Người bán hàng online ngạc nhiên vì bị truy thu thuế hàng trăm triệu

Thương mại điện tử Việt Nam cần phát triển một cách bền vững, các vấn đề về phương thức kinh doanh, thuế phải được đề cao và đảm bảo.

Sáng 24-4, Diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2024 (VOBF 2024) đã diễn ra tại Đại học Văn Lang TPHCM. Sự kiện do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức.

Thương mại điện tử mảng sáng kinh tế

Phát biểu tại diễn đàn, bà Lại Việt Anh, Phó cục trưởng Cục thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương đánh giá TMĐT năm 2023-2024, tiếp tục là mảng sáng trong bức tranh kinh tế còn nhiều gam trầm.

Với tốc độ tăng trưởng 25% so với năm 2022, đạt 25 tỉ USD, với quy mô bán lẻ hàng hóa trực tuyến đã đạt 17,3 tỉ USD, cao hơn nhiều so với bức tranh tổng thể của nền kinh tế. Chính vì thế, theo bà Lại Việt Anh, ở giai đoạn năm 2024-2025, TMĐT sẽ tiếp tục phát triển mạnh.

 Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục thương mại điện tử và kinh tế số. ẢNH: THU HÀ

Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục thương mại điện tử và kinh tế số. ẢNH: THU HÀ

Dù vậy, thực tế mà lãnh đạo Cục TMĐT- KTS cũng như VECOM chỉ ra tỉ lệ rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa từ ngành này đang trở nên nhanh chóng.

Theo một nghiên cứu được thực hiện trong khuôn khổ Dự án Giảm thiếu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam, năm 2023 TMĐT nước ta đã sử dụng 170.000 tấn bao bì, vật liệu nhựa các loại. Con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh theo đúng đà tăng của thị trường trực tuyến.

"Điều này, gây áp lực không nhỏ tới môi trường cũng như sự tăng trưởng của nền kinh tế bền vững, hướng tới giảm phát thải của Việt Nam. Do đó, TMĐT trong giai đoạn hiện tại cần tập trung vào sự tăng trưởng ổn định, bền vững.

 Thay vì tăng trưởng nhanh, vượt bậc, thương mại điện tử cần hướng tới sự bền vững ổn định. ẢNH: THU HÀ

Thay vì tăng trưởng nhanh, vượt bậc, thương mại điện tử cần hướng tới sự bền vững ổn định. ẢNH: THU HÀ

Hiện nay, Cục TMĐT và KTS đang tham mưu và trình cơ quan quản lý kế hoạch phát triển tổng thể TMĐT trong 5 năm tới, trọng tâm là TMĐT bền vững. Trong đó, nhấn mạnh vào yếu tố xanh, lành mạnh, phát triển tích cực ổn định, dựa trên ứng dụng công nghệ, sử dụng nguồn lực chất lượng cao..."- bà Anh nói.

Thiếu sót về thuế trong kinh doanh online

Cùng với những nỗ lực trong chuyển đổi cách thức bán hàng, theo các chuyên gia hội thảo, hiện nay các vấn đề thuế, pháp lý thương mại điện tử cũng cần được đẩy mạnh.

Ông Trần Minh Hiệp, chuyên gia tư vấn cao cấp Trung tâm tư vấn pháp luật VECOM dẫn ví dụ, cách đây vài ngày, đơn vị của ông đã gặp một trường hợp nhà bán lẻ là một bà mẹ bỉm sữa kinh doanh online trên sàn được bốn năm. Mới đây, cơ quan thuế gửi thông báo về truy thu thuế lên tới hàng trăm triệu đồng.

"Nhà bán lẻ này ngạc nhiên nộp thuế trong kinh doanh online. Điều này, cho thấy nhận thức kinh doanh hiện nay chưa có nhiều về thuế, khi chỉ nghĩ rằng kinh doanh online chỉ cần lên sàn ra đơn là đủ"- ông Hiệp đặt vấn đề.

Ở góc độ tư vấn pháp lý, ông Hiệp chỉ ra sáu lưu ý trong vấn đề luật pháp và kinh doanh online, để nhà bán, doanh nghiệp có thể phát triển bền vững đối với ngành hàng này.

Đầu tiên, bên bán cần chuyên nghiệp hóa về điều kiện, thủ tục gia nhập thị trường. Trong đó, bên bán phải thành lập thương nhân kinh doanh. Tiếp đến, cần đảm bảo nguồn hàng hợp pháp, tuân thủ các giấy phép con về C.O, C.Q..., nhãn phụ và các giấy tờ khác.

Đồng thời, nhà bán hàng cũng cần quan tâm tới bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đáp ứng các điều kiện kinh doanh đối với hàng hóa có điều kiện, không bán, lưu trữ các sản phẩm, ngành hàng bị cấm, dù bán chạy tới đâu.

Thứ hai, bên bán cần chuyên nghiệp hóa về nguồn gốc hàng hóa, xuất xứ. Theo ông Hiệp, hiện nay ngành thuế đang kiểm tra rất kỹ về hóa đơn đầu vào của sản phẩm, do đó bên bán hàng không nên có suy nghĩ mua hóa đơn giả và cảnh giác với hàng nhập lậu, hàng nhái...

Thứ ba, nhà kinh doanh online cần thực hiện các biện pháp niêm yết, công bố thông tin như kênh xử lý khiếu nại, tư vấn... Đây là yếu tố lấy được niềm tin của người tiêu dùng.

Thứ tư, bên bán cần có chính sách chuyên nghiệp về giao vận, bảo quản, các cơ chế về truy xuất nguồn gốc.

Thứ năm, để bán hàng trên Shopee, Tiki, hay Lazada,... được bền vững thì bên bán cần xác định thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế.

Thứ sáu, có trách nhiệm cộng đồng như góp phần trong phát triển xanh hóa, giảm phát thải...

THU HÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/nguoi-ban-hang-online-ngac-nhien-vi-bi-truy-thu-thue-hang-tram-trieu-post787181.html