Người anh hùng trong trận chiến ở thung lũng Ia Đrăng

Trận Ia Đrăng là trận đánh then chốt quyết định nhất của chiến dịch Plây Me, là cuộc đụng độ quy mô lớn lần đầu của chủ lực ta với quân đội Mỹ.

LTS: Nhân kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sĩ 27 tháng 7, Đại tá Đặng Việt Thủy chia sẻ bài viết về người anh hùng trong trận chiến ở thung lũng Ia Đrăng.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Cách đây 53 năm (tháng 11/1965) tại thung lũng Ia Đrăng trong chiến dịch Plây Me lịch sử, đã xảy ra một trận chiến đấu các liệt, đánh dấu một mốc son trong lịch sử cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của quân và dân ta.

Đây là lần đầu tiên bộ đội chủ lực của quân đội ta giao chiến với một đơn vị sừng sỏ số 1 của quân đội viễn chinh Mỹ, trận đánh đã đi vào lịch sử, đánh dấu sự thất bại đầu tiên của quân đội Mỹ ở chiến trường miền Nam.

Trận Ia Đrăng là trận đánh then chốt quyết định nhất của chiến dịch Plây Me, là cuộc đụng độ quy mô lớn lần đầu của chủ lực ta với quân đội Mỹ.

Quân Mỹ đổ bộ xuống thung lũng Ia Đrăng trong Chiến dịch Plây Me năm 1965. Ảnh tư liệu/ Baobinhphuoc.com.vn

Tại thung lũng Ia Đrăng, bộ đội ta đã chủ động đánh địch liên tục, tiêu hao và tiêu diệt nhiều đơn vị tinh nhuệ của Mỹ, ngụy trong hàng loạt các trận: bao vây diệt đồn, tập kích, phục kích, đánh xe cơ giới, đánh địch đổ bộ đường không...

Với ý chí chiến đấu kiên cường, tác phong chiến đấu linh hoạt, dũng mãnh, đoàn kết hiệp đồng chặt chẽ, với tinh thần hy sinh, vượt mọi khó khăn, gian khổ, bộ đội ta đã đánh bại mọi chiến thuật và cái gọi là "sức mạnh sắt thép" của Mỹ, chứng minh hùng hồn yếu tố con người, yếu tố tinh thần là quyết định.

Sau khi Tiểu đoàn 7 và Tiểu đoàn 9 của Trung đoàn 66 (Mặt trận Tây Nguyên) diệt gọn 2 đại đội Mỹ, nhưng cả hai tiểu đoàn của ta cũng bị tiêu hao.

Để tập trung lực lượng giáng đòn quyết định diệt gọn tiểu đoàn Mỹ, Bộ tư lệnh chiến dịch ra lệnh điều gấp Tiểu đoàn 8 bộ binh do Đại úy Tiểu đoàn trưởng Lê Xuân Phôi chỉ huy, đang trên đường hành quân từ Bắc vào, tham gia chiến đấu.

Mặc dù lúc này đơn vị còn cách khu vực tác chiến vài chục ki lô mét, nhưng do nắm được ý định tác chiến của trên, Lê Xuân Phôi tổ chức bộ đội cắt rừng hành quân suốt đêm 16/11/1965 đến trưa ngày 17/11, Tiểu đoàn 8 đã tới Ia Đrăng.

Trưa hôm đó, Tiểu đoàn 8 đang nghỉ ăn cơm dọc sông Ia Đrăng thì có tin trinh sát báo cáo: "Quân Mỹ đang tới gần", Tiểu đoàn trưởng Lê Xuân Phôi bình tĩnh đôn đốc tiểu đoàn nhanh chóng triển khai đội hình chiếm trận địa có lợi trước mặt và hai bên, hình thành thế bao vây ép địch vào giữa hai gọng kìm của tiểu đoàn.

Một số mốc thời gian về quá trình dính líu quân sự của đế quốc Mỹ

Sau khi dùng hỏa lực súng cối chế áp ngắm vào đội hình địch, quân ta dũng cảm đồng loạt xung phong chia cắt đội hình và đánh giáp lá cà với địch.

Cả đôi bên lúc này đội hình xen kẽ nhau đến độ chỉ cho phép dùng tiểu liên bắn găm, dùng lưỡi lê, lựu đạn mà chiến đấu.

Ngay từ đầu trận đánh, khi phát hiện được quân Mỹ, Lê Xuân Phôi vượt lên đầu trực tiếp chỉ huy bộ đội chiến đấu.

Anh luôn có mặt ở những nơi gay cấn, nguy hiểm nhất của trận đánh, động viên bộ đội "bám thắt lưng Mỹ mà đánh".

Khẩu hiệu "Bám thắt lưng Mỹ mà đánh" đã lan nhanh trong đơn vị và trở thành phương châm tác chiến cổ vũ toàn tiểu đoàn lập công.

Một số tấm gương tiêu biểu: Đinh Văn Đế, Trương Văn Bở dùng lê và dao găm hạ gục 5 tên Mỹ, Cao Đình Thơ dùng lê hạ 1 tên Mỹ...

Trận đánh ở thung lũng Ia Đrăng kéo dài suốt 8 tiếng, Tiểu đoàn 8 của Lê Xuân Phôi đã diệt gọn đại đội hành quân của lữ đoàn 3 và toàn bộ lực lượng còn lại của tiểu đoàn 1 thuộc sư đoàn "Kỵ binh không vận" số 1 của Mỹ, loại khỏi vòng chiến đấu 400 tên.

Các cựu chiến binh trong chuyến thăm lại thung lũng Ia Đrăng (tháng 5/2016). Ảnh: Baothainguyen.org.vn

Tại trận này, Lê Xuân Phôi đã "tả xung hữu đột" giữa đội hình địch cùng các chiến sĩ của mình giết giặc.

Lúc gần kết thúc trận đánh, Lê Xuân Phôi bị thương nặng, ruột lòi ra ngoài, anh đã tự tay ấn vết thương, xé tấm khăn dù ngụy trang để băng bó, tiếp tục chỉ huy bộ đội chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng và anh dũng hy sinh.

Trận thắng quyết định này đã buộc quân Mỹ phải tháo chạy khỏi thung lũng Ia Đrăng. Đây là lần đầu tiên quân Mỹ phải rút lui chiến dịch ở chiến trường miền Nam.

Lê Xuân Phôi (tức Bình, tên khai sinh là Lê Xương Phôi), sinh năm 1930, dân tộc Kinh, quê ở thôn Đa Giá, xã Ninh Mỹ, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

Năm 17 tuổi, Lê Xuân Phôi tình nguyện vào bộ đội, trưởng thành từ chiến sĩ liên lạc lên cán bộ trung đội, đại đội, tiểu đoàn.

Ở cương vị nào anh cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Lê Xuân Phôi đã tham gia các chiến dịch lớn như: Bắc Bắc, Trung Du, Thượng Lào, Điện Biên Phủ... trong kháng chiến chống thực dân Pháp.

Tại sao chọn Tây nguyên để mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975?

Điển hình trong trận tập kích cụm quân địch ở bản Ban (chiến dịch Thượng Lào tháng 4 năm 1953), với cương vị trung đội trưởng xung kích, Lê Xuân Phôi xông xáo dẫn đầu đơn vị thọc sâu, đánh chia cắt quân địch, diệt hàng chục tên, làm chủ trận địa.

Tại trận phục kích ở bản Bông trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Lê Xuân Phôi là trung đội trưởng đại liên, đã chỉ huy trung đội chiến đấu dũng cảm, diệt nhiều tên địch.

Trận đánh diễn ra quyết liệt, đồng chí chỉ huy đơn vị bộ binh bạn hy sinh, Lê Xuân Phôi đã lên thay chỉ huy cả hai lực lượng chiến đấu, đánh lui nhiều đợt phản kích của địch, diệt gần 100 tên, giữ vững trận địa, bảo vệ an toàn thương binh.

Trận này, Lê Xuân Phôi được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì.

Khi còn sống, Lê Xuân Phôi luôn chú trọng xây dựng đơn vị tiến bộ về mọi mặt, nhất là xây dựng quyết tâm chiến đấu.

Vì vậy, trong trận đánh ở thung lũng Ia Đrăng, khi tiểu đoàn do anh chỉ huy, đang hành quân gặp Mỹ, cán bộ chiến sĩ hạ ba lô là đánh được ngay và đánh thắng.

Trận đánh ở thung lũng Ia Đrăng đã làm chấn động đến toàn nước Mỹ, báo hiệu sự thất bại không thể tránh được của quân đội viễn chinh Mỹ.

Lê Xuân Phôi được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng Nhì, 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhất, 2 lần là chiến sĩ thi đua...

Ngày 30 tháng 8 năm 1995, liệt sĩ Lê Xuân Phôi được Nhà nước truy tặng danh hiệu cao quý "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân".

Ngày nay, tại thị trấn huyện lỵ Thiên Tôn của huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, một con đường được mang tên Anh hùng liệt sĩ Lê Xuân Phôi.

* Tài liệu tham khảo chính:

- Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương - Ban tư tưởng văn hóa Trung ương, Chân dung anh hùng thời đại Hồ Chí Minh, Tập II, Nhà xuất bản Lao động - Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2000.

Đại tá Đặng Việt Thủy

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/xa-hoi/nguoi-anh-hung-trong-tran-chien-o-thung-lung-ia-drang-post187962.gd