Người bị thoái hóa khớp kèm theo béo phì có nguy cơ gặp những biến chứng gì?
Tình trạng béo phì gây rất nhiều bất lợi cho sức khỏe, đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống xương khớp. Vì vậy, đối với những người béo phì bị bệnh viêm khớp, thoái hóa khớp cần phải giảm cân để cải thiện sức khỏe và ngăn ngừa biến chứng.
Nội dung
1. Béo phì làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp
2. Giảm cân giúp giảm đau và giảm biến chứng xương khớp
3. Nên ăn uống thế nào để giảm cân an toàn, hiệu quả?
1. Béo phì làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp
Béo phì là tình trạng tích tụ mỡ thừa bất thường. Đây là bệnh mạn tính đòi hỏi phải quản lý và điều trị lâu dài, bởi béo phì gây ra rất nhiều biến chứng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Béo phì có rất nhiều tác động bất lợi như làm giảm thời gian sống, gây ra nhiều bệnh lý mạn tính như: đái tháo đường, bệnh lý tim mạch, tăng lipid máu, hội chứng ngừng thở khi ngủ, gan nhiễm mỡ, thoái hóa khớp…
Béo phì ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống xương khớp khiến cho hệ thống xương khớp phải chịu áp lực rất lớn và rất dễ bị tổn thương.
Trọng lượng cơ thể quá nặng có thể làm tăng áp lực gây đau và căng giãn, khó chịu, đặc biệt là khớp đầu gối, hông và bàn chân, hạn chế khả năng vận động và dễ bị chấn thương khớp.
Chất béo dư thừa tạo ra một số chất trung gian gây viêm, ảnh hưởng đến các mô khớp và làm tình trạng đau nhức xương khớp trầm trọng hơn.
2. Giảm cân giúp giảm đau và giảm biến chứng xương khớp
Nhiều nghiên cứu cho thấy, giảm cân có thể giúp giảm đau xương khớp hiệu quả. Những biện pháp dự phòng, điều trị thừa cân, béo phì và duy trì thực hiện việc kiểm soát cân nặng lâu dài có thể cải thiện tình trạng sức khỏe, giảm biến chứng cho người bệnh.
Ở người đã có bệnh, giảm 5% trọng lượng cơ thể trở lên sẽ có tác động tích cực đến chức năng khớp gối cũng như kết quả điều trị. Giảm cân thành công sẽ giúp người bệnh đỡ đau khớp, phục hồi chức năng khớp, nâng cao chất lượng cuộc sống. Áp lực lên khớp ít hơn giúp tránh hao mòn các thành phần trong đầu gối như cơ xương, sụn, khớp, từ đó cũng giảm được nguy cơ mắc viêm xương khớp.
Béo phì làm có thể dẫn đến đau khớp trầm trọng hơn. Khi giảm lượng mỡ dự trữ trong cơ thể sẽ giảm nguy cơ làm nặng thêm các chứng rối loạn tự miễn như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường…
Để điều trị béo phì, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người bệnh cần được can thiệp về lối sống, đảm bảo duy trì giảm cân bền vững, trong đó chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng.
3. Nên ăn uống thế nào để giảm cân an toàn, hiệu quả?
Theo TS.BS Nghiêm Nguyệt Thu, Trưởng Khoa Dinh dưỡng lâm sàng và Tiết chế, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nguyên lý của điều trị béo phì là kết hợp nhiều chuyên khoa khác nhau, trong đó can thiệp lối sống, bao gồm: can thiệp dinh dưỡng, tập luyện thể lực, thay đổi hành vi, hỗ trợ tâm lý là nền tảng căn bản.
Về can thiệp dinh dưỡng, người bệnh phải điều trị kiên trì, giảm cân một cách từ từ, bền vững. Thông thường mức đạt mục tiêu là giảm được từ 5-10% trọng cơ thể trong vòng 6 tháng.
Để thực hiện được điều này, nên áp dụng chế độ ăn giảm năng lượng, thực hiện chế độ ăn cân đối giữa các chất sinh nhiệt, hạn chế các loại carbohydrate hấp thu nhanh (các loại bánh ngọt có đường, loại củ cung cấp nhiều tinh bột như khoai lang, khoai sọ, khoai tây..) và các chất béo bão hòa, hạn chế ăn muối (dưới 5g/ngày), kiêng rượu.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, dù cần phải giảm năng lượng ăn vào nhưng người béo phì vẫn cần phải đảm bảo duy trì đủ chất đạm, vitamin, chất khoáng cho hoạt động của cơ thể. Tuyệt đối không được nhịn ăn mà vẫn phải đảm bảo đủ số lượng bữa ăn hằng ngày đủ chất dinh dưỡng nhưng cần hạn chế hoặc loại bỏ các thực phẩm giàu năng lượng, đường đơn, dầu mỡ, thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn…