Người bị thiệt hại do các hành vi tra tấn, bức cung, nhục hình có quyền được bồi thường về vật chất

Tại Điều 7 của Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) có quy định: Không ai có thể bị tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt một cách tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm. Đặc biệt, không ai có thể bị sử dụng để làm thí nghiệm y học hoặc khoa học mà không có sự đồng ý tự nguyện của người đó.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trên cơ sở kế thừa các quy định của Hiến pháp trước đây, Hiến pháp năm 2013 quy định mọi người không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thứ đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm (Điều 20). Quy định này của Hiến pháp được thể chế trong các văn bản pháp luật liên quan. Chẳng hạn như: Nghiêm cấm tra tấn, bức cung, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thứ đối xử nào khác xâm phạm thân thể, tính mạng, sức khỏe củ con người (Điều 10 BLTTHS); Nghiêm cấm tra tấn, truy bức, dùng nhục hình; các hình thứ đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người hoặc bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam (Điều 4 và 8 Luật Thi hành tạm giam tạm giữ (LTHTGTG)).

Pháp luật Việt Nam đã thiết lập một số cơ chế để đảm bảo các quyền này, chẳng hạn như: Hiến pháp quy định mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó có các hành vi tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thứ đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự được thực hiện theo quy định tại Chương XXXIII BLTTHS. Mọi hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc hành vi khác cản trở việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo sẽ bị xử lý hình sự theo quy định của BLHS (Điều 166).

VKSND kiểm sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; Quốc hội, HĐND, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát hoạt động của cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác liên quan đến hoạt động tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật (Điều 6 và 7 LTHTGTG).

Người bị thiệt hại do các hành vi tra tấn, bức cung, nhục hình có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật. Các quy định về bồi thường cho những người này được thực hiện theo các quy định chung về bồi thường.

Bộ luật Tố tụng hình sự quy định các biện pháp phòng ngừa bức cung, nhục hình như: Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh (Điều 183);

Quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan tố tụng phải thông báo trước cho người bào chữa thời gian và địa điểm tiến hành các hoạt động tố tụng để họ tham dự (Điều 183); Kiểm sát viên hỏi cung bị can trong trường hợp bị can kêu oan, khiếu nại hoạt động điều tra hoặc có căn cứ xác định việc điều tra vi phạm pháp luật hoặc trong trường hợp khác khi xét thấy cần thiết (Điều 183); Trường hợp khi bị cáo tố cáo bị bức cung, dùng nhục hình, Hội đồng xét xử quyết định việc cho nghe, xem nội dung được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh liên quan tại phiên tòa (Điều 313).

Bộ luật Hình sự không quy định tội danh riêng về tra tấn. Tuy nhiên, các hành vi có nội hàm tra tấn được xác định là hành vi phạm tội hình sự, được quy định trong tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, tội dùng nhục hình, tội bức cung (Điều 157, 373 và 374). Ngoài ra, BLHS cũng có các quy định về việc xử lý hình sự đối với một số hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm con người liên quan đến khía cạnh tra tấn như tội giết người, tội bức tử, tội đe dọa giết người, tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ, tội hành hạ người khác (Điều 123, 130, 133, 137 và 140)... Hình phạt đối với các hành vi phạm tội nêu trên là rất nghiêm khắc.

Luật Tương trợ tư pháp có quy định về từ chối dẫn độ nếu người bị yêu cầu dẫn độ là người đang cư trú ở Việt Nam vì lý do có khả năng bị truy bức ở nước yêu cầu dẫn độ do có sự phân biệt về chủng tộc, tôn giáo, giới tính, quốc tịch, dân tộc, thành phần xã hội hoặc quan điểm chính trị (Điều 35). Quy định này cũng được ghi nhận trong các điều ước song phương về tương trợ tư pháp mà Việt Nam đã ký kết với nước ngoài.

Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội (các Điều 15 và 98 BLTTHS).

Việc gây mê, mổ, cắt bỏ, cấy ghép mô, bộ phận cơ thể người; thực hiện kỹ thuật, phương pháp khám, chữa bệnh mới trên cơ thể người; thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất cứ hình thức thử nghiệm nào khác trên cơ thể người phải được sự đồng ý của người đó và phải được tổ chức có thẩm quyền thực hiện (Điều 33 BLDS).

Bên cạnh đó, Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác cũng đã có các quy định cụ thể về hành vi bị nghiêm cấm trong việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác như lấy trộm mô, bộ phận cơ thể người; lấy trộm xác; ép buộc người khác phải cho mô, bộ phận cơ thể người hoặc lấy mô, bộ phận cơ thể của người không tự nguyện hiến (Điều 11)… Người nào mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận thể người khác có thể bị xử lý hình sự về tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người (Điều 154 BLHS).

Chế độ quản lý giam giữ, ăn, ở, mặc, sinh hoạt, gửi và nhận thư, nhận đồ vật, tiền mặt, gặp thân nhân, chăm sóc y tế đối với người bị kết án tử hình trong thời gian chờ thi hành án thực hiện theo quy định của pháp luật về tạm giam.

Nội dung cấm tra tấn, ngược đãi, bảo vệ quyền công dân được lồng ghép trong nội dung giáo trình đào tạo bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ hành pháp và thực thi pháp luật.

Thái Yên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/nguoi-bi-thiet-hai-do-cac-hanh-vi-tra-tan-buc-cung-nhuc-hinh-co-quyen-duoc-boi-thuong-ve-vat-chat-165598.html