Ngừng bắn Gaza: Rào cản và cơ hội

Chuyên gia cho rằng có cơ hội lớn mở ra cho thỏa thuận ngừng bắn Israel-Hamas sau xung đột giữa Israel và Iran và giờ là lúc các bên cần nắm bắt cơ hội này.

Đã bốn tháng kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn Israel-Hamas sụp đổ, hiện các bên đang đứng trước cơ hội đạt được một thỏa thuận mới sau khi khói bụi trong cuộc chiến giữa Iran và Israel kết thúc, cùng với nỗ lực trung gian từ chính quyền Mỹ.

Diễn biến vòng đàm phán đầu tiên

Ngày 7-7, hai nguồn tin Palestine nói rằng phiên đàm phán ngừng bắn gián tiếp đầu tiên giữa nhóm vũ trang Hamas và Israel tại Qatar đã kết thúc mà không có kết quả, đồng thời nói thêm rằng phái đoàn Israel không có đủ thẩm quyền để đạt được thỏa thuận với Hamas.

“Sau phiên đàm phán gián tiếp đầu tiên tại Doha, phái đoàn Israel không có đủ thẩm quyền để đạt được thỏa thuận với Hamas” - các nguồn tin nói với hãng tin Reuters.

Các cuộc đàm phán diễn ra trước chuyến thăm dự kiến của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tới Mỹ ngày 7-7.

Trước đó, Văn phòng của ông Netanyahu cho biết Israel đã cử một nhóm đàm phán tới Qatar vào ngày 6-7 để tiến hành các cuộc đàm phán gián tiếp, nhưng ông Netanyahu cho rằng Hamas đang tìm kiếm những thay đổi “không thể chấp nhận được” đối với đề xuất do Mỹ hậu thuẫn và Qatar làm trung gian.

“Chúng tôi quyết tâm đảm bảo rằng Gaza sẽ không còn là mối đe dọa đối với Israel nữa. Điều này có nghĩa là chúng tôi sẽ không cho phép xảy ra tình trạng có thêm nhiều con tin, nhiều vụ giết người, nhiều cuộc tấn công. Điều này có nghĩa là loại bỏ năng lực quân sự và chính trị của Hamas. Hamas sẽ không còn ở đó nữa” - ông Netanyahu nói trước khi lên đường sang Mỹ.

 Biên giới Israel và Dải Gaza ngày 6-7. Ảnh: AFP

Biên giới Israel và Dải Gaza ngày 6-7. Ảnh: AFP

Theo tờ The Guardian, các bản dự thảo của thỏa thuận đề xuất bao gồm một điều khoản quy định rằng ông Trump sẽ đích thân tuyên bố bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào. Theo dự thảo, trong số 50 con tin Israel còn bị giam tại Dải Gaza, Hamas sẽ thả 10 người còn sống và thi thể 18 người trong thời gian ngừng bắn.

Vào ngày đầu tiên ngừng bắn, Hamas sẽ thả 8 con tin còn sống để đổi lấy một số lượng người Palestine bị Israel giam giữ. Sau khi thả con tin, Israel sẽ rút quân khỏi một số khu vực ở miền bắc Gaza, hai bên sẽ bắt đầu đàm phán hướng tới một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài.

Các con tin còn lại sẽ được thả vào bốn ngày cụ thể đã được nêu trong đề xuất.

Theo một quan chức Israel và một nguồn tin am hiểu quá trình đàm phán, đề xuất mới bao gồm những cam kết mạnh mẽ hơn về việc Mỹ duy trì áp lực buộc Israel ngồi lại bàn đàm phán để đạt được một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài, trong hoặc sau thời gian ngừng bắn 60 ngày.

Về vấn đề viện trợ, Liên Hợp Quốc và Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế sẽ tham gia phân phối lượng hàng cứu trợ đủ đầy cho người dân Palestine. Cuối cùng, thỏa thuận kêu gọi rút quân theo từng giai đoạn của binh sĩ Israel khỏi một số khu vực ở Gaza.

Những rào cản đối với thỏa thuận ngừng bắn

Các chuyên gia cho rằng, những trở ngại lặp đi lặp lại đối với một thỏa thuận vẫn còn. Kênh Al Jazeera dẫn nguồn tin rằng Hamas đang theo đuổi 3 yêu cầu chính. Thứ nhất, dừng hoạt động của Quỹ Nhân đạo Gaza (GHF) - tổ chức được Mỹ hỗ trợ và từng gây tranh cãi vì mô hình hoạt động.

Bốn điểm phân phối của GHF, đặt trong các khu vực quân sự hóa, đã thay thế hơn 400 điểm viện trợ từng hoạt động trước đó. Kể từ ngày 26-5, hơn 400 người đã thiệt mạng khi tìm kiếm viện trợ gần các điểm phân phối này. Hơn 170 tổ chức phi chính phủ và tổ chức từ thiện quốc tế đã kêu gọi đóng cửa GHF.

Thứ hai, Hamas muốn lực lượng Israel rút về các vị trí mà Tel Aviv đã chiếm giữ trước khi thỏa thuận ngừng bắn mà hai bên đạt được vào tháng 1 sụp đổ.

Theo tờ The Conversation, việc kiểm soát quân sự của Israel đối với Gaza đã trở nên sâu rộng hơn kể từ thỏa thuận ngừng bắn lần trước. Ước tính hơn 80% khu vực Gaza đang nằm trong diện lệnh sơ tán.

Cuối cùng, Hamas muốn nhận được cam kết từ phía Mỹ rằng các cuộc không kích và chiến dịch trên bộ của Israel sẽ không được phép tiếp diễn, ngay cả khi thỏa thuận ngừng bắn kết thúc mà không dẫn đến một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh vĩnh viễn.

Điều khoản này cũng khó thực hiện khi Thủ tướng Netanyahu nhiều lần công khai tuyên bố về việc duy trì hiện diện quân sự lâu dài tại Gaza.

Gần đây, ông Netanyahu nói rằng Israel sẽ tiếp tục “kiểm soát an ninh toàn diện đối với Gaza” ngay cả sau khi chiến tranh kết thúc.

“Ngay cả khi hai bên đồng ý với một lệnh ngừng bắn tạm thời, thì việc tiến tới một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài hoặc một giải pháp ổn định sau chiến tranh vẫn sẽ gặp rất nhiều khó khăn và thách thức” - theo PGS Julie M. Norman tại ĐH College London (Anh).

Ngày 6-7, Thủ tướng Netanyahu cho biết ông tin rằng các cuộc thảo luận của ông với Tổng thống Trump tại Nhà Trắng sẽ giúp thúc đẩy các cuộc đàm phán về việc thả con tin ở Gaza và giúp đạt được thỏa thuận ngừng bắn.

Cơ hội vẫn còn

 Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: YURI GRIPAS/ABACA PRESS/TNS

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: YURI GRIPAS/ABACA PRESS/TNS

Dù vậy, theo giới quan sát, có một số lý do cho thấy nỗ lực đạt được thỏa thuận ngừng bắn lần này có thể sẽ tạo ra khác biệt.

Đầu tiên là động lực từ thỏa thuận ngừng bắn của cuộc chiến kéo dài 12 ngày giữa Iran và Israel.

Israel đã tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến với Iran. Và niềm tin rằng Israel giành chiến thắng giúp Thủ tướng Netanyahu có thêm thế mạnh chính trị để thúc đẩy một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza.

Trước đây, những chính trị gia cực hữu trong chính phủ liên minh của ông Netanyahu từng phản đối ngừng bắn và dọa sẽ rút khỏi liên minh, khiến chính phủ sụp đổ. Nhưng lần này, sau chiến dịch quân sự ở Iran, ông Netanyahu có thể tự tin hơn để vượt qua sự phản đối đó.

Cuộc chiến Iran - Israel cũng đã khơi dậy lại sự quan tâm của ông Trump đối với Trung Đông. Sau khi hỗ trợ quân sự cho Israel trong cuộc chiến với Iran, Tổng thống Trump đang nắm trong tay đòn bẩy đáng kể để gây ảnh hưởng lên ông Netanyahu.

Cả hai nhà lãnh đạo cũng coi vị thế suy giảm của Iran sau xung đột là cơ hội để mở rộng các thỏa thuận Abraham – loạt hiệp định bình thường hóa quan hệ giữa Israel và một số quốc gia Ả Rập như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Bahrain, Sudan và Morocco – vốn được Tổng thống Trump làm trung gian trong nhiệm kỳ đầu ông.

Ông Netanyahu từ lâu đã hướng đến một thỏa thuận bình thường hóa Saudi Arabia, và hiện có thông tin cho rằng thỏa thuận với Syria cũng đang được bàn thảo. Tuy nhiên, các thỏa thuận này không thể tiến triển nếu cuộc chiến ở Gaza vẫn tiếp diễn.

“Không thiếu lý do để chấm dứt chiến tranh tại Gaza. Vấn đề chỉ còn là: liệu Israel và Hamas có thực sự muốn làm điều đó hay không” - PGS Norman kết luận.

Israel tiếp tục không kích Dải Gaza

Trong bối cảnh các cuộc đàm phán đang diễn ra, Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết đã tấn công 130 mục tiêu trên khắp Dải Gaza trong ngày 6-7.

Israel nói rằng các cuộc không kích nhắm vào các cơ sở chỉ huy và kiểm soát, cơ sở lưu trữ, vũ khí và bệ phóng của Hamas và đã loại bỏ một số chiến binh Hamas ở phía bắc Gaza.

Cơ quan Y tế Gaza nói rằng các cuộc tấn công này đã khiến 38 người Palestine thiệt mạng.

Theo ông Mohammed Abu Selmia - giám đốc Bệnh viện Shifa, 20 đã thiệt mạng và 25 người bị thương sau khi hai ngôi nhà ở TP Gaza trúng không kích.

Tại miền Nam Gaza, 18 người thiệt mạng do các cuộc không kích ở khu vực Muwasi, nơi có nhiều người dân phải di dời sống trong lều trại.

THẢO VY

Nguồn PLO: https://plo.vn/ngung-ban-gaza-rao-can-va-co-hoi-post859110.html