Người bệnh cao tuổi hưởng nhiều tiện ích khi được kê đơn thuốc dài ngày
Việc kê đơn thuốc dài ngày với những người bệnh cao tuổi ngoại trú sẽ làm tăng tính tuân thủ điều trị của người bệnh; giảm quá tải cho các bệnh viện và bác sĩ điều trị.

Cấp phát thuốc cho bệnh nhân.
Chuẩn bị sẵn nguồn lực, thuốc cho cấp phát thuốc dài ngày
Bà Hoàng Thị M. (65 tuổi, phường Thanh Xuân, thành phố Hà Nội) được quản lý bệnh huyết áp 5 năm qua tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương. Tháng một lần, bà phải đến viện từ rất sớm thì may ra mới khám xong được trong buổi sáng và lấy thuốc về. Nhưng lần khám này, bà vui vẻ hơn hẳn khi tình trạng bệnh của bà được nhận định ổn định, được cấp thuốc tới 90 ngày.
"Nghe báo đài nói nhiều, nay được bác sĩ kê đơn dài ngày, người già như chúng tôi vui lắm. Mình cứ nghe bác sĩ, tuân thủ điều trị, uống thuốc đúng giờ để bệnh ổn định thì 90 ngày sau lại đến lấy thuốc", bà M. nói rồi đưa đơn kê chờ ở quầy thuốc bảo hiểm.
Chị Nguyễn Thị Ng. (55 tuổi, phường Thanh Liệt, thành phố Hà Nội) nhiều năm qua đưa mẹ đi khám bệnh sa sút trí tuệ. Hằng tháng, nếu bố chị không đủ sức khỏe đưa mẹ đi, chị phải xin nghỉ việc một ngày để "tháp tùng" mẹ tới viện. Lần này, mẹ chị được phát thuốc 60 ngày, chị thấy vui hơn.
"Bác sĩ có dặn với trường hợp mẹ tôi cần phải đặc biệt lưu ý sợ nhầm thuốc vì lấy thuốc dài ngày. Hôm nay về tôi sẽ phân loại thuốc và dặn bố phải cho mẹ uống thuốc đúng giờ", chị Ng. chia sẻ.

Thạc sĩ, bác sĩ nội trú Dương Văn Nghĩa, Khoa Khám bệnh khám cho người bệnh.
Bệnh viện Lão khoa Trung ương là bệnh viện tuyến cuối trong công tác chăm sóc và điều trị cho người cao tuổi. Đối tượng khám chữa bệnh của bệnh viện phần lớn là những bệnh nhân trên 50 tuổi có nhiều bệnh đồng mắc, dùng nhiều thuốc, khả năng đi lại, giao tiếp xã hội gặp nhiều hạn chế. Vì vậy, sự ra đời của Thông tư 26/2025/TT-BYT nhận được sự đón nhận tích cực của cả người bệnh và nhân viên y tế bệnh viện.
Trước đó, Bệnh viện Lão khoa Trung ương đã có một số kinh nghiệm trong việc lập kế hoạch triển khai kê đơn dài ngày trước khi Thông tư 26 được ban hành.
Trong giai đoạn Covid -19, dưới sự hướng dẫn của Cục Quản lý khám chữa bệnh, bệnh viện đã triển khai việc thực hiện kê đơn dài ngày cho bệnh nhân người cao tuổi trong thời gian dịch diễn biến phức tạp.
Từ cuối năm 2024, để chuẩn bị cho việc soạn thảo Thông tư 26, Cục Quản lý Khám chữa bệnh có Công văn số 1724/KCB-NV ngày 24/10/2024 về thí điểm kê đơn trên 30 ngày tại một số cơ sở y tế. Bệnh viện Lão khoa Trung ương đã đề xuất thực hiện kê đơn trên 30 ngày với một số bệnh và nhóm bệnh và đã có báo cáo thống kê về những thuận lợi, khó khăn trong việc kê đơn dài ngày từ đó rút kinh nghiệm để việc thực hiện Thông tư 26 được tốt nhất.
Để triển khai Thông tư 26, Bệnh viện đã chuẩn bị đủ cơ số thuốc cấp cho người bệnh (cơ số thuốc có thể gấp 2, 3 lần bình thường). Đồng thời, bảo đảm đủ nhân lực phục vụ, điều phối khám bệnh và cấp phát thuốc.
Các bác sĩ tại Khoa Khám bệnh được tập huấn, nghiên cứu kỹ danh mục các bệnh được kê dài ngày, đồng thời trao đổi kỹ lưỡng với người bệnh và người nhà người bệnh để xét từng trường hợp cụ thể có thể kê đơn 1 tháng, 2 tháng hay 3 tháng.
Bệnh viện cũng bảo đảm hệ thống công nghệ thông tin thông suốt, kết nối ổn định phòng khám-kho thuốc và nhà thuốc.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ nội trú Dương Văn Nghĩa, Khoa Khám bệnh, việc kê đơn trên 30 ngày giúp người cao tuổi giảm số lần và thời gian đến các cơ sở khám, chữa bệnh của bản thân người bệnh; tiết kiệm chi phí đi lại, ăn uống; góp phần hạn chế nguồn lây nhiễm tại bệnh viện hoặc trên phương tiện công cộng.
Việc kê đơn thuốc dài ngày có giá trị đơn thuốc được ổn định, không bị thay đổi trong ít nhất 2-3 tháng sẽ làm tăng tính tuân thủ điều trị của người bệnh. Điều này cũng giúp giảm tải áp lực cho các bệnh viện và bác sĩ điều trị.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Nghĩa, vì được kê đơn dài ngày, nên bác sĩ cần theo dõi chặt chẽ hơn và kết nối với người bệnh thường xuyên hơn; đặc biệt đối với những người bệnh cần phải kiểm soát một số chỉ số như đường máu, huyết áp, nhịp tim...
Bên cạnh đó, do được lĩnh thuốc dài ngày, không được bác sĩ thăm khám dễ bỏ sót các dấu hiệu, triệu chứng diễn biến âm thầm chuyển bệnh nặng. Việc sử dụng thuốc dài ngày có thể dẫn đến tình trạng quên ngày khám lại, hết thuốc điều trị, nhất là đối với người bị sa sút trí tuệ.
"Bệnh viện yêu cầu các bác sĩ khám bệnh cung cấp số điện thoại cho người bệnh, các số hotline của bệnh viện. Các kênh thông tin chính thống của bệnh viện được phổ biến đến người bệnh để người bệnh liên hệ khi có bất thường về sức khỏe hoặc thắc mắc về cách dùng thuốc… Bên cạnh đó, bác sĩ khám bệnh phải lên lịch hẹn chi tiết ngày giờ khám lại, hướng dẫn người bệnh đi khám đúng hẹn nhất là vào các dịp nghỉ lễ dài ngày", bác sĩ Nghĩa cho hay.
Người bệnh cần tuân thủ điều trị theo đơn thuốc
Theo bác sĩ Nghĩa, bệnh mạn tính là bệnh phải điều trị kéo dài, sự ổn định chỉ là tạm thời, người mắc bệnh mạn tính thường là người già, có nhiều bệnh nên để duy trì bệnh ở tình trạng ổn định thì cần đọc kỹ đơn thuốc trước khi rời cơ sở khám bệnh chữa bệnh, nếu có gì chưa hiểu cần trao đổi ngay với bác sĩ kê đơn hoặc dược sĩ phát thuốc.

Người bệnh được giải thích rõ về thời gian kê đơn thuốc.
Do người bệnh lĩnh được nhiều thuốc một lần nên có nguy cơ để nhầm lẫn các loại thuốc đặc biệt với người bệnh sa sút trí tuệ, người bệnh suy giảm thị lực… Trong trường hợp này, người bệnh cần sự hỗ trợ của người nhà trong việc phân loại thuốc, bảo quản, sắp xếp các loại thuốc và thời gian uống thuốc cho đúng.
Người bệnh phải tuân thủ tiêm hoặc uống thuốc đầy đủ, đúng giờ bằng cách để thuốc cạnh bàn ăn hay tại phòng ngủ, đặt chuông điện thoại nhắc giờ uống thuốc; thường xuyên kiểm tra các chỉ số cơ bản như nhịp tim, huyết áp, đường máu tại nhà hoặc các cơ sở y tế gần nhà như nhà thuốc, trạm y tế phường, xã để bảo đảm phát hiện sớm các bất thường có thể xảy ra.
"Khi có các dấu hiệu bất thường về sức khỏe, người bệnh cần liên hệ với bác sĩ điều trị hoặc hotline của bệnh viện để được tư vấn khám lại ngay mà không chờ đến đúng hẹn", bác sĩ Nghĩa khuyến cáo.