Người bạn đường thông minh và tin cậy
Đọc 'Tư tưởng và phong cách nhà văn - Những vấn đề lý luận và thực tiễn' của Trần Đăng Suyền, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2019.
1.Tôi có cái nhu cầu và niềm thích thú riêng khi đọc cuốn "Tư tưởng và phong cách nhà văn - Những vấn đề lý luận và thực tiễn" của nhà văn, GS- TS Trần Đăng Suyền. Cái nhu cầu và niềm thích thú của một người viết văn cao tuổi, đã có một số tác phẩm (hay dở thế nào chưa bàn) nhưng cũng gọi là đã có "một quá trình".
Và vì đã có một quá trình rồi nên về tâm lý bỗng nảy sinh cái ý muốn, cái niềm vui được đo đạc mình trong cái thước đo của lý luận và thực tiễn đặt ra từ cuốn sách này. "Giơ tay với thử trời cao thấp/ Xoạc cẳng đo xem đất ngắn dài".
Ấy thế, dẫu biết rằng công trình này như tác giả của nó tự giới thiệu một cách khiêm tốn rằng, nó chỉ là một trong những lối đi tới cái đích là chân lý mà thôi. Soi mình trong gương, ngắm mình bên các chuẩn mức, hãy tạm gọi như thế, là một yêu cầu chính đáng của con người! Là bởi vì, hoàn thiện luôn là mục đích tối đa của mỗi tài năng nhân cách. Là bởi vì có phải lúc nào mình cũng hiểu mình đâu. Nhất hạng nhà văn mình.
Thì chính là W. Goethe vĩ đại đã chẳng hơn một lần từ chối không trả lời về tư tưởng của "Fauxtơ" đó thôi. Nhà thơ nói: "Và thế là họ đến gặp tôi và nói, trong Fauxtơ tôi muốn thể hiện tư tưởng gì? Làm như chính tôi biết điều đó!". Và một lần khác, trả lời câu hỏi của Eckecman là ông định thể hiện tư tưởng gì trong tác phẩm "Tátxô", Goethe đáp: "Tư tưởng ư? Làm sao mà tôi biết được. Trước mắt tôi là cuộc sống của Tátxô".
Còn các nhà văn chúng ta đâu có ít lần đã lúng túng trước câu hỏi đầy vẻ thử thách và ỷ lại của các nhà báo: Ông định gửi gắm điều gì trong tác phẩm này?
Nhắc lại chi tiết này, Trần Đăng Suyền cười bảo tôi: "Nhà báo nhầm! Trả lời câu hỏi đó là việc của các nhà nghiên cứu, chứ không phải việc của nhà văn - cha đẻ của cuốn sách". Và thế là sự xuất hiện nhà nghiên cứu lý luận bên cạnh nhà văn hiển nhiên đã là một quy luật tất yếu.
Nói vậy để thấy rằng, với cuốn sách này, cảm giác đầu tiên và lớn lao nhất của tôi là một sự kết thân bạn bè. Tôi đã đọc hết 400 trang giấy in khổ 16 x 24 cuốn sách một cách say mê, có lúc trong tâm trạng e ngại và có phần choáng ngợp trước một đối tượng mình tự coi là ngoại đạo, nhưng rốt cuộc là cũng đã thỏa mãn chút nhu cầu và niềm vui riêng tư của mình.
Một nhu cầu thực dụng và nhỏ mọn! Nhưng đó là một sự thật và có ích xiết bao. Nghĩa là tôi nhờ nó mà hiểu thêm được một số điều hệ trọng về mình, về công việc của mình, trong đó qua đối chứng so sánh, quan trọng, tôi nhận ra điều được và điều chưa được trong các sáng tác của mình, một cách thật thoải mái và tự nhiên. Một cuộc soát xét tự nguyện bản thân nghiêm túc và vui vẻ !
2.Trong tập sách "Vui vui… chuyện làng văn" do Nhà xuất bản Công an nhân dân ấn hành, tác giả Hoàng Tuyên có kể câu chuyện nhan đề "Họp mặt với các cụ" vui vui đại ý như sau:
Giáo sư Phương Lựu, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt I (2001), Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 4 (2012), tác giả của nhiều công trình lý luận văn học nổi tiếng của nước ta, bận lắm. Vợ ông kể: ở nhà trừ lúc ăn cơm ra, lúc nào cũng thấy ông ngồi ở bàn làm việc! Ông ngồi ở bàn làm việc, nhưng ông đâu có ngồi một mình. Quanh ông là la liệt trước tác của Mác, Ănghen, Lênin, Hêghen, Kant, Lỗ Tấn, Lê Quý Đôn, Ngô Thì Nhậm… Ông nói vui: Tôi đang chủ trì cuộc họp với các cụ đấy chứ!
Rồi ông tiếp: "Thích nhất là được mời các cụ đến họp rất đầy đủ. Mà đặc điểm các cụ là: Thứ nhất: Cực kỳ thông minh; thứ hai: trung thực; thứ ba: nghiêm túc; thứ tư : khiêm tốn và thứ năm: hết sức vô tư. Mời cụ nào là cụ ấy phát biểu ngay. Và phát biểu xong là về chỗ, lặng lẽ ngồi im, không đòi hỏi phong bì thù lao!
Thành ra, có lần một người hỏi ông: Anh Phương Lựu ơi, hôm qua tôi nghe anh nói: Càng quay mạnh sang tả thì càng gặp ngay bên hữu. Đó là câu nói của ai vậy? Thì được Phương Lựu cho biết tác giả của câu nói đó là Lỗ Tấn. Hỏi tiếp: Lỗ Tấn nói ở đâu vậy? Thì được GS-TS bảo: Ở cuộc họp mới hôm qua do tôi chủ trì! Thế còn câu Các Mác nói: "Hai cực đối lập thì hôn nhau?" - Được thể người nọ hỏi dồn. Thì cũng lại nhận được câu trả lời hóm hỉnh rằng, cũng ở cuộc họp hôm qua do ông chủ trì với chừng 50 cụ tầm cỡ như những tên tuổi đã kể, trong đó hầu hết đều đã mất. Những người đã mất! Họ đông đảo lắm. Và họ là một bộ phận quan trọng của văn minh văn hóa của nhân loại.
Ra là vậy! Nhưng mà hình ảnh họp mặt với các cụ đâu chỉ là của mỗi Phương Lựu - GS-TS khoa học thân mến của tôi. Nó là của nhiều nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn nghệ mà tôi quen biết. Của Phong Lê, Trần Đình Sử, La Khắc Hòa, Đỗ Lai Thúy, Nguyễn Ngọc Thiện, Phan Trọng Thưởng, Bùi Việt Thắng, Bích Thu, Tôn Phương Lan, Lưu Khách Thơ, Đỗ Hải Ninh… Của Trần Đăng Suyền! Họ đều là những người làu làu kinh sử. Họ đọc thiên kinh vạn quyển. Họ là những người học hành có bài bản, có bằng cấp, họ được đào tạo chính quy. Họ là những người uyên bác. Họ siêng năng lắm trong việc đọc, việc tự học. Họ thân quen với các danh nhân có trí tuệ khổng lồ.
Dông dài tí chút như vậy, người viết bài này chỉ muốn nói rằng, hàm lượng trí tuệ của cuốn "Tư tưởng và phong cách nhà văn…" đang có trên tay tôi đây, thật sự là biểu hiện một sức vóc khái quát, chọn lọc, tổng kết và dẫn giải đã đạt đến độ có thể tin cậy hoàn toàn! Và điều này trước hết và cũng là sau cùng, thể hiện ở khả năng làm chủ, điều hành một khối lượng tư liệu to lớn những tinh hoa tri thức của nhân loại và trình bày chúng một cách có hệ thống, mạch lạc, kỹ lưỡng, toàn diện, không bỏ sót, tỉ mỉ mà không xô bồ hỗn độn, rối rắm.
Là sự kết hợp khéo léo, nhuần nhuyễn giữa lý luận minh triết và thực tiễn tươi xanh; là sự thấm nhuần tính biện chứng của lịch sử, hài hòa kim cổ, đông tây, trong ngoài; tạo nên một bức toàn cảnh văn chương có tính toàn cầu; trong đó như tác giả quan niệm và thực hiện, riêng thực tế văn học trong nước, với các tên tuổi tác giả tác phẩm tiêu biểu, là đầy đủ cơ sở dữ kiện để minh chứng cho điều trọng yếu của vấn đề, "Tương lai chỉ thuộc về những ai nắm được phong cách" (Victor Hugo), một phát hiện thú vị của công trình.
Điều này không còn nghi ngờ gì nữa nếu ta đọc kỹ phần thứ hai của cuốn sách, trong đó tác giả khảo luận một loạt các cây bút Việt điển hình như Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Nam Cao, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Xuân Khánh, Hữu Thỉnh…
Như vậy, đến đây có thể nói, tiếp xúc với cuốn sách này, một cách khách quan, lần lần tôi đã bỏ qua cái nhu cầu và niềm vui có tính thực dụng riêng tư, để vươn tới tầm người đọc trong tư cách một độc giả hưởng thụ một thành quả văn hóa nói chung với sự cảm phục và thật sự trân trọng.
Lập thân từ một tỉnh lẻ, tính lại vốn rụt rè, ngại ngùng trong giao tiếp và rất ít tự tin nên thực tình, với công trình này của GS - TS Trần Đăng Suyền, trong thâm tâm, chí ít tôi cũng muốn coi đó là một người bạn đường thân thiết thông minh và hết lòng tin tưởng, nếu không muốn nói đó là một cuốn sách giáo khoa, có tính hàn lâm, một trong những cẩm nang cần thiết cho nghề nghiệp viết lách của mình.
Đọc nó, nhà văn hiểu thêm mình và công việc của mình. Một cuốn sách hướng nghiệp rất cơ bản! Đọc nó, bạn đọc được truyền thêm cảm hứng, được trang bị thêm một năng lượng vật chất để khám phá, để cảm nhận hết chiều sâu bề rộng của một áng văn xuôi, một bài thơ, một thiên bút ký.
3.Thật sự quý trọng sức đọc, sức nghĩ, sức cảm vừa mạnh mẽ, sâu sắc vừa tinh tế tài hoa của Trần Đăng Suyền, nên tôi đã một lần hỏi anh: Anh mất bao lâu để có cuốn sách đồ sộ này? Ngẫm nghĩ trong giây lát, tác giả đáp trong ngập ngừng: "Kể về ám ảnh thì mất khoảng 10 năm".
10 năm trời ám ảnh! Trời! Bấy lâu cứ tưởng một cách rất hợm hĩnh ngây thơ rằng, chỉ có những kẻ viết văn làm thơ mới là tội đồ của cái sự khổ não vấn vương này. Nay thì hiểu rồi. Ám ảnh, đau đáu, mê đắm, day trở, ăn không ngon ngủ không yên, đầu óc lúc nào cũng tơ tưởng, vẩn vơ như kẻ mắc nợ đời… là đặc tính của những kẻ đã trót bán thân xác và linh hồn mình cho sự sáng tạo, cho nghệ thuật; là đặc trưng tính nết của những kẻ thuộc về cái gọi là nòi tình.
Một thập kỷ ám ảnh! Mười năm mài một lưỡi gươm! Hèn nào, đọc sách này vừa bị hấp dẫn vì sự khúc triết của trí tuệ vừa bị cuốn vào ma lực của một cơn nhiệt hứng dạt dào. Đọc văn mà nhận ra bên cái nghiêm ngắn mực thước chỉn chu là cái ngẫu hứng tài tình, thỏa sức vẫy vùng, tả xung hữu đột của tác giả. Đọc mà bị lây sang mình cái nhiệt tâm sôi nổi của một nội lực hăm hở, không biết đến sự vơi cạn của người viết.
Hà Nội, ngày 31 tháng 7 năm 2019
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/ly-luan/nguoi-ban-duong-thong-minh-va-tin-cay-556676/