Người Australia kẹt ở nước ngoài không tin vào lời hứa của chính phủ

Nhiều người Australia bị mắc kẹt ở nước ngoài tỏ ra không mấy lạc quan về kế hoạch mở cửa biên giới của chính phủ Australia, do thiếu sự cụ thể và chắc chắn về một số quy định.

Sau 17 tháng bị mắc kẹt ở nước ngoài, Allison Bradwell không hy vọng gì nhiều về kế hoạch mở cửa lại biên giới quốc tế của Australia khi tỷ lệ tiêm ngừa Covid-19 đạt ngưỡng quan trọng vào tháng tới, theo South China Morning Post.

“Không có thông tin chi tiết sau thông báo”, Bradwell nói.

Bradwell là người gốc Sydney hiện sống cùng chồng ở Kuala Lumpur, Malaysia. Cô không mấy kỳ vọng vào lời cam kết của Thủ tướng Scott Morrison về việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ đối với công dân nước ngoài về nước trong vòng vài tuần tới. Cô đã bỏ lỡ Giáng sinh, lễ tốt nghiệp của con gái và sinh nhật lần thứ 90 của bố mẹ chồng.

Việc kiểm soát biên giới nghiêm ngặt vì Covid-19 đã dẫn đến vô số câu chuyện về người Australia bị chia cắt khỏi gia đình. Họ phải bỏ lỡ các sự kiện lớn trong nhà như người thân sinh nở, qua đời, đám cưới và đám tang.

Hàng chục nghìn người Australia đã không thể trở về nhà trong thời gian đại dịch do giới hạn nghiêm ngặt về lượng người nhập cảnh hàng ngày và giá vé máy bay cao ngất ngưởng.

Tính đến tháng 9, hơn 45.000 người Australia ở nước ngoài đang tìm kiếm sự hỗ trợ của chính phủ để trở về nước, theo số liệu do Bộ Ngoại giao và Thương mại của Australia thu thập.

Bradwell nghi ngờ rằng nhiều người Australia ở nước ngoài sẽ khó có thể về nhà đón Giáng sinh năm nay. Sự không chắc chắn xung quanh các kế hoạch của chính phủ đã khiến việc đảm bảo các chuyến bay trở nên khó khăn, nếu không muốn nói là không thể.

 Một đoạn đường ở Melbourne, Australia. Ảnh: AP.

Một đoạn đường ở Melbourne, Australia. Ảnh: AP.

“Không tin chính phủ sẽ có kế hoạch cần thiết đúng lúc”

Tuần trước, Australia công bố về việc giảm giới hạn đối với công dân muốn trở về, và cho phép những người đã tiêm vaccine tự cách ly tại nhà trong 7 ngày thay vì 14 ngày ở khách sạn.

Bradwell cho rằng việc giảm giới hạn như vậy không thật sự có ý nghĩa vì "lỡ như không có nhà riêng thì chúng tôi cũng phải thuê khách sạn thôi".

Bên cạnh đó, việc đóng cửa biên giới giữa các tiểu bang cũng là một vấn đề phức tạp.

"Hầu hết gia đình chúng tôi ở Sydney nhưng con gái chúng tôi ở Melbourne. Vì vậy, nếu chúng tôi về, chúng tôi có khả năng buộc phải lựa chọn giữa cha mẹ và con gái”, cô lo ngại.

“Cho đến khi chính phủ Australia đưa ra các kế hoạch chắc chắn về lịch trình, sắp xếp việc kiểm dịch,… các hãng hàng không sẽ không thể thay đổi bất cứ điều gì”, Bradwell nói.

“Một số ít người tìm được chuyến bay về Australia đang tốn rất nhiều thời gian trên mỗi chuyến bay. Các hãng bay không thể mạo hiểm thực hiện thêm chuyến bay và nhận thêm khách nếu họ không thể bay. Tôi không tin rằng chính phủ Australia sẽ có kế hoạch cần thiết đúng lúc”, cô chia sẻ thêm.

Trong một quyết định tạm thời vào tháng 4, Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã kêu gọi chính phủ Australia “tạo điều kiện và đảm bảo” cho việc hồi hương nhanh chóng của một công dân Australia, khi người này phàn nàn rằng chính sách biên giới của đất nước vi phạm nhân quyền của mình.

 Một điểm xét nghiệm Covid-19 cho phép xe đi qua ở bãi biển Bondi, Sydney, Australia, ngày 1/9. Ảnh: Reuters.

Một điểm xét nghiệm Covid-19 cho phép xe đi qua ở bãi biển Bondi, Sydney, Australia, ngày 1/9. Ảnh: Reuters.

Ông Morrison đã khẳng định rằng quyết định đóng cửa biên giới của Australia vào tháng 3/2020 đã giúp cứu sống hơn 30.000 sinh mạng, tránh được hàng loạt ca tử vong mà các nước như Anh hay Mỹ từng phải gánh chịu.

Melbourne là một trong những nơi có thời gian đóng cửa vì đại dịch lâu nhất thế giới. Đất nước đã báo cáo gần 1.400 trường hợp tử vong do Covid-19. Đây là một trong những nơi có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 bình quân đầu người thấp nhất trên thế giới.

Những lời hứa chưa bao giờ được thực hiện

Theo kế hoạch mở cửa gồm nhiều giai đoạn của Australia, di chuyển quốc tế dự kiến trở lại khi 80% người Australia trên 16 tuổi được tiêm chủng đầy đủ. Ngưỡng này được dự kiến đạt được vào tháng 11.

Tuy nhiên, việc mở cửa trở lại của quốc gia này sẽ không đồng đều với 8 tiểu bang và vùng lãnh thổ. Các khu vực trong nước hoạt động theo những lịch trình khác nhau trong việc triển khai vaccine và thiết lập quy tắc cách ly tại nhà.

Lãnh đạo của hầu hết bang không có dịch như Western Australia đã xung đột với Thủ tướng Morrison về việc mở cửa trở lại của đất nước, tuyên bố bang sẽ đóng cửa cho đến khi đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao hơn.

Biên giới quốc tế ban đầu sẽ mở cho công dân và thường trú nhân Australia, sau đó là sinh viên nước ngoài và công nhân lành nghề. Khách du lịch quốc tế dự kiến không được phép nhập cảnh cho đến năm 2022.

Ngày 7/10, bang New South Wales, bao gồm Sydney, sau hơn 100 ngày ngừng hoạt động đã công bố kế hoạch dỡ bỏ dần phong tỏa sau khi đạt được mục tiêu tiêm chủng là 70% cho người trên 16 tuổi.

Thủ hiến Dominic Perrottet của bang cho biết các cửa hàng không thiết yếu, quán rượu và phòng tập thể dục sẽ được phép hoạt động trở lại kể từ ngày 11/10 trong giai đoạn đầu mở cửa của bang, nhưng giới hạn số lượng khách hàng và chỉ cho phép khách hàng đã được tiêm phòng.

Thông báo được đưa ra khi tiểu bang báo cáo 587 trường hợp mắc Covid-19 mới, trong khi bang lân cận Victoria ghi nhận 1.638 trường hợp nhiễm virus.

New South Wales có kế hoạch nới lỏng hơn nữa các biện pháp đối với người dân được tiêm chủng khi tỷ lệ tiêm chủng của bang đạt 80%, dự kiến vào cuối tháng này. Đến ngày 1/12, bang hy vọng sẽ giảm bớt hạn chế về sức chứa tại các văn phòng và hộp đêm.

 Cảnh sát tuần tra trung tâm thành phố Sydney, Australia, ngày 18/8. Ảnh: Reuters.

Cảnh sát tuần tra trung tâm thành phố Sydney, Australia, ngày 18/8. Ảnh: Reuters.

Kym Bramley, thành viên của nhóm vận động Stranded Aussies Action Network (tạm dịch: Mạng lưới hành động cho người Australia bị mắc kẹt), cho biết người Australia ở nước ngoài đang nghe ngóng về việc mở lại biên giới quốc tế vào tháng 11 với nhiều cảm xúc lẫn lộn.

Bramley nói: “Tin tức này đang được đón nhận với sự nhẹ nhõm, nhưng cũng đầy lo lắng và bối rối. Trước đây cũng đã có những lời hứa rằng tất cả chúng tôi có thể về nước vào Giáng sinh năm 2020, nhưng điều đó chưa bao giờ xảy ra. Năm 2021 đã chứng minh rằng người Australia ở nước ngoài thậm chí còn khó khăn hơn trong việc về nước”.

Bramley cho biết có lo ngại rằng nhiều người Australia sẽ vẫn mắc kẹt do không chắc chắn về cách thức hoạt động của việc kiểm dịch tại nhà, cũng như việc người Australia ở nước ngoài sử dụng các loại vaccine chưa được phê duyệt ở trong nước.

Emma Gardner, sống ở Đức và đã không về nước kể từ tháng 5/2019, nói rằng cô đã đặt vé các chuyến bay trên hai tuyến đường khác nhau cho tháng 1/2022, nhưng không chắc mình có thể về nhà hay không, vì sự thiếu rõ ràng trong các yêu cầu kiểm dịch tại nhà.

“Tôi muốn đợi các hướng dẫn cụ thể về việc cách ly tại nhà. Tôi rất muốn về nước trước mùa hè, nhưng tôi nghĩ rằng về vào cuối hè thì thực tế hơn”.

Đối với Bradwell, ngay cả khi Australia đã thay đổi các chính sách để loại bỏ tư duy “Pháo đài Australia”, dù nhẹ nhõm hơn phần nào, cô vẫn tức giận vì bị bỏ rơi nhiều hơn.

Hồng Ngọc

Theo South China Morning Post

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-australia-ket-o-nuoc-ngoai-khong-tin-vao-loi-hua-cua-chinh-phu-post1269394.html