủng hoảng mang tên 737 MAX sau một sự cố trên chiếc máy bay của hãng hàng không Alaska Airlines hồi tháng 1/2024. Sự cố này đã khiến Cục Hàng không Liên bang Mỹ hạn chế việc sản xuất dòng máy bay MAX và tiến hành các cuộc điều tra về chất lượng an toàn máy bay.

Hoạt động sản xuất của Airbus cũng đang bị ảnh hưởng do các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng, khiến việc lắp ráp A320neo chậm trễ, dẫn đến lượng đơn đặt hàng tồn đọng ngày càng tăng. Do đó việc bàn giao cho khách hàng tiềm năng trước năm 2030 trở nên khó khăn.

Trong bối cảnh đó, một nhà sản xuất thứ ba có khả năng chế tạo máy bay với giá cả hợp lý và đúng thời hạn sẽ mang lại lợi ích cho các hãng hàng không trong khi Airbus và Boeing đang gặp khó khăn.

Trước đó ngày 24/7, Giám đốc điều hành của hãng hàng không easyJet, ông Johan Lundgren cho biết việc “có nhiều nhà cung cấp để lựa chọn” sẽ mang lại lợi ích cho ngành.

Hãng hàng không giá rẻ này, cũng như các hãng hàng không phương Tây khác, có thể sẽ cân nhắc việc đưa phiên bản hoàn chỉnh của máy bay C919 của Comac vào đội bay của mình.

Tuy nhiên, theo ông Richard Aboulafia của công ty tư vấn AeroDynamic Advisory, chiếc máy bay C919 của Comac hiện đang phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ nhập khẩu, trong đó bao gồm cả động cơ của General Electric, đến mức nó chưa phải là một mối đe dọa thực sự đối với sự thống trị của phương Tây trong thị trường máy bay thương mại.

Một trở ngại cho C919 nữa là máy bay này chưa nhận được chứng nhận cho bay ở châu Âu và Mỹ, điều có thể mất nhiều năm để đạt được. Thế nhưng, một số nhà phân tích cho rằng Comac có thể không cần phải tiếp cận các thị trường đó để thiết lập một cơ sở khách hàng đáng gờm, vì hãng này đã được giao khoảng 1.000 đơn đặt hàng từ các hãng hàng không thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc.

Một nguồn tin trong ngành cho biết Boeing dự đoán chiếc C919 của Comac có khả năng sẽ giành được các đơn hàng xuất khẩu ở các khu vực mà một số hãng hàng không sẽ gặp khó khăn trong việc mua máy bay của phương Tây, chẳng hạn như châu Phi, một số khu vực châu Á và có thể là Nam Mỹ.

Minh Hằng (Theo Telegraph)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ngua-o-moi-trong-cuoc-dua-hang-khong-toan-cau/341936.html