Người cầm quân huyền thoại

Chỉ cần nói Đại tướng huyền thoại hoặc ngắn gọn hơn Đại tướng là quân đội và nhân dân ta biết ngay là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Người là vị tướng mà nhân-trí-dũng đều tỏa sáng xứng đáng với sự ca ngợi của nhiều người. Gắn liền với những chiến công hiển hách của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20 là tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.Nguyễn Hữu Quý

Đại tướng vốn là thầy giáo dạy lịch sử, chưa hề qua một trường quân sự chính quy lừng lẫy nào nhưng đã làm kinh ngạc nhân loại. Ông góp phần quan trọng cùng Đảng và nhân dân Việt Nam đánh thắng những “kẻ thù to”, như: Thực dân Pháp, đế quốc Mỹ để giải phóng đất nước, thống nhất non sông. Nghệ thuật cầm quân của Đại tướng được nói tới rất nhiều mà vẫn còn đó các câu hỏi cần được giải đáp thêm.

Trong cuốn sách Võ Nguyên Giáp nổi tiếng được xuất bản và dịch sang Việt Nam năm 2012, nhà sử học người Pháp Georges Boudarel đã đặt ra câu hỏi: Vì sao một người chưa có ngày nào ngồi trên ghế nhà trường quân sự đã đối đầu và chiến thắng tới 15 sĩ quan cao cấp có không ít kinh nghiệm trận mạc vốn đã được đào tạo chu đáo tại các trường quân sự lừng danh nhất phương Tây? Tôi nghĩ, trả lời câu hỏi này không quá khó, khi các tướng cầm quân phương Tây đã tìm hiểu kỹ càng lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Các học giả phương Tây chắc sẽ tìm được câu trả lời từ Lý Thường Kiệt với bài thơ Thần đọc trên phòng tuyến sông Như Nguyệt trong cuộc kháng chiến chống giặc Tống ở thế kỷ XI Nam quốc sơn hà Nam đế cư hay từ Lê Lợi-Nguyễn Trãi trong Đại cáo Bình Ngô được công bố sau khi thắng giặc Minh ở thế kỷ 15 Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân/ Quân điếu phạt trước lo trừ bạo… Yêu nước, thương dân là tư tưởng nhưng cũng là văn hóa giữ nước của dân tộc Việt Nam. Là nguồn gốc của sách lược lấy yếu đánh mạnh, lấy ít địch nhiều, lấy chí nhân thay cường bạo. Đến thời đại Hồ Chí Minh thì tư tưởng ấy được phát triển lên tầm cao mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một minh chứng rất rõ nét.

Trong mọi cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ đất nước nếu các tổ chức, lực lượng lãnh đạo không tập hợp được đông đảo nhân dân thì chắc chắn không giành được thắng lợi. Chiến tranh nhân dân là cách nói khái quát, súc tích và chính xác nhất về nghệ thuật quân sự truyền thống của Việt Nam. Mỗi người dân, bất kể già trẻ, gái trai đều là người lính, đều có thể đánh giặc theo cách của mình. Còn cái lai quần cũng đánh, câu nói giản dị ấy của một người mẹ đông con ở châu thổ Cửu Long thời đánh Mỹ trở thành lời thề yêu nước của dân tộc.

Đây nữa, câu khẩu hiệu Xe chưa qua nhà không tiếc ở vùng tuyến lửa khu Bốn một thời bom đạn cũng thể hiện tinh thần quyết chiến, quyết thắng của nhân dân. Với cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang thì Trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng như lời Bác Hồ dạy. Khi sức mạnh tinh thần trở thành sức mạnh vật chất thì khó có kẻ thù nào chiến thắng được dân tộc ta. Đấy không phải câu nói suông mà là thực tiễn đã được kiểm nghiệm sinh động từ hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của quân và dân ta. Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và Đại thắng mùa xuân năm 1975 là những minh chứng sinh động mà ai cũng thấy.

Người dân đến thăm viếng Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở xã Lộc Thủy (Lệ Thủy). Ảnh: Nguyễn Hải

Người dân đến thăm viếng Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở xã Lộc Thủy (Lệ Thủy). Ảnh: Nguyễn Hải

Trong đời cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có nhiều trận đánh, nhiều chiến dịch cùng những chiến công vang dội nhưng xin được lấy 3 thời điểm để chứng minh cho tài nghệ quân sự của Đại tướng. Một là trận Phai Khắt-Nà Ngần (Cao Bằng) xảy ra vào ngày 25, 26/12/1944. Đây là trận đánh đầu tiên, trận đánh mở màn của quân đội ta lúc đó còn mang tên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Không có lựa chọn thứ hai, trận ra quân này phải thắng. Muốn chắc thắng phải chọn đúng mục tiêu tấn công và đề ra được cách đánh hợp lý. Đương nhiên, tinh thần quả cảm là yếu tố không thể bỏ qua được. Nhờ vậy, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Võ Nguyên Giáp, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã giành chiến thắng trong trận mở màn, mở ra truyền thống đánh thắng trận đầu và đánh tiêu diệt gọn của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, tài trí của Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại thể hiện ở cách đánh giá kẻ thù, đọc đúng thế trận, để có những thay đổi cần thiết mang tính khoa học và rất nhân văn. Mọi sự chuẩn bị cho kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ coi như chuẩn bị xong xuôi. Pháo đã kéo vào, quân đã ém sẵn, chỉ đợi giờ G phát hỏa. Nhưng…lại có một đêm như thế. Đêm trắng. Rừng Mường Phăng xào xạc, rì rầm dưới ánh sao trời. Đại tướng không một giây chợp mắt. Đầu căng nhức. Tiếng gà rừng eo óc gáy sáng. Quyết định được đưa ra… Một quyết định cực kỳ khó khăn và vô cùng phức tạp trong cuộc đời cầm quân của Đại tướng vì bên cạnh ông lúc đó có cố vấn quân sự Trung Quốc và phần đông cán bộ, chiến sĩ cấp dưới đang háo hức chờ lệnh. Phương châm tác chiến đánh nhanh, thắng nhanh được thay đổi thành đánh chắc, tiến chắc.

Đại tướng đã làm đúng lời Bác Hồ dặn khi giao nhiệm vụ, trận này phải thắng và “trao cho chú toàn quyền quyết định”. Không thể không nói thêm điều này, đấy là sự thay đổi rất nhân văn nhằm tiết kiệm máu xương binh sĩ. Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng. Và thực tiễn đã chứng minh hùng hồn sự sáng suốt của Đại tướng khi thay đổi cách đánh. Ngày 7/5/1954 ghi dấu mốc son hào hùng trong trang sử cứu nước của dân tộc: Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu. Kẻ thù hết sức kinh hoàng, bất ngờ và khâm phục Đại tướng của chúng ta.

Người cầm quân giỏi là người nắm chắc thời cơ và biết cách chọn thời cơ để đánh địch. Trong mùa xuân năm 1975, cùng với Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Đại tướng đã nhìn ra thời cơ trăm năm có một cho công cuộc giải phóng miền Nam sau khi ta đã điểm đúng huyệt tử của chính quyền và quân đội Việt Nam Cộng hòa ở Buôn Ma Thuột và Tây Nguyên. Kế hoạch tùy nghi di tản đã tạo ra sự rối ren, hỗn loạn trong quân đội địch. Tình huống mới, thời cơ mới xuất hiện. Quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm 1975 được Đảng ta xác định và dồn sức thực hiện.

Một ngày bằng hai mươi năm. Chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra. Mệnh lệnh của Đại tướng Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa trở thành hồi kèn xung trận. Và cái gì đến nó sẽ đến, trưa 30/4/1975, lá cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của chính quyền và quân đội Việt Nam Cộng hòa. Sau đó mấy ngày thì nhiều đảo ở Trường Sa cũng được giải phóng. Chúng ta thực hiện được mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là khát vọng của dân tộc “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.

Trong bài viết không dài này, làm sao nói hết được nghệ thuật quân sự của một Đại tướng huyền thoại. Chỉ biết nói gọn rằng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một tài năng quân sự, một vị tướng hết lòng vì nước, vì dân. Đại tướng Võ Nguyên Giáp mãi mãi thuộc về nhân dân, thuộc về dân tộc, mãi mãi là vị tướng huyền thoại, vị tướng của hòa bình.

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/chinh-tri/202309/nguoi-cam-quan-huyen-thoai-2211920/