Ngược dòng tìm về lịch sử 'Chín năm làm một Điện Biên...'

Điện Biên - nơi 70 năm trước quân và dân ta đã làm nên Chiến dịch Điện Biên Phủ 'Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu'. Điện Biên ngày nay có nhiều điểm di tích lịch sử, trong đó có một điểm đến rất ấn tượng là Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Điện Biên ngày nay có nhiều điểm di tích lịch sử, trong đó có một điểm đến rất ấn tượng là Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Điện Biên ngày nay có nhiều điểm di tích lịch sử, trong đó có một điểm đến rất ấn tượng là Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Được khởi công xây dựng từ tháng 10/2012 trên diện tích 22.000m2, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chính thức mở cửa đón khách vào ngày 05/5/2014 nhằm chào mừng kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Bảo tàng là công trình quy mô, hoành tráng và hiện đại của tỉnh Điện Biên hiện nay, nằm trên đường Võ Nguyên Giáp (phường Mường Thanh, TP.Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên).

Với thiết kế hình nón cụt giống chiếc mũ nan lưới - ngụy trang của anh bộ đội năm xưa, bảo tàng mang hình dáng gây ấn tượng và đẹp mắt. Bảo tàng có 2 tầng, trong đó tầng hầm là nơi đón tiếp khách tham quan, không gian học tập, tương tác và các dịch vụ khác; tầng nổi là không gian trưng bày cố định chuyên đề Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, không gian panorama (toàn cảnh) và bộ phận làm việc.

Với bức tranh panorama được nhận định là bức tranh toàn cảnh quy mô lớn nhất Đông Nam Á, Bảo tàng trở thành điểm đến hấp dẫn khó bỏ qua trong hành trình tìm về lịch sử Chiến thắng Điện Biên Phủ. Bức tranh panorama được thực hiện trên diện tích 3.225m2, tái hiện hơn 4.500 nhân vật giữa chiến trận bi tráng 56 ngày cuối cùng của trận Điện Biên Phủ. Với chất liệu acrylic trên nền vải toan, bức tranh được vẽ liên hoàn theo một vòng tròn trong không gian 360 độ, cao 20,5m, dài 132m, đường kính 42m, kết hợp nghệ thuật phù điêu và sắp đặt hiện vật. Nội dung bức tranh cũng được chia thành 4 trường đoạn: Toàn dân ra trận, Khúc dạo đầu hùng tráng, Cuộc đối đầu lịch sử và Chiến thắng Điện Biên. Bốn trường đoạn tạo nên một pho sử hoành tráng, sống động bằng tranh về Chiến dịch Điện Biên Phủ. Sản phẩm được hoàn thiện bởi hơn 200 họa sĩ đã được trao giải Nhất Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2022.

Được biết, người chủ trì tác phẩm là ông Nguyễn Văn Mạc cùng các cộng sự dành ra hơn 1.200 ngày, trong đó hơn 500 ngày vẽ phác họa và khoảng hơn 750 ngày vẽ chính thức ngay tại Điện Biên. Những con số chi tiết này thực sự gây ấn tượng mạnh với du khách. Ngoài việc trình chiếu bằng thuyết minh 4 trường đoạn, bức tranh còn được kết hợp với âm nhạc tạo nên sự sinh động, góp phần tăng thêm trải nghiệm và thấu cảm với du khách. Du lịch lịch sử vì thế cũng trở nên sống động, ít khô khan.

Cùng với điểm nhấn là bức tranh panorama, phần trưng bày được bố trí ở tầng nổi của Bảo tàng với diện tích 1.250m2, có gần 1.000 tài liệu, hiện vật (nhiều chất liệu), hình ảnh, bản đồ cũng được đánh giá là một trưng bày hiện đại, được tổ chức khoa học và mỹ thuật với sự hỗ trợ của kỹ thuật và công nghệ tiên tiến. Phần trưng bày này được sắp xếp theo trình tự thời gian, có sự đan xen với lối trưng bày theo bộ sưu tập hiện vật đã thực sự đáp ứng được cấu trúc chung và yêu cầu nội dung của Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Nếu vạch ra một lộ trình tham quan lý tưởng, có thể kể đến không gian chung với 5 chủ đề: Sơ lược cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; Chiến dịch Điện Biên Phủ (âm mưu của thực dân Pháp, chủ trương của ta, diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ); Tác động của Chiến thắng Điện Biên Phủ đối với trong nước và thế giới; Sự giúp đỡ của Nhân dân thế giới trong Chiến dịch Điện Biên Phủ và Tôn vinh. Với rất nhiều hiện vật được trưng bày, dưới mỗi hiện vật đều có chú thích đầy đủ thông tin một cách ngắn gọn, súc tích, làm nổi bật ý đồ của việc trưng bày giúp người xem thấy rằng, mỗi hiện vật hoặc một nhóm hiện vật là một câu chuyện, một giai đoạn lịch sử.

Nhằm tạo sự đa dạng, thu hút khách tham quan, hàng năm, Bảo tàng sưu tầm, trưng bày, bổ sung các tài liệu, hiện vật tiêu biểu (hiện có gần 7.000 tài liệu, hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý, hiếm). Nổi bật, trong năm 2023 trưng bày 2 bộ sưu tập: Súng của Quân đội Nhân dân Việt Nam và quân đội Pháp sử dụng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ; Vỏ đầu đạn pháo 105mm và tổ chức, phối hợp tổ chức một số cuộc triển lãm ảnh chuyên đề: Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử; Dấu ấn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Điện Biên Phủ; Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử, văn hóa và du lịch; Từ Điện Biên Phủ năm 1954 đến Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không năm 1972;...

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 3462 về việc Phê duyệt Đề án tổ chức Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024. Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024 là sự kiện văn hóa, KT-XH tiêu biểu, có quy mô quốc gia và tầm quốc tế, gắn với kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2024).

Việc tổ chức Năm Du lịch quốc gia nhằm góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và Nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hoạt động du lịch trong phát triển KT-XH; giới thiệu, quảng bá các nét đẹp về giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, tài nguyên và sản phẩm du lịch đặc sắc của con người, đất nước Việt Nam nói chung và tỉnh Điện Biên nói riêng, trong đó Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ thực sự là điếm đến không thể bỏ qua./.

Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vừa được xếp hạng II, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Đây là niềm vinh dự, động lực to lớn để tập thể cán bộ, viên chức, người lao động quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị to lớn của Chiến thắng Điện Biên Phủ, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến đông đảo khách tham quan trong nước và quốc tế.

Nguyễn Hà

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nguoc-dong-tim-ve-lich-su-chin-nam-lam-mot-dien-bien--a175730.html