Ai sẽ tài trợ cho công cuộc tái thiết Gaza?

Việc Israel và Hamas nối lại đàm phán tại Qatar có thể mở ra hy vọng về một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump gia tăng sức ép, yêu cầu chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu sớm chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài suốt 21 tháng. Từ nhiều tháng qua, việc tái thiết Gaza đã là chủ đề được đưa ra thảo luận tại nhiều diễn đàn khu vực và quốc tế.

Cảnh đổ nát do chiến sự tại Dải Gaza. Ảnh: THX/TTXVN

Cảnh đổ nát do chiến sự tại Dải Gaza. Ảnh: THX/TTXVN

Theo báo Jerusalem Post, đầu tháng 3 năm nay, Ai Cập đã trình bày một kế hoạch chi tiết và tốn kém nhằm tái thiết, phát triển và quản trị Gaza hậu chiến tại một cuộc họp của Liên đoàn Arab (AL). Kế hoạch này đã được thông qua nhất trí và hiện là chính sách chính thức của Liên đoàn Arab. Tổng Thư ký LHQ António Guterres, người có mặt tại cuộc họp, đã “rất ủng hộ” kế hoạch của Ai Cập và cam kết Liên hợp quốc sẽ hợp tác đầy đủ trong việc triển khai.

Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU), ông Joao Lourenco, cũng tham dự hội nghị thượng đỉnh tại Cairo và thể hiện sự ủng hộ rõ ràng với kế hoạch, cam kết hỗ trợ để thực hiện.

Kể từ đó, kế hoạch này cũng nhận được sự ủng hộ từ Liên minh châu Âu (EU). Những tuyên bố từ Đại diện chính sách đối ngoại của EU Kaja Kallas và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa xác nhận rằng EU coi kế hoạch này là một cơ sở nghiêm túc cho các cuộc thảo luận về tương lai của Gaza. Họ đã đưa ra “hỗ trợ cụ thể” từ toàn bộ 27 quốc gia thành viên. Ngoài ra, Pháp, Đức, Italy và Vương quốc Anh đều đã bày tỏ sự ủng hộ riêng lẻ.

Sáng kiến của Ai Cập đề cập đến cả nhu cầu nhân đạo cấp bách và công tác tái thiết và quản trị dài hạn cho Gaza. Kế hoạch này hình dung một quy trình ba giai đoạn: trước tiên là hành động nhân đạo khẩn cấp; tiếp theo là một nỗ lực tái thiết kéo dài nhiều năm; và cuối cùng là thiết lập một cấu trúc quản trị mới cho Gaza.

Giai đoạn đầu tiên dự kiến sẽ hoàn thành trong khoảng sáu tháng; quá trình tái thiết và cải cách quản trị được ước tính kéo dài thêm khoảng 4 đến 5 năm nữa.

Kế hoạch này công khai loại trừ Hamas khỏi bất kỳ vai trò nào trong quản trị tương lai của Gaza. Nó cũng ngăn cấm Chính quyền Palestine (PA) nắm quyền quản lý trực tiếp, nhưng dự kiến thành lập một hội đồng kiểu “ô dù” gồm các kỹ trị người Palestine, hoạt động dưới sự bảo trợ của PA nhưng được hỗ trợ bởi một Phái bộ Hỗ trợ quản trị quốc tế. Ngoài ra, để duy trì an ninh trong thời gian chuyển tiếp, kế hoạch đề xuất thành lập một Lực lượng Ổn định quốc tế do các quốc gia Arab dẫn đầu.

Rõ ràng là chi phí để tái thiết các thị trấn, thành phố và cơ sở hạ tầng của Gaza sẽ cực kỳ lớn. Kế hoạch ba giai đoạn của Ai Cập ước tính con số này ở mức 53 tỷ USD trong vòng 5 năm. Trong 6 tháng đầu tiên cho cứu trợ nhân đạo, chương trình tái thiết được định giá 3 tỷ USD. Giai đoạn hai, bao gồm tái xây dựng cơ sở hạ tầng như đường sá và tiện ích, cũng như xây dựng 200.000 ngôi nhà ở vĩnh viễn, sẽ tiêu tốn khoảng 20 tỷ USD.

Giai đoạn cuối cùng, kéo dài 2 năm rưỡi và tiêu tốn 30 tỷ USD, nhằm hoàn tất cơ sở hạ tầng, xây dựng thêm 200.000 ngôi nhà, đồng thời phát triển các khu công nghiệp, cảng biển và sân bay.

Để tài trợ cho kế hoạch trị giá 53 tỷ USD này, Ai Cập đề xuất thành lập một quỹ tín thác do quốc tế giám sát để tiếp nhận, phân phối và quản lý hỗ trợ tài chính từ nhiều nhà tài trợ quốc tế. Kế hoạch đặc biệt kêu gọi sự tham gia của Ngân hàng Thế giới (WB): “Một quỹ tín thác do Ngân hàng Thế giới giám sát sẽ được thành lập để tiếp nhận các cam kết tài trợ nhằm thực hiện kế hoạch phục hồi và tái thiết sớm”.

Kế hoạch đề xuất rằng Ai Cập sẽ tổ chức một hội nghị quốc tế, phối hợp với Liên hợp quốc (LHQ), để điều phối các khoản đóng góp từ nhà tài trợ, với WB giám sát để đảm bảo tính minh bạch và quản lý quỹ hiệu quả. Ngân hàng Thế giới có sự hiện diện lâu dài ở Gaza và Bờ Tây, nơi họ đã quản lý các quỹ tín thác tương tự và phối hợp với các nhà tài trợ quốc tế cho các dự án phát triển và tái thiết.

Nhiệm vụ tái thiết Gaza là vô cùng to lớn, và 53 tỷ USD là một con số khổng lồ. Các nhà tài trợ có khả năng tài trợ cho kế hoạch của Ai Cập bao gồm sự pha trộn giữa các bên quốc tế và khu vực. Các quốc gia giàu dầu mỏ như Saudi Arabia và các tiểu vương quốc vùng Vịnh như UAE có tiềm lực tài chính mạnh và từng chi tiêu đáng kể trong khu vực, bao gồm cả ở Gaza.

Với mối quan tâm đến việc kiềm chế ảnh hưởng của Iran và ổn định khu vực, họ được kỳ vọng sẽ là các nhà tài trợ chủ chốt, với khả năng cung cấp ít nhất 20 tỷ USD ban đầu. Một số quốc gia đã cho biết điều kiện tiên quyết là Hamas không được tham gia vào quá trình tái thiết và quản trị Gaza, do mối liên hệ của nhóm này với tổ chức "Anh em Hồi giáo" và Iran.

Kế hoạch của Ai Cập hướng tới việc huy động các nguồn viện trợ và đầu tư quốc tế đa dạng, do đó các tổ chức như LHQ và các tổ chức tài chính toàn cầu, bao gồm WB và EU, được kỳ vọng sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính. Các cơ quan phát triển, quỹ đầu tư và ngân hàng phát triển từ nhiều quốc gia cũng sẽ được kêu gọi.

Ai Cập là một đồng minh chiến lược của Mỹ, vốn đã nhận được hơn 1 tỷ USD hỗ trợ hàng năm từ Washington, nên không loại trừ khả năng Mỹ sẽ tham gia chương trình tái thiết. Mỹ có lợi ích trong việc ổn định khu vực, chống khủng bố và ngăn chặn dòng người tị nạn tràn sang các khu vực khác.
Sự hỗ trợ có thể dưới hình thức các công ty xây dựng và hạ tầng chuyên trách do Chính phủ Mỹ chỉ định, hoặc qua viện trợ tài chính trực tiếp dưới dạng hỗ trợ nhân đạo – tương tự như một sáng kiến kiểu Kế hoạch Marshall thời hậu chiến.

Một nhà tài trợ lớn tiềm năng khác là Trung Quốc. Trung Quốc và Ai Cập hiện có mối quan hệ gần gũi, khi các công ty Trung Quốc tham gia xây dựng thủ đô hành chính mới của Ai Cập và phát triển một khu công nghiệp lớn tại vùng Kênh đào Suez. Trung Quốc có thể sẽ phản hồi tích cực nếu Ai Cập kêu gọi hỗ trợ kế hoạch tái thiết Gaza, coi đây là cơ hội củng cố vị thế chiến lược của mình ở Trung Đông.

Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào khu vực thông qua sáng kiến Vành đai và Con đường, cùng với các khoản đầu tư chiến lược, quan hệ thương mại, phát triển hạ tầng và hợp tác ngoại giao. Với vị thế tương đối trung lập trong xung đột Israel–Palestine, Trung Quốc có mối quan hệ chiến lược chính thức với Saudi Arabia và quan hệ thân thiết với UAE, vốn là trung tâm tái xuất khẩu hàng hóa Trung Quốc sang khu vực và châu Phi.

Các công ty Trung Quốc cũng tham gia vào công tác tái thiết hạ tầng hậu chiến ở Iraq, và Trung Quốc đầu tư nhiều vào các dự án hạ tầng và năng lượng tái tạo tại Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và Liban.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Ai Cập đang tích cực chuẩn bị cho hội nghị lớn của các nhà tài trợ, nhằm đảm bảo các cam kết tài chính cần thiết. Kế hoạch của Ai Cập yêu cầu sự tham dự quốc tế rộng rãi, bao gồm các quốc gia Arab, EU, Trung Quốc, Mỹ và các bên toàn cầu khác.

Một số người có thể nghi ngờ về việc Mỹ và Trung Quốc sẽ cùng ngồi lại để bàn về tài trợ cho việc tái thiết Gaza, nhưng thực tế, họ đã từng tham gia các tiến trình đa phương tương tự trong quá khứ, ngay cả khi quan hệ song phương căng thẳng. Ví dụ như hội nghị quỹ toàn cầu năm 2019 và hội nghị các nhà tài trợ quốc tế “Cùng nhau vì người dân Thổ Nhĩ Kỳ và Syria” năm 2023. Tình trạng khủng hoảng nhân đạo khẩn cấp ở Gaza và nhu cầu hợp pháp hóa quốc tế rộng rãi khiến sự tham gia của cả hai cường quốc là điều rất có khả năng.

Cả Mỹ và Trung Quốc đều kỳ vọng được hưởng lợi từ các hợp đồng trị giá nhiều triệu USD cho việc xây dựng hoặc tái thiết các hạng mục tại Gaza. Tuy vậy, ban quản lý chương trình có thể sẽ phải mở rộng phạm vi tìm kiếm các công ty chuyên môn để đảm nhiệm những phần việc phức tạp trong hoạt động xây dựng và phát triển hạ tầng. Khi các gói thầu được công bố, cuộc cạnh tranh chắc chắn sẽ rất khốc liệt.

Hội nghị các nhà tài trợ đang chờ đợi sự kết thúc chính thức của các hoạt động thù địch trong khu vực. Với tình hình chính trị hiện tại, có khả năng hội nghị sẽ được tổ chức trong thời gian không xa.

Thanh Bình (Phóng viên TTXVN tại Trung Đông)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/ai-se-tai-tro-cho-cong-cuoc-tai-thiet-gaza-20250707145357491.htm