Người bị tiền đái tháo đường nên ăn uống thế nào để giảm nguy cơ trở thành đái tháo đường thực sự?

Tiền đái tháo đường là yếu tố nguy cơ chính trong việc phát triển bệnh đái tháo đường loại 2. Tuy nhiên, không giống như bệnh đái tháo đường loại 2 toàn phát, tiền đái tháo đường có thể được chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều chỉnh lối sống, trong đó có chế độ ăn uống.

Nội dung

1. Tiền đái tháo đường là gì?
2. Các biện pháp điều trị tiền đái tháo đường
3. Chế độ ăn uống giúp giảm nguy cơ tiền đái tháo đường tiến triển thành đái tháo đường thực sự

Tiền đái tháo đường là giai đoạn trung gian giữa người bình thường và đái tháo đường type 2. Thống kê cho thấy, có khoảng 5-10% người tiền đái tháo đường sẽ trở thành đái tháo đường hàng năm và tổng cộng 70% người tiền đái tháo đường sẽ thành đái tháo đường thực sự.

Như vậy có thể hiểu là tiền đái tháo đường là yếu tố nguy cơ chính trong việc phát triển bệnh đái tháo đường type 2. Vậy tiền đái tháo đường là gì và có cách nào để giảm nguy cơ nó phát triển thành đái tháo đường thực sự không?

ThS.BS Nguyễn Thu Yên

ThS.BS Nguyễn Thu Yên

1. Tiền đái tháo đường là gì?

Tiền đái tháo đường là tình trạng bệnh lý khi nồng độ glucose máu cao hơn bình thường nhưng chưa đạt tiêu chí chẩn đoán đái tháo đường, bao gồm những người rối loạn glucose máu lúc đói, hoặc rối loạn dung nạp glucose (RLDNG), hoặc tăng HbA1c.

Theo Hiệp Hội Đái tháo đường Hoa Kỳ, tiền đái tháo đường là tình trạng bệnh lý trung gian giữa bình thường và đái tháo đường type 2. Người mắc tiền đái tháo đường có nguy cơ cao tiến triển thành đái tháo đường type 2.

Tiền đái tháo đường liên quan với các yếu tố nguy cơ giống như bệnh đái tháo đường, đó là: thừa cân, béo phì, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, ít hoạt động thể lực...

Chẩn đoán tiền đái tháo đường khi có một trong các rối loạn sau đây:

Rối loạn glucose máu lúc đói: Glucose huyết tương lúc đói từ 100 - 125mg/dL (5,6 - 6,9mmol/L). Glucose máu lúc đói là xét nghiệm sau bữa ăn uống cuối cùng ít nhất 8 giờ, hoặc:
Rối loạn dung nạp glucose: Glucose huyết tương sau 2 giờ từ 140 - 199mg/dL (7,8 - 11,0mmol/L) khi làm nghiệm pháp dung nạp glucose bằng đường uống với 75g glucose, hoặc:
HbA1c: 5,7 - 6,4%

Cơ chế bệnh sinh tiền đái tháo đường gồm nhiều yếu tố tác động bao gồm: các gen nguy cơ, kháng insulin, tăng nhu cầu tiết insulin, ngộ độc glucose, ngộ độc lipid, rối loạn tiết/giảm hoạt động incretin, tích lũy amylin, giảm khối lượng tế bào bê-ta tuyến tụy… kết quả làm giảm chức năng tế bào bê-ta tiến triển.

Mức độ giảm tiết insulin và đề kháng insulin xuất hiện từ rất sớm, trước khi được chẩn đoán tiền đái tháo đường khoảng 13 năm và tăng dần theo thời gian. Do đó việc phát hiện sớm và can thiệp điều trị tích cực người mắc tiền đái tháo đường sẽ giúp giảm tỷ lệ mắc đái tháo đường type 2 và dự phòng các biến chứng tim mạch và biến chứng khác do tăng glucose máu (cả tăng lúc đói và sau ăn).

Tiền đái tháo đường nên được phát hiện và can thiệp sớm.

Tiền đái tháo đường nên được phát hiện và can thiệp sớm.

2. Các biện pháp điều trị tiền đái tháo đường

Không giống như bệnh đái tháo đường type 2 toàn phát, tiền đái tháo đường có thể được chữa khỏi. Mục đích của điều trị tiền đái tháo đường là:

- Đưa glucose huyết trở về bình thường; ngăn chặn hoặc làm chậm sự tiến tiến thành đái tháo đường; ngăn chặn và làm giảm các biến chứng do tăng glucose huyết.

- Giảm nguy cơ bệnh tim mạch thông qua phát hiện và điều trị các yếu tố nguy cơ tim mạch đi kèm.

Các phương pháp điều trị bao gồm:

- Điều trị bằng thuốc.

- Phát hiện và kiểm soát yếu tố nguy cơ tim mạch: Tăng huyết áp, rối loạn lipid máu.

- Thay đổi lối sống: Giảm cân và giữ cân nặng ở mức cho phép; Tăng hoạt động thể lực; Không hút thuốc lá; Có chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh…

3. Chế độ ăn uống giúp giảm nguy cơ tiền đái tháo đường tiến triển thành đái tháo đường thực sự

Về nguyên tắc ăn uống đối với các trường hợp tiền đái tháo đường cũng giống như các trường hợp bị đái tháo đường, đó là: đảm bảo đủ dinh dưỡng, kiểm soát lượng carbohydrate ăn vào (vì carbohydrate ảnh hưởng trực tiếp đến lượng đường trong máu), tăng cường thực phẩm giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất.

Thực phẩm tốt nên lựa chọn là các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp (GI<55) như: Ngũ cốc nguyên hạt; các loại khoai củ: khoai lang, sắn, củ từ…; Các loại rau không chứa tinh bột, cà chua, cà rốt…; Các loại trái cây như: táo, chuối, bưởi, mận, lê, kiwi, ổi…

Thực phẩm giàu chất xơ như các loại ngũ cốc nguyên hạt, rau xanh và trái cây tươi có thể giúp điều chỉnh lượng đường trong máu và giữ cho lượng đường trong máu ổn định.

Cần giữ chế độ ăn uống điều độ, đúng giờ, không bỏ bữa và nên kiểm tra đường huyết thường xuyên để chắc chắn mức đường huyết đang được giữ ở mức an toàn.

Thực phẩm giàu chất xơ giúp giữ cho lượng đường trong máu ổn định.

Thực phẩm giàu chất xơ giúp giữ cho lượng đường trong máu ổn định.

Tóm lại: Tiền đái tháo đường có thể được chữa khỏi hoặc làm chậm tiến triển thành đái tháo đường dựa vào việc người bệnh được phát hiện sớm và điều trị đúng theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa kết hợp với các biện pháp: điều chỉnh lối sống, thường xuyên vận động, duy trì cân nặng bình thường và có chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Ngoài ra người bệnh cần lưu ý tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ để kiểm tra lượng đường trong máu, HbA1C, chỉ số mỡ máu, huyết áp cũng như các bệnh tim mạch khác kèm theo để can thiệp điều trị sớm nếu cần.

ThS.BS Nguyễn Thu Yên, chuyên khoa Nội tiết - Đái tháo đường

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguoi-bi-tien-dai-thao-duong-nen-an-uong-the-nao-de-giam-nguy-co-tro-thanh-dai-thao-duong-thuc-su-169230223180332779.htm