Ngàn Trươi trong nỗi nhớ

Trong kí ức của người dân Vũ Quang (huyện miền núi nghèo của Hà Tĩnh), Ngàn Trươi là dòng sông mang nhiều cung bậc cảm xúc trái ngược, vừa ngưỡng mộ, vừa yêu thương, vừa sợ hãi, vừa thú vị.

Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.

Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Xin trân trọng giới thiệu bài viết Ngàn Trươi trong nỗi nhớ của tác giả Trần Quỳnh Nga.

Dòng sông đó vừa là “ác giang”, là chốn lam sơn, chướng khí với những hiểm họa bất ngờ từ những khe Thuồng Luồng, vực Thành, thác Than Đày, vực Cơn Da, thác Cơn Ổi… nhưng cũng là “linh giang”, con đường huyết mạch giao thông đường thủy chở người và vũ khí lên An toàn khu Vụ Quang trong phong trào Cần Vương kháng Pháp vào cuối thế kỷ XIX của chí sĩ yêu nước Phan Đình Phùng mà trận đánh “sa nang úng thủy” làm kinh hồn bạt vía bè lũ thực dân xâm lược.

Ai nhớ ai quên…

Những cư dân sông nước làm nghề chài lưới mưu sinh trên dòng Ngàn Trươi bao đời đã thuộc lòng tính nết của dòng sông này. Sông cũng như tính người khốn khó ở nơi đây, cam nhẫn chất phác nhưng lại dễ nóng nảy, bốc đồng. Từ những dòng nước ngầm len lỏi, uốn quanh giữa điệp trùng núi non hiểm trở trên dãy đông Trường Sơn hùng vĩ, các con suối, con khe nhập vào rào Ngang, rào Bần ở biên giới mà ầm ào thành sông.

Con sông hẹp và dốc mang tên Ngàn Trươi dài hơn 60km, băng qua cụp Lim Cà Tỏ, thác Làng, qua các xóm, các làng của hai xã Hương Điền, Hương Quang chảy về hạ lưu nhập vào dòng Ngàn Sâu mới thong thả xuôi dòng.

Toàn cảnh công trình hồ Thủy lợi Ngàn Trươi- Cẩm Trang. Ảnh: Xuân Hoàn

Toàn cảnh công trình hồ Thủy lợi Ngàn Trươi- Cẩm Trang. Ảnh: Xuân Hoàn

Tôi nhớ gần 20 năm trước, lần đầu tiên đến Vũ Quang - một huyện mới vừa được thành lập của tỉnh Hà Tĩnh, ông Phan Đức Cung - vị chủ tịch huyện đầu tiên quần xắn “móng lợn” dắt tôi vượt qua mấy cây số đường rừng để vào sâu trong một trang trại của anh nông dân mới chuyển vào khu tái định cư đã bắt đầu ổn định sản xuất.

Tôi nhớ mãi giọng nói đầy phấn khởi của ông khi rót cho tôi cốc nước chè xanh có pha chút mật ong đầu vụ của rừng Vũ Quang và thoăn thoắt bóc trái cam bù mới cắt trong trang trại đẩy về phía tôi: “Cam bù G1 của Vũ Quang nhé, cái này chấm với ruốc bể thì cảm cúm tiêu trừ. Không lâu nữa đâu Vũ Quang sẽ có một bước chuyển mình, đời sống dân sinh sẽ được thay đổi”.

Tôi tin điều đó vì Vũ Quang đã làm được một việc thật diệu kỳ khi “lấy sức người hợp sức thiên nhiên” cho ra đời một siêu công trình thủy lợi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và góp phần phát triển kinh tế của tỉnh Hà Tĩnh. Chúng tôi cùng đi thuyền trên lòng hồ Ngàn Trươi - Cẩm Trang mênh mông mà ngỡ như trên biển hồ tít tắp xa mù với nhấp nhô những hòn đảo nổi đẹp như trong tranh vẽ.

Có ai có thể hình dung, chỉ mới một vài năm trước đây thôi, khi nói đến các bản nghèo ven sông như xóm Đăng, xóm Ngân, xóm Kiều, xóm Thị, xóm Tân Điền, xóm Móc (thuộc xã Hương Điền) Kim Thọ, Tùng Quang, Tân Quang, Kim Quang (thuộc xã Hương Quang) là thường trực một cảm giác nao lòng. Nhân dân gắn bó hai bên sông chủ yếu làm nghề chài lưới và làm ruộng vất vả, chỉ một trận mưa là trôi hết. Cây cối, hoa màu, trâu bò, nhà cửa sau lũ chẳng còn lại thứ gì.

Mưa bão, lụt lội cứ như bóng ma ám ảnh miền rừng Vũ Quang năm này qua năm khác. Tôi nhìn ra mênh mông mặt nước. Mùa hạ nước thấp, vẫn còn thấy nhấp nhô những ngôi nhà nằm sâu trong nước mà nghĩ đến sự cuồng nộ của dòng ác giang những năm xưa cũ. Dòng sông đó với những khe Thuồng Luồng, vực Thành, thác Than Đày, vực Cơn da, thác Cơn Ổi… mới nghe qua mà đã bủn rủn chân tay.

Lại nghe kể giữa những vực sâu, cảnh núi đá dựng thành vách đứng, con sông nhỏ và hẹp cứ hồng hộc xô đá giữa vết nứt của hai kẽ núi hung hãn chảy. Đâu đó giữa dòng có những vũng xoáy không con thuyền nào dám đến lại gần. Cả câu chuyện những xoáy nước sâu hun hút đó nước cuộn lên sùng sục. Nhiều bè gỗ rừng đi qua sơ ý là bị lôi tuột xuống mất tăm mất tích, không tìm thấy xác.

Những ngày xưa ấy, các xã nằm hai bên dòng Ngàn Trươi như Hương Điền, Hương Quang khốn khó đã đành, mấy xã hạ lưu như Đức Bồng, Đức Liên, Đức Lĩnh, Đức Giang, Ân Phú cũng lại là những xã nằm giữa vùng rốn lũ. Người dân nơi đây bảo rằng, cứ nhìn ngược lên ngàn thấy mây đen sầm sì thì thể nào mấy tiếng đồng hồ sau lũ sẽ ào ạt tới. Một năm vài trận lũ lớn, nước về không kịp trở tay, thế mới hiểu vì sao người dân dưới hạ lưu này nhà ai cũng có một cái chòi tránh lũ.

Tác giả trong chuyến đi thực tế lòng hồ Ngàn Trươi. Ảnh: Tác giả cung cấp

Tác giả trong chuyến đi thực tế lòng hồ Ngàn Trươi. Ảnh: Tác giả cung cấp

Có lẽ chính vì khổ như thế mà khi khởi công dự án thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang năm 2009, hơn ai hết, dân Vũ Quang mừng nhất. Sự kỳ vọng vào một công trình có thể cắt lũ dòng Ngàn Trươi, có thể xua “bóng ma” lũ lụt, tai ương ám ảnh tự bao đời tưởng chừng như phó mặc thì giờ đã có hi vọng thay đổi.

Kỳ vọng đó đã biến thành quyết tâm to lớn, nhất là sự hi sinh của nhân dân địa phương cùng với tâm sức, trí lực của những người thực hiện dự án đã biến Ngàn Trươi thành một cuộc cách mạng mới. Hơn 600 hộ dân, 20 nhà thờ và nơi thờ tự, 3.000 ngôi mộ của 2 xã Hương Quang và Hương Điền phải di chuyển đến vùng đất mới để nhường lại quê hương cho vùng lòng hồ thủy lợi đã là câu trả lời tốt nhất cho một niềm hi vọng mới của vùng đất nơi đây.

Vũ Quang ngày mới

Dòng sông xưa ấy nay đã thành hồ chứa nước Ngàn Trươi - Cẩm Trang, một hồ nước nhân tạo tại huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh có dung tích 775 triệu m3 nước, cao trình đập 53,9m, bề rộng đỉnh đập 12m. Đây là hồ chứa nước lớn nhất Hà Tĩnh và là một trong ba hồ chứa nước lớn nhất Việt Nam đến thời điểm hiện nay (chỉ sau hồ Dầu Tiếng và hồ Cửa Đạt) làm người dân bao đời náo nức.

Người dân nơi đây bao đời chỉ biết lên thác xuống ghềnh, giao thông đi lại khó khăn vất vả, lần đầu tiên được biết đến những hệ thống đường giao thông bê tông mà từ đó góp phần phát triển giao thương hàng hóa của các xã miền núi với miền xuôi được thuận lợi, đời sống dân sinh được đổi thay trên vùng quê nghèo miền núi tỉnh Hà Tĩnh

Tôi đã lênh đênh trên lòng hồ Ngàn Trươi rất nhiều lần, mỗi lần mỗi khác nhưng lần nào cũng có một cảm xúc rưng rưng khôn tả. Tôi nhớ như in sắc đỏ cũng những dải hoa chạc quẹc dăng đỏ rừng già trong nắng mới lên, vào những ngày tháng hai mặt hồ đang là là sương phủ. Hay những chiều mùa hạ cao rộng gió trời những cánh chim thiên di bay về đậu trắng những tầng cây thong dong rỉa cánh.

Cả nhớ những ngày thu êm đềm lội dọc Rào Rồng để khám phá thành lũy đá kiên cố nơi ghi dấu cuộc đấu tranh của nghĩa quân Phan Đình Phùng, Cao Thắng trong trận huyết chiến: “kê nang, úng thủy” đánh thực dân Pháp và con đường Hồ Chí Minh huyền thoại đã viết lên hùng ca của nhân dân Vũ Quang kiên cường trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Hai bên bờ Ngàn Trươi. Ảnh: Trần Quỳnh Nga

Hai bên bờ Ngàn Trươi. Ảnh: Trần Quỳnh Nga

“Ngàn Trươi là công trình mẫu mực của sự phối hợp giữa Trung ương và địa phương, mẫu mực về sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân và là công trình tiêu biểu nhất trong cả nước” như ông Hoàng Văn Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT phụ trách dự án Ngàn Trươi, từng tâm sự.

Vũ Quang đã đổi thay từng ngày. Là một huyện miền núi biên giới khó khăn trong cả nước bây giờ đã là huyện đầu tiên của cả nước về đích nông thôn mới, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Từ trong gian khó, nhọc nhằn miền quê cách mạng đã từng bước đi lên và không ngừng chuyển mình, đột phá.

Hôm nay, đứng ở đường mòn Hồ Chí Minh nhìn lên đập chính hồ chứa nước Ngàn Trươi cao lừng lững với chị Phan Hồng Yến, Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang, tôi lại có dịp kể về những chuyến hành trình khám phá Vũ Quang từ những ngày đầu thành lập huyện cùng với cha chị (Chủ tịch Phan Đức Cung).

Chị Yến cho hay: “Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Vũ Quang lần thứ V nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định một trong những khâu đột phá là ‘Khai thác tiềm năng, lợi thế, khai thác lợi thế Vườn Quốc gia Vũ Quang, hồ Ngàn Trươi, huy động tối đa các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển du lịch thương mại, xây dựng thị trấn Vũ Quang theo hướng đô thị sinh thái’”.

Câu nói đầy phấn khởi của chị đã làm tôi nhớ đến mong ước của cha chị cách đây gần một thập kỷ, sự liên tưởng đó khiến tôi nghĩ về sự tiếp nối của vùng đất và con người nơi đây với những mong ước đổi thay một vùng quê đã từng rất đỗi nhọc nhằn.

Tôi những muốn kể cho chị nghe nỗi băn khoăn của mình khi có một người bạn làm ở đài truyền hình muốn nhờ tôi chọn cho một câu tựa như slogan để giới thiệu về du lịch Vũ Quang mà tôi chưa nghĩ được, bởi slogan là một câu ngắn gọn nhưng phải chuyển tải hết được những ý tưởng mà mình muốn nói.

May thay, nay nhìn vào mắt chị thấy ánh lên một niềm lạc quan khiến tôi bất ngờ và tôi trong tôi bật lên “Vũ Quang - mùa hẹn mới”. Đó là slogan tôi chọn cho vùng đất đáng để yêu thương này!

Hồ chứa nước Ngàn Trươi là một hồ nước nhân tạo tại huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Công trình hồ chứa nước Ngàn Trươi được khởi công vào tháng 6/2009, với tổng mức đầu tư trên 7.857 tỷ đồng do Bộ NN-PTNT làm chủ đầu tư, Tổng công ty tư vấn xây dựng Thủy lợi Việt Nam là đơn vị tư vấn khảo sát thiết kế.

Trần Quỳnh Nga

Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.

Cơ cấu giải thưởng: 01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng.

Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TPHCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TPHCM nhận giải.

Để biết thêm thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, xin vui lòng truy cập địa chỉ sau: https://vietnamnet.vn/bao-vietnamnet-to-chuc-cuoc-thi-chuyen-cua-nhung-dong-song-2255386.html

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chuyen-cua-nhung-dong-song-ngan-truoi-trong-noi-nho-2294931.html