ASEAN đánh giá kỹ thuật liên quan hiệp ước Đông Nam Á không vũ khí hạt nhân
ASEAN đang tiến hành đánh giá kỹ thuật về sự tham gia của các cường quốc vào Nghị định thư của Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ).
Ngày 6-7, Tổng thư ký Bộ Ngoại giao Malaysia – ông Datuk Seri Amran Mohamed Zin – cho biết Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang tiến hành đánh giá kỹ thuật về sự tham gia của các cường quốc vào Nghị định thư của Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), theo hãng thông tấn Bernama.
Theo ông Amran Mohamed Zin, vấn đề hiện được Ủy ban SEANWFZ thảo luận ở cấp quan chức cấp cao và ủy ban điều hành. Điểm mấu chốt là liệu các cường quốc có thể tham gia nghị định thư SEANWFZ tùy thuộc vào việc các nước này có thể đưa ra điều khoản bảo lưu liên quan đến Nghị định thư hay không.
“Đây là nỗ lực của ASEAN nhằm thúc đẩy môi trường an toàn hơn, đồng thời duy trì các nguyên tắc cơ bản của hiệp ước phi hạt nhân hóa mà khu vực theo đuổi suốt nhiều thập niên" - ông Amran Mohamed Zin nói tại cuộc họp báo trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 58 (AMM).

Tổng thư ký Bộ Ngoại giao Malaysia Datuk Seri Amran Mohamed Zin phát biểu tại buổi họp báo trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 58 (AMM‑58). Ảnh: BERNAMA
Ông Amran Mohamed Zin cho biết ASEAN sẽ tiếp tục đóng vai trò nền tảng ngoại giao quan trọng để khuyến khích các cường quốc tham gia hệ thống kiểm soát vũ khí nghiêm ngặt hơn.
“Một số quyết định quan trọng đã được đưa ra về khả năng chấp nhận các điều khoản bảo lưu. Dù có thể mất thời gian, chúng tôi nhận thấy có tín hiệu tích cực" - ông Amran Mohamed Zin nói.
Ngày 1-7, Ngoại trưởng Malaysia - ông Mohamad Hasan cho biết Trung Quốc và Nga đã đồng ý ký kết SEANWFZ. Malaysia hiện là nước chủ tịch ASEAN năm 2025.
Ông Hasan còn cho biết Mỹ đang xem xét lại thỏa thuận trước khi quyết định ký.
SEANWFZ, hay còn được gọi là Hiệp ước Bangkok, được ký kết tháng 12-1995 và có hiệu lực từ tháng 3-1997, yêu cầu các bên tham gia không phát triển, sản xuất hay mua, sở hữu, kiểm soát vũ khí hạt nhân. Hiện nay, SEANWFZ có 10 thành viên, đồng thời là 10 nước thuộc ASEAN.
Một nội dung quan trọng của SEANWFZ là nghị định thư mở kêu gọi 5 cường quốc hạt nhân là Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc cam kết tôn trọng SEANWFZ, không có động thái vi phạm hiệp ước và các thỏa thuận liên quan, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân trong khu vực Đông Nam Á hay chống lại các nước trong khu vực.
Với việc ký SEANWFZ, các cường quốc hạt nhân liên quan sẽ xác nhận nhất trí với nghị định thư mở trên và sự tôn trọng đối với những lời kêu gọi của ASEAN về không phổ biến vũ khí hạt nhân ở Đông Nam Á.